Ngày 27/10, báo Strait Times đăng bài của phóng viên Ng Jun Sen với tựa đề “Chiến tranh thương mại có thể sẽ sớm ảnh hưởng tới Singapore”. Theo báo Strait Times, đến nay, Singapore gần như vô sự trước những ảnh hưởng của xung đột thương mại Mỹ -Trung, nhưng điều này có nguy cơ thay đổi.
Tuy nhiên, ngày 26/10, trong một buổi đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại có thể tác động đến nền kinh tế Singapore vào nửa cuối năm nay và xa hơn nữa. Hệ quả là, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore khả năng sẽ bị chậm lại trong 6 tháng cuối năm 2018. Trong khi MAS dự kiến tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ giảm và nằm trong khoảng 2,5% – 3,5 %, Ngân hàng Trung ương Singapore cho rằng tăng trưởng sẽ giảm nhẹ vào năm tới.
Ngân hàng Trung ương Singapore cũng cho biết mặc dù đã có một số yếu tố giảm căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại, xong căng thẳng thương mại vẫn là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng điều này khiến cho năm tới trở thành một năm bất ổn hơn đối với kinh tế Singapore. Ngân hàng Trung ương cũng chỉ ra rằng cuộc chiến thương mại cũng có thể mở ra một số cơ hội cho Singapore. Nhưng điều này cũng chỉ cân bằng đối trọng với các ảnh hưởng tiêu cực.
Phân khúc điện tử của Singapore có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột thương mại vì cả Singapore và Trung Quốc đều là những nút then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu – và khoảng một nửa lượng đồ điện tử xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ hiện đang phải đối mặt với mức thuế cao hơn.Tuy nhiên, theo MAS Singapore lại có lợi thế tích cực khi các công ty quốc tế tái cơ cấu các chuỗi cung ứng để đáp ứng với hàng rào thuế quan.
MAS cũng trích dẫn kết quả một cuộc khảo sát gần đây của AmCham Trung Quốc và AmCham Thượng Hải cho thấy khoảng 1/3 trong số 430 công ty Mỹ được thăm dò, đã di chuyển hoặc đang cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu cho sự chuyển dịch.
MAS cho biết, Singapore với vị trí trung tâm có thể được hưởng một số tác động tích cực, đặc biệt là trong các dịch vụ thương mại bán sỉ, vận chuyển và kho bãi. Ông Chua Han Teng người đứng đầu Cơ quan đánh giá nguy cơ quốc gia châu Á thuộc Fitch Solutions cho biết ngay cả khi các công ty lựa chọn di dời nhà máy đến các nước lân cận, Singapore vẫn hưởng lợi gián tiếp nếu trụ sở của họ được đặt tại Singapore.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cao cấp ngân hàng UOB Alvin Liew cho biết đây là một hiệu ứng dài hạn và không có khả năng bù đắp ngay lập tức cho những ảnh hưởng tiêu cực bởi xung đột thương mại. Ông dẫn chứng cụ thể là một nhà máy không thể dịch chuyển sang Việt Nam hay Singapore qua một đêm, nên sẽ cần có thời gian đáng kể để có thể dịch chuyển các nhà máy này sang các nước.
Chiến tranh thương mại có thể tác động đến các yếu tố khác nhau của nền kinh tế – như đã thấy trong các số liệu khác được công bố ngày 26/10/2018. Sản lượng sản xuất giảm 0,2% trong tháng 9, sự sụt giảm tiêu cực đầu tiên kể từ tháng 12/2017, với cụm điện tử giảm 5,5%. Trong khi đó, thị trường lao động vẫn được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn nữa, với mức lương tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời tổng số việc làm tiếp tục tăng thêm 10.100 việc làm.
Trong khi Bộ Nhân lực khẳng định rằng chi tiêu đã giảm trong Quý III và tổng số việc làm gia tăng, các chuyên gia kinh tế như Giám đốc bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân hàng OCBC Selena Ling cho rằng cuộc chiến thương mại kéo dài có thể khiến các doanh nghiệp trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch tuyển dụng, trong khi người tiêu dùng có thể phải thắt chặt chi tiêu, điều này có thể có tác động đến giá cả. Lạm phát lõi tăng 1,9 % so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức trung bình 1,5 % trong nửa đầu năm nay. Lạm phát cho tất cả các mặt hàng có xu hướng tăng lên hơn 1 % trong năm tới từ mức dự kiến 0,5 % năm nay. Chiến tranh thương mại có thể thay đổi những dự báo này.
(Tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore)