Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông đã hướng vào Trung Quốc với một trong những cam kết là làm giảm thâm hụt thương mại trong quan hệ với Bắc Kinh. Trong quá trình vận động tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã hứa sẽ “chấm dứt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc”. Bắt đầu từ tháng 1 năm 2018, các biện pháp áp thuế và các biện pháp trả đũa giữa hai nước đã diễn ra trong suốt mười một tháng và mới tạm thời lắng xuống sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc hồi đầu tháng 12 vừa qua tại Argentina. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, kết quả đình chiến này chỉ là tạm thời và chưa thể coi đây là sự kết thúc của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Trong khi đó, cuộc chiến tranh thương mại đã và đang ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Vậy xung đột thương mại đã tác động như thế nào tới Việt Nam và nước ta cần làm gì để đối phó với các tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại?
Chiến tranh thương mại là gì
Trong thời gian gần đây, cụm từ “chiến tranh thương mại” được sử dụng thường xuyên, đặc biệt khi đề cập đến căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Về mặt lý thuyết, mỗi cuộc chiến tranh thương mại đều khởi đầu khi hai hoặc nhiều nước tìm cách tấn công nhau bằng thuế quan và hạn ngạch. Ví dụ, quốc gia A tăng thuế quan trên hàng hoá hay dịch vụ nhập khẩu từ quốc gia B khiến cho quốc gia B đáp trả, leo thang bằng hàng loạt các biện pháp áp thuế và đáp trả lẫn nhau. Có thể đề cập đến chiến tranh thương mại khi các biện pháp áp thuế quan và trả đũa đáp ứng tương đối ba yếu tố. Thứ nhất, các bên phản đòn nhau liên tục và ngày một khốc liệt hơn. Thứ hai, các mặt hàng bị áp dụng tương đối toàn diện trong quan hệ thương mại, chứ không chỉ tập trung vào một số ngành hàng nhất định. Thứ ba, các bên có biểu hiện bỏ qua các cơ chế xử lý tranh chấp, trong đó có các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mà đi thẳng vào các biện pháp trả đũa . Trên cơ sở các diễn biến gần đây, các học giả và giới chuyên gia đồng tình rằng, đã có thể đề cập đến căng thẳng thương mại Mỹ – Trung như một cuộc chiến thương mại.
Một số diễn biến chính trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
Đầu tháng 3 năm nay, Tổng thống Trump đề nghị Đại diện Thương mại Mỹ tiến hành điều tra trên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD theo điều 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 về các vi phạm nguyên tắc cạnh tranh không lành mạnh. Ngày 23 tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố danh sách hơn 1.300 loại hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm chi tiết máy bay, pin, TV màn hình phẳng, thiết bị y tế, vệ tinh và vũ khí bị áp thuế với thuế suất lên tới 25%. Để trả đũa, Trung Quốc cũng áp dụng mức thuế 25% bổ sung cho máy bay, ô tô và đậu tương, là hàng xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc và khởi xướng vụ kiện Mỹ trước cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Bất chấp các hành vi trả đũa từ phía Bắc Kinh, ông Trump khẳng định xem xét tiếp tục áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc trị giá 100 tỷ USD. Để ứng phó với tình hình, Bắc Kinh đã cử Phó Thủ tướng Lưu Hạc, đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Washington đàm phán về vấn đề thương mại, tuy nhiên cuộc đàm phán đều không đạt kết quả. Ngược lại, cuối tháng 5 năm 2018, Mỹ tiếp tục điều tra và đến giữa tháng 6 công bố mức thuế 25% lên hàng hoá Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, lần này tập trung vào các sản phẩm công nghiệp cao. Vài ngày sau đó, Bắc Kinh lại tuyên bố áp thuế trả đũa với mức thuế tương tự lên hàng hoá Mỹ cũng trị giá 50 tỷ USD và cáo buộc “Washington đã khởi động một cuộc chiến tranh thương mại” và tạm ngưng mọi cuộc đàm phán thương mại.
