Chiến tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc và hàm ý cho Việt Nam

0
160

Cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các phương diện từ an ninh – chính trị cho đến kinh tế – thương mại và đầu tư trên toàn cầu. Trong văn kiện Đại hội Đảng XIII, công nghệ được xác định là yếu tố trọng yếu đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tiến tới năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Do đó, làm chủ công nghệ và tận dụng thời cơ, xử lý các thách thức từ bối cảnh quốc tế là yêu cầu tất yếu để Việt Nam thực hiện được những mục tiêu đề ra.

  1. Các lĩnh vực cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc

Sự phát triển thần tốc của Trung Quốc đã đặt ra thách thức nghiêm trọng đến sự thống trị của Mỹ về công nghệ, dẫn đến cuộc đua cạnh tranh về công nghệ giữa Mỹ và quốc gia này. Từ năm 2015 trở lại đây, cạnh tranh công nghệ trở thanh “tâm điểm” trong cạnh tranh chiến lược giữa hai nước và diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

  • Hạn chế sự phát triển của các công ty công nghệ Trung Quốc

Trong Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ năm 2017, năng lực công nghệ của Trung Quốc được xem là mối đe dọa đối với sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này (White House, 2017). Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 được tổ chức ở Singapore, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã cáo buộc Trung Quốc “lấy cắp” công nghệ từ các quốc gia khác và cảnh báo nguy cơ gián điệp từ mạng viễn thông của Tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông Huawei. Trước các cáo buộc từ phía Mỹ, ngày 2-6-2019, Trung Quốc đã công bố Sách trắng “Lập trường của Trung Quốc về các cuộc tham vấn kinh tế – thương mại Trung Quốc – Mỹ” khẳng định Trung Quốc không “lấy cắp” công nghệ mà nỗ lực tự phát triển công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Năm 2018, Mỹ khởi động chiến dịch nhằm loại các công ty Trung Quốc thực hiện mạng 5G và loại thiết bị 5G Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ và các nước đồng minh với lý do nguy cơ mất an ninh. Có một số nước loại hẳn 5G Trung Quốc, tiên phong là Australia, rồi Nhật Bản, Anh và New Zealand.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Tổng thống Donald Trump đã sử dụng các biện pháp trừng phạt và trả đũa Trung Quốc và có những điều chỉnh chiến lược về công nghệ. Một biện pháp quan trọng là đưa các cá nhân, doanh nghiệp vào diện danh sách đen thương mại hay còn gọi là “danh sách thực thể”. Những cá nhân và tổ chức bị liệt vào danh sách này vì được cho là đã tham gia hoặc có khả năng cao đã tham gia vào các hoạt động gây đe dọa cho an ninh quốc gia hay các lợi ích về chính sách ngoại giao của Mỹ, trong đó phần lớn liên quan đến “khai thác bất hợp pháp” công nghệ của các doanh nghiệp Mỹ. Kể từ năm 2018 cho đến nay, tổng cộng có 162 thực thể Trung Quốc đã bị Chính quyền Tổng thống Trump trừng phạt. Tháng 4/2021, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã bổ sung thêm 7 thực thể “siêu máy tính” Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế nhằm hạn chế các doanh nghiệp này sử dụng công nghệ của Mỹ. Đầu năm 2019, các cơ quan tình báo của Mỹ cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ, các quỹ đầu tư và trường đại học của Mỹ để cảnh báo về các nguy cơ trong hợp tác với Trung Quốc. Các động thái của Mỹ đã tạo tâm lý “bất an”, khiến nhiều tập đoàn lớn, như Intel Corp., Qualcomm Inc., Xilinx Inc., Broadcom Inc, ARM, Google… phải tạm thời ngưng bán linh kiện hoặc hợp tác với Tập đoàn Huawei. Chính quyền Trump đã đẩy mạnh việc ngăn chặn các thương vụ đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Mỹ hay các thương vụ công ty Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ của Mỹ.

