Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam-Lào

0
110
Cửa khẩu Lao Bảo - Cửa khẩu kiểu mẫu trên đường biên giới Việt - Lào. (Nguồn: TTXVN)
Cửa khẩu Lao Bảo – Cửa khẩu kiểu mẫu trên đường biên giới Việt – Lào. (Nguồn: TTXVN)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 90/2021/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 4/10/2020 đến ngày 4/10/2023.

Nghi định quy định Hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% và Hàng hóa nhập khẩu được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA. Cụ thể:
– Nghị định quy định hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ CHDCND Lào, trừ hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% nếu đáp ứng các điều kiện sau: Được nhập khẩu từ CHDCND Lào vào Việt Nam; Đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan Việt Nam-Lào và phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của nước CHDCND Lào cấp theo quy định.
– Nghị định quy định hàng hóa nhập khẩu từ CHDCND Lào thuộc danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bằng 50% thuế suất ATIGA quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định số 156/2017/NĐ-CP về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2018-2022 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) nếu đáp ứng các điều kiện quy định.
Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ CHDCND Lào theo Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào ban hành kèm theo Nghị định này gồm:

Phụ lục I – Danh mục hàng hóa được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất ATIGA của Việt Nam theo Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào.

Phụ lục II – Danh mục hàng hóa không được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào.

Phụ lục III – Danh mục hàng hóa được hưởng chế độ hạn ngạch thuế quan hằng năm theo Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào.

Trong trường hợp thuế suất ATIGA cao hơn thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP  ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế suất tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP (Biểu thuế MFN) và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có), thì áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bằng 50% thuế suất quy định tại Biểu thuế MFN.

Nghị định nêu rõ, hàng hóa thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này sẽ không được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Với 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường mòn và có 8 khu kinh tế cửa khẩu và nhiều chợ biên giới, thương mại Việt Nam – Lào có nhiều thuận lợi để phát triển. Trong 5 năm gần đây, thương mại của hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và theo các chuyên gia kinh tế, dư địa phát triển thương mại Việt – Lào vẫn còn rộng lớn.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Lào, trong sáu tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào đạt trên 671 triệu USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 329 triệu USD, tăng 19,1%, nhập khẩu đạt hơn 341 triệu USD, tăng 58,9%. So với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch, kim ngạch hai chiều tăng 16,6%, trong đó nhập khẩu tăng 49,3%, còn xuất khẩu giảm nhẹ 5%.

Riêng tháng 6/2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Lào đạt trên 100 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 22,1% (so với năm 2019, thời điểm chưa có dịch tăng 18,1%).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Lào là hàng dệt may đạt hơn 1 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt gần 5 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt gần 5 triệu USD; xăng dầu đạt hơn 1,5 triệu USD… Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Lào là gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 7,3 triệu USD; quặng và khoáng sản đạt gần 5,8 triệu USD; cao su đạt hơn 12,3 triệu USD…

Xét trong 5 năm gần đây, thương mại Việt Nam – Lào liên tục phát triển và đi vào chiều sâu. Năm 2016, thương mại giữa hai nước Việt Nam và Lào đạt 823,4 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Lào 478,1 triệu USD và nhập khẩu từ Lào 345,3 triệu USD. Bước sang năm 2017, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào đạt 892,9 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị kim ngạch giữa hai nước tiếp tục tăng trong năm 2018 với giá trị thương mại đạt được hơn 1 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Đến năm 2019, thương mại hai chiều Việt Nam – Lào vượt mốc 1 tỷ USD, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 12,5%. Việt Nam tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào với gần 430 dự án và tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, cán cân xuất khẩu và nhập khẩu tương đối cân bằng, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi theo hướng bền vững, danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn. Hiện nay, Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Lào; Lào là nước nhận nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here