Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, Đại học Chicago, Cục Dự trữ Boston cho thấy Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã dưới mức 50 điểm kể từ tháng 8/2019 đến nay, và một trong những nguyên nhân là do tác động của thuế quan giữa Mỹ và các đối tác. Trong khi đó, số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho thấy chỉ số này của Trung Quốc sụt giảm ít hơn và có khả năng phục hồi cao hơn trong dài hạn. Dữ liệu thu thập được tại cửa khẩu biên giới và từ các nhà bán lẻ cũng cho thấy các nhà nhập khẩu Mỹ đã phải trả giá cao hơn cho cuộc chiến thương mại.
Do đó, cố vấn kinh tế trưởng Mohamed El Erian của Allianz phát biểu tại Diễn đàn Greenwich tuần vừa rồi đã lưu ý vấn đề tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ tại Trung quốc. Mặt khác, đây cũng là chất xúc tác và lý do thúc đẩy những điều chỉnh. HSBC khảo sát cho thấy 1/4 các công ty toàn cầu đang giảm thiểu chi phí do cuộc chiến thương mại bằng cách tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng những biến động trong chuỗi cung ứng để rà soát việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị. Tuy vậy, việc thay đổi chuỗi cung ứng là sẽ tạo những khó khăn kéo dài cho hoạt động của nhiều công ty Mỹ.
Mặt khác, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ cho rằng việc đạt được Thỏa thuận giai đoạn một khó có thể giải quyết được các vấn đề chính trong mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung, như xây dựng cơ chế đảm bảo thực thi thỏa thuận, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, vấn đề Huawei… Do đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các kế hoạch điều chỉnh hoạt động kinh doanh về dài hạn.
(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)