  • Lĩnh vực sản xuất chip

Do Mỹ có lợi thế nắm giữ thiết bị và công cụ sản xuất chip tiên tiến trong khi Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ và đồng minh về thiết bị, công cụ sản xuất chip tiên tiến, nên Mỹ đã áp dụng một số biện pháp để kiểm soát chặt thiết bị và công cụ sản xuất chip tiên tiến không rơi vào tay Trung Quốc, điển hình là việc thuyết phục thành công hãng ASML Hà Lan không bán cỗ máy quang khắc tia cực tím EUV trị giá 150 triệu USD cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ cấm các công ty gồm cả công ty nước ngoài có sử dụng thiết bị hoặc công cụ của Mỹ trong sản xuất chip bán sản phẩm chip cho những công ty Trung Quốc, nếu không sẽ bị đưa vào danh sách đen. Mỹ cũng hạn chế các hoạt động R&D giữa các công ty, phòng thí nghiệm, tổ chức giáo dục của Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ xây dựng chuỗi cung ứng chip tiên tiến toàn cầu không Trung Quốc, khôi phục vị thế ngành sản xuất chip tiên tiến của Mỹ nhằm đảm bảo tự chủ và phát triển năng lực sản xuất chip tiên tiến. Các hoạt động trên của Mỹ khiến cho việc tự chủ công nghệ bán dẫn của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Mỹ cũng đã triển khai một loạt biện pháp phòng vệ, thắt chặt một loạt quy định nhằm ngăn chặn nước ngoài chiếm các công nghệ chủ chốt, công nghệ mới của Mỹ qua hoạt động đầu tư và xuất khẩu công nghệ; tăng thuế quan đối với các mặt hàng công nghệ của Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 09/08/2022 đã ký một đạo luật cung cấp 52,7 tỉ USD cho việc sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn ở Mỹ và giảm thuế đầu tư 25% cho các nhà máy chip để thúc đẩy ngành bán dẫn Mỹ cạnh tranh với các nỗ lực KHCN của Trung Quốc. Đạo luật trên được xem là một bước đột phá lớn hiếm hoi trong chính sách công nghiệp của Mỹ. Trung Quốc đã vận động để ngăn việc thông qua đạo luật bán dẫn trên. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nói Trung Quốc “kiên quyết phản đối” đạo luật và gọi đây là hành động thể hiện “tâm lý Chiến tranh Lạnh” (Al Jazeera & New Agencíe, 2022). Nhằm tăng tỷ lệ sản xuất chip nội địa, Mỹ một mặt thúc đẩy mở rộng sản xuất nội địa, mặt khác, thu hút đồng minh đặt nhà máy sản xuất chip ở Mỹ và bước đầu đã đạt kết quả đáng kể.

  • Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), 5G và khoa học thông tin lượng tử (QIS)

Trung Quốc đã soán ngôi Mỹ và giành vị trí số một trong lĩnh vực AI. Hiện nay, Trung Quốc có 5 công ty thuộc top 10 công ty trong lĩnh vực Internet có vốn thị trường lớn nhất thế giới, lần lượt là Tencent, Alibaba, Meituan, Jingdong Mall, Pinduoduo. Vào năm 2020, Trung Quốc vượt Mỹ với số lượng tài liệu trích dẫn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tăng 35% so với năm 2019 (HAI, 2021) và có số lượng nhà khoa học máy tính gấp nhiều lần so với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ chiếm ưu thế đáng kể về lượng data có chất lượng. Mỹ sở hữu nguồn nhân lực cốt lõi và có thể tiếp nhận nguồn tài năng đa dạng trên toàn thế giới thay vì bị giới hạn bởi dân số đông đúc như Trung Quốc (Baner Banerjee & Sheehan; 2020; Allision, 2021; Matheny, 2020).

Trung Quốc đang là quốc gia tiên phong trong ứng dụng 5G tiên tiến nhất bao gồm hệ thống sản xuất thông minh và khả năng dùng các thiết bị phẫu thuật từ xa sử dụng công nghệ 5G (Chang, Guan & Guan, 2021). Đây cũng là thị trường 5G lớn nhất và sở hữu nhiều công ty lớn nhất về 5G trong top 5. Cuối năm 2020, có khoảng 150 triệu người dùng sử dụng 5G ở Trung Quốc so với 6 triệu người dùng ở Mỹ. Trung Quốc sở hữu 700.000 trạm phát sóng so với 50.000 của Mỹ. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường IPLytics (Đức), tính đến tháng 2-2021, Tập đoàn Huawei là công ty viễn thông nắm giữ số lượng bằng sáng chế toàn cầu về công nghệ 5G lớn nhất trên thế giới với 15,39% trong khi Qualcomm của Mỹ là 11,24%, Samsung (Hàn Quốc): 9,67%. Trong số 5 nhà cung cấp thiết bị 5G lớn nhất thế giới, có 2 công ty Trung Quốc và không có công ty nào của Mỹ. Tập đoàn Hoa Vĩ đã trờ thành nhà cung cấp thiết bị 5G hàng đầu thế giới và chiếm 28% thị phần (Davie, 2020). Về phía Hoa Kỳ, nước này sở hữu số lượng lớn các gã khổng lồ trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu bao gồm các tập đoàn hàng đầu trong thiết kế chip 5G và chiếm ưu thế trong các công nghệ cốt lõi của cơ sở hạ tầng đám mây.