Căng thẳng thương mại giữa hai bên tiếp tục tiếp diễn khiến thế giới lo ngại và giữa tháng 9 năm 2018, Mỹ tiếp tục công bố mức thuế 10% lên hàng hoá Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD và sẽ tăng thuế suất lên 25% kể từ đầu năm 2019. Bắc Kinh tiếp tục “phản pháo” với mức thuế 10% lên hàng hoá trị giá 60 tỷ USD. Như vậy, tính đến thời điểm cuối tháng 9 năm 2018, Mỹ đã áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế lên hầu hết hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ, trị giá lên tới 110 tỷ USD.
Trong thời gian suốt hai tháng sau đó, hai bên đều giữ quan điểm khá cứng rắn và khả năng đạt được thoả thuận giữa hai nền kinh tế tưởng chừng là khá xa vời. Thế nhưng, đầu tháng 12 năm 2018, nhân dịp hội nghị Nhóm 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G20), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau để trao đổi về các bất đồng liên quan đến thương mại. Kết quả cuộc gặp cho thấy hai bên đạt được thỏa thuận tạm ngừng chiến tranh thương mại trong vòng ba tháng, theo đó Mỹ sẽ hoãn lệnh áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Nhà Trắng ra thông báo cho biết hai bên đã thảo luận về chính sách kinh tế của Trung Quốc, bao gồm chuyển giao công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các rào cản phi thuế quan, gián điệp mạng, dịch vụ và nông nghiệp, đồng thời nỗ lực hoàn tất đàm phán về vấn đề thương mại trong 90 ngày.
Kết quả cuộc gặp đặt ra nhiều hi vọng cho các quốc gia về khả năng Mỹ và Trung Quốc sớm đạt được thoả thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại. Các thị trường trên khắp thế giới phấn khởi trước “thỏa thuận ngừng bắn” 90 ngày. Thế nhưng, các phát biểu trái chiều và không nhất quán giữa hai bên về các thoả thuận cụ thể đạt được tại cuộc gặp ngày 1 tháng 12 tiếp tục làm dấy lên sự nghi ngờ về khả năng hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước trong một thời gian quá ngắn như vậy. Phát biểu trong chương trình “Street Signs” của đài CNBC ngày 3 ngày 12, ông Steve Okun, Cố vấn cấp cao của McLarty Associates, chuyên gia thương mại và là thành viên hội đồng quản trị Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore, nói: “Đây không phải là một thỏa thuận ngừng bắn, cũng không phải là một cuộc đình chiến”. Ông lưu ý các mức thuế bổ sung mà Mỹ và Trung Quốc đã áp đặt đối với các sản phẩm của nhau vẫn được áp dụng, vì vậy việc trì hoãn áp thuế bổ sung trong vòng 90 ngày không báo hiệu sự kết thúc của cuộc chiến thương mại.
Trên thực tế, thỏa thuận “đình chiến” thương mại Mỹ-Trung chỉ là thỏa thuận từng phần. Khoảng 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hiện vẫn đang bị áp mức thuế 25%. Và mặc dù mức thuế 10% hiện nay đang áp đặt lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ không tăng lên mức 25% cho tới ngày 1/1/2019 như đe dọa của Tổng thống Donald Trump, song chúng sẽ vẫn có hiệu lực. Trung Quốc hiện vẫn đánh thuế đối với 110 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Theo Ngân hàng ING của Hà Lan, một thỏa thuận thương mại giải quyết tất cả các khiếu nại của Mỹ đối với Trung Quốc phải mất rất nhiều năm để đàm phán. Báo cáo của ING cho rằng “90 ngày để đạt được một thỏa thuận bao quát là quá ngắn, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các công ty liên doanh. Các thỏa thuận thương mại song phương trên diện rộng như vậy phải mất nhiều năm để thương lượng” . Đồng thời các diễn biến gần đây nhất, cụ thể là vụ việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Hoa Vĩ (Huawei) theo yêu cầu của Mỹ, tiếp tục phủ bóng đen lên khả năng chấm dứt chiến tranh thương mại. Về vụ việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, các ý kiến cho rằng, vụ bắt giữ này diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc và không có lợi cho thỏa thuận ngừng áp thuế kéo dài 90 ngày đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tại Hội nghị G20.
Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
Có rất nhiều đánh giá về tác động của cuộc chiến thương mại tới kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và cả các năm tiếp theo . Trong Báo cáo Kinh tế thế giới tháng 10 năm 2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định căng thẳng thương mại, với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, là một trong những rủi ro lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các ý kiến cho rằng, cuộc chiến thương mại tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu và cả kinh tế Mỹ lẫn Trung Quốc, nhưng với Trung Quốc thì có chiều hướng nặng nề hơn do diễn ra cùng thời điểm kinh tế nước này có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Trong khi các biện pháp áp thuế hiện tại có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ giai đoạn 2018-2020 khoảng 0,1-0,2 điểm % , IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 sẽ giảm 0,5 điểm % trong khi tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc giảm tới 2 điểm % . Đối với Trung Quốc, kể từ khi cuộc chiến thương mại xảy ra, đồng NDT đã giảm 10% giá trị, thị trường chứng khoán lâm vào khó khăn, kim ngạch xuất khẩu chững lại trong tháng 10 – tháng 11 năm 2018 và dòng vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển hướng khỏi Trung Quốc. Tất cả các sự việc này đều diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc, đạt tộc độ tăng trưởng chậm nhất trong một thập kỷ qua.
Tác động của chiến tranh thương mại tới Việt Nam
Trong bối cảnh đó, một số phân tích cho rằng Việt Nam có thể là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Mặt khác, các chuyên gia cũng nhìn nhận, cuộc chiến tranh kinh tế này đặt ra vô số thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Dù thế nào thì, với mức độ mở rất lớn của nền kinh tế, Việt Nam được dự báo không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về mặt tích cực, các nhà quan sát cho rằng Việt Nam có thể đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Trao đổi với CNBC, Giám đốc đầu tư của Dragon Capital ông Bill Stoops cho biết, Việt Nam có thể là “người chiến thắng” nếu nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) chuyển hướng vào Việt Nam vì áp lực chi phí gia tăng xuất phát từ hàng rào thuế quan của Mỹ và Trung Quốc. Các công ty đa quốc gia đang bắt đầu chuyển những công đoạn sản xuất có tỷ suất sinh lợi cao đến Việt Nam. Các nhà sản xuất lớn như Intel, Foxconn, LG và Samsung đang chuyển nhà máy của họ sang Việt Nam. Lợi thế từ 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và những hiệp định đang chờ phê chuẩn như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) hoặc sắp có hiệu lực như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Tiến bộ và Toàn diện (CPTPP) khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam có thể “thế chỗ” Trung Quốc và tận dụng xung đột thương mại Mỹ – Trung để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến theo hướng ngược lại. Báo cáo của tạp chí Financial Times Confidential Research cho rằng Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh thương mại do mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu của nền kinh tế nước ta. Trong báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam công bố ngày 11 tháng 12 vừa qua, Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng tổng hợp bốn thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do chiến tranh thương mại khiến kinh tế toàn cầu và thương mại thế giới tăng trưởng chậm lại cũng như niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài bị giảm sút. Theo các ước tính của World Bank, các yếu tố này có thể khiến GDP của Việt Nam giảm tới 0,6% .
