Theo bài viết của Giáo sư kinh tế học Kim Khắc Vũ (Jin Keyu, người Trung Quốc), thuộc Học viện Kinh tế Chính trị Luân Đôn, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ dẫn đến một cuộc cạnh tranh sức mạnh kéo dài giữa hai nước. Một số người đã cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh lạnh mới đang đến gần. Trên thực tế, những cuộc tranh cãi xung quanh các hoạt động thương mại và quyền sở hữu trí tuệ đang đánh lạc hướng chú ý của dư luận vào mâu thuẫn sâu sắc và khó giải quyết hơn giữa Trung Quốc và Mỹ. Sự mâu thuẫn này có liên quan đến tham vọng, mô hình phát triển và thách thức của Trung Quốc đối với địa vị bá chủ của Mỹ.
Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược linh hoạt. Bằng cách điều chỉnh một chút lập trường và thực hiện một số nhượng bộ đối với Mỹ, Trung Quốc đang ngăn chặn khả năng xảy ra cuộc xung đột toàn diện, một cuộc đối đầu ngoại giao thực sự. Bằng cách chấp nhận một số nhượng bộ về các vấn đề thương mại, Trung Quốc đang tranh thủ thời gian để thúc đẩy cải cách kinh tế. Trong khi đấu đá chính trị trong nội bộ Mỹ ngày càng gay gắt, Trung Quốc đã củng cố sự đoàn kết chính trị để đảm bảo một nền tảng vững chắc.
Điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ nhiều hơn về các vấn đề thương mại. Gần đây, Trung Quốc đã nối lại nhập khẩu đậu nành và khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, đáp ứng những lo ngại về gián điệp mạng ở Mỹ, sửa đổi luật cấm chuyển giao công nghệ của các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Ngoài ra, 38 bộ, ngành tại Trung Quốc đã cùng ký một bản ghi nhớ để trấn áp lo ngại xâm phạm sở hữu trí tuệ của Mỹ. Nhưng những thỏa hiệp này thực sự có lợi, bởi vì chúng phù hợp với sự phát triển kinh tế lâu dài của Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump là một món quà chiến lược cho Trung Quốc. Sự chia rẽ chính trị trong nước do ông Trump mang lại đã gây chia rẽ và làm suy yếu niềm tin trong nội bộ Mỹ và khiến trọng tâm của sự chú ý bị lạc hướng khỏi Trung Quốc. Ông Trump đã xa lánh các đồng minh cốt lõi của mình, điều này sẽ làm suy yếu sự hình thành các liên minh và quan hệ đối tác thương mại mới.
Cơn ác mộng kinh hoàng nhất của Bắc Kinh là có một Tổng thống mạnh mẽ, có tầm nhìn và gắn kết ở Mỹ. Điều có lợi cho Trung Quốc là ông Trump không bị thúc đẩy bởi ý thức hệ cũng như sự ràng buộc quy phạm đạo đức của Mỹ. Ông là một thương nhân và rất dễ hài lòng khi giành một chiến thắng hời hợt ở bề ngoài. Nếu có thể giành chiến thắng trong cuộc thương lượng ngắn hạn, rất có khả năng sẽ buông bỏ những vấn đề nan giải liên quan đến cạnh tranh kinh tế và quyền bá chủ công nghệ.
Do đó, việc duy trì tiếp xúc lâu dài hơn với Tổng thống Trump, rút lui có thể diện khỏi một cuộc tranh đua và thỏa mãn sự phù phiếm của vị tổng thống Mỹ này là phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Tất nhiên, chiến lược này phải được cân bằng với yêu cầu cấp bách của đất nước – không quá nhu nhược khi đối mặt với các đối thủ cạnh tranh.
Cạnh tranh với Trung Quốc không giải quyết được một số vấn đề thâm căn cố đế nhất ở Mỹ – sự trì trệ tăng trưởng thu nhập của tầng lớp trung lưu, sự suy giảm kỳ vọng của các thế hệ trẻ và sự không đáng tin ngày càng tăng của giới tinh hoa và chế độ. Còn đối với ông Tập, việc kiểm soát các yếu tố lật đổ trong nước là nhiệm vụ hàng đầu. Điều này có nghĩa là đảm bảo sự ổn định xã hội trong nước và tránh xung đột toàn diện với Mỹ. Tranh chấp thương mại là có thể kiểm soát và thỏa hiệp được.
Trung Quốc nhận thức rõ rằng việc giải quyết một loạt vấn đề sẽ chỉ mang lại một loạt vấn đề mới. Nhưng chừng nào những thăng trầm của tranh chấp vẫn tiếp diễn, chiến tranh khó có thể nổ ra. Trung Quốc phải thoát khỏi bế tắc địa chính trị với Mỹ. Trung Quốc nên thay đổi chiến lược phòng ngự và thiết kế một chính sách tích cực hơn đối với Mỹ: có ý hòa giải mà không mất đi tôn nghiêm. Để làm điều này, Trung Quốc cần thời gian và một chút không gian. Đây là lý do tại sao các nhượng bộ thương mại và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc được coi là cái giá đáng được bỏ ra.
Tác giả kết luận, bằng cách nhượng bộ về vấn đề thương mại, Trung Quốc có thể tránh được xung đột toàn diện với Mỹ, tập trung thời gian tiếp tục mở rộng và cải cách kinh tế trong nước. Đó là một món quà chiến lược cho Trung Quốc.
(Theo Thời báo Tài chính Anh, ngày 04/01/2019).