Thứ hai, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu tiêu dùng và tổng cầu của thế giới. Mỹ và Trung Quốc đều là các đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Chỉ riêng các đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Mỹ chiếm lần lượt là 8% và 4% GDP của Việt Nam, và nếu kinh tế hai nước này tăng trưởng chậm lại sẽ đồng nghĩa với việc nhu cầu nhập khẩu từ hai nước này cũng sẽ giảm đi. Ngoài ra, chiến tranh thương mại cùng với đồng USD tăng giá và Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất cơ bản dự báo sẽ khiến các nhà đầu tư lùi lại các dự định đầu tư hoặc rút vốn từ các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Thứ ba, những hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại sẽ chuyển hướng sang Việt Nam. Điều này sẽ gia tăng mức độ cạnh tranh của hàng hoá nước ngoài đối với hàng hoá Việt Nam. Ví dụ, đồ gỗ và nội thất là một trong những lĩnh vực bị áp thuế nhiều với quy mô khoảng 23 tỷ USD khiến hàng hoá xuất khẩu của Mỹ và cả Trung Quốc đều bị ảnh hưởng. Các mặt hàng xuất khẩu này từ Mỹ hay Trung Quốc, do bị ảnh hưởng về mặt thuế quan, có thể chuyển hướng sang các nước khác trong khu vực, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
Thứ tư, cũng có nguy cơ các doanh nghiệp Trung Quốc “mượn” xuất xứ hoặc chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Theo quy định của Bộ Thương mại Mỹ, bất kỳ một mặt hàng có tốc độ tăng trưởng trên hai con số/năm trong ba năm liên tục sẽ bị Bộ Thương mại Mỹ xem xét khởi kiện và bị áp thuế chống bán phá giá. Điều này có thể dẫn tới rủi ro Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia bị Mỹ áp thuế. Theo các số liệu mới nhất, thâm hụt thương mại tổng hàng hóa của Mỹ với Việt Nam ước tính là 33,33 tỷ USD (tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017) và nước ta tiếp tục duy trì vị trí thứ sáu trong mười nước Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất, xếp sau Trung Quốc, Mexico, Đức, Nhật Bản và Ireland .
Một số nhận xét thay cho lời kết
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, bất chấp các dấu hiệu dịu xuống trong thời gian gần đây, vẫn có thể tiếp diễn trong thời gian tới do các thoả thuận mà Mỹ và Trung Quốc đạt được bên lề Hội nghị G20 là khá mong manh. Cuộc chiến thương mại này đã và đang ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu và rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các tác động này có thể vừa là tiêu cực, vừa là tích cực. Một số học giả cho rằng, trong ngắn hạn các tác động tích cực lên nền kinh tế Việt Nam có thể lớn hơn các tác động tiêu cực, tuy nhiên về dài hạn, tổn thất do rủi ro bị Mỹ áp thuế và suy giảm tăng trưởng có thể sẽ lớn hơn các tác động tích cực .
Để tăng cường khả năng ứng phó với các tác động tiêu cực, Việt Nam cần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường khả năng xuất khẩu của hàng hoá Việt. Theo World Bank, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng mở và liên kết chặt chẽ với nhau, Việt Nam nên triển khai các biện pháp kinh tế vĩ mô thận trọng để ứng phó tốt hơn với các cú sốc từ bên ngoài. Chính sách tiền tệ thận trọng cùng với điều chỉnh tỷ giá linh hoạt là một biện pháp nhằm tăng cường khoảng đệm chính sách để chống đỡ các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, cần đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam để đối phó với khả năng hàng hoá các nước khác “tràn” vào thị trường nước ta. Đồng thời, cần tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc tiếp cận vốn và xây dựng các thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao để thúc đẩy xuất khẩu.
Về góc độ hội nhập kinh tế, xu hướng bảo hộ thương mại của chính quyền Mỹ lại có thể gián tiếp thúc đẩy hội nhập khu vực và các thoả thuận thương mại tự do. Xung đột thương mại có thể là điều kiện tốt để Việt Nam thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thôi thúc các nước liên quan phê chuẩn và triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Có thể nói, xu hướng bảo hộ thương mại của chính quyền Mỹ có thể tạo điều kiện cho Việt Nam đa dạng hoá thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang cả các nước khác./.
(Khánh Linh)