Hoa Kỳ từ lâu đã dẫn đầu trong lĩnh vực điện toán lượng tử nhờ vào các khoản đầu tư lớn từ các công ty tư nhân như Google, IBM, Intel và Microsoft (Murgia, 2021). Tuy nhiên, Trung Quốc đang bắt kịp Mỹ trong các lĩnh vực khoa học thông tin lượng tử. Năm 2014, Hoa Kỳ và Trung Quốc có số lượng tương đương về bằng sáng chế liên quan đến lượng tử và năm 2015, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ về chi tiêu hàng năm cho nghiên cứu công nghệ lượng tử (The Economis, 2017).  Nhưng đến năm 2018, hai năm sau khi Trung Quốc khởi động “siêu dự án” nhằm tạo đột phá trong QIS, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ, nộp nhiều bằng sáng chế gấp đôi và chiếm 52% tổng số bằng sáng chế lượng tử toàn cầu. Harbin Engineering – một tổ chức của Trung Quốc – đã giành được vị trí trong top 5 về số lượng bằng sáng chế liên quan đến phần mềm điện toán lượng tử (Oikawa & cộng sự, 2021). Nhờ những tiến bộ này, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách công nghệ với Hoa Kỳ trong QIS – một lĩnh vực Hoa Kỳ đã thống trị từ lâu (Kania, 2018; Kurek, 2020).

  • Lĩnh vực chất bán dẫn

Là yếu tố cốt lõi của nhiều công nghệ hàng ngày, bao gồm AI, máy tính, ô tô, chất bán dẫn là nguyên nhân trọng yếu trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung. Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí thống trị trong ngành công nghiệp bán dẫn trong gần nửa thế kỷ qua. Về đầu vào sản xuất chất bán dẫn, Mỹ vẫn giữ vị trí vững chắc và kiểm soát các khâu quan trọng của chuỗi cung ứng, nắm giữ 55% thị phần của thiết bị sản xuất chất bán dẫn (so với 2% của Trung Quốc) và 85% phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (Brown, 2018). Tuy nhiên, vị trí thống trị của Mỹ đang dần bị suy yếu đáng kể bởi tình trạng thiếu đầu tư trong nước và cạnh tranh gia tăng ở nước ngoài. Mặc dù Mỹ vẫn dẫn đầu về thiết kế chip và đầu vào sản xuất chất bán dẫn (Jiang & Martina, 2019; Hunt & Zwetsloot, 2020), thị phần chế tạo chất bán dẫn của nước này đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% năm 2020 (Khan & cộng sự, 2021). Các công ty Mỹ như Qualcomm và Nvidia thống trị danh sách các công ty bán dẫn hàng đầu với 7/10 vị trí nhưng ngày càng thiếu nhân tài bán dẫn và phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc là nguồn doanh thu chính (Hille, 2021). Bên cạnh đó, trong khi Hoa Kỳ trước đây hoạt động ở vị trí tiên tiến nhất về sản xuất chip, thì ngày nay chỉ 44% chip do Hoa Kỳ thiết kế được sản xuất trong nước. Cả Intel và GlobalFoundries đều bị bỏ xa trong cuộc cạnh tranh chip thế hệ tiếp theo, để lại 90% chế tạo tiên tiến trong tay TSMC có trụ sở tại Đài Loan (Fried & Allen, 2021).

Trong khi đó, chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc để trở thành cường quốc bán dẫn đã thu được những kết quả đáng kể trong những năm gần đây. Mặc dù chưa trở thành đối thủ cạnh tranh lớn, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách về sản xuất và thiết kế chất bán dẫn xuống chỉ còn kém các công ty dẫn đầu một đến hai thế hệ. Trong lĩnh vực thiết kế chip, công ty con HiSilicon của Huawei đã phát triển thành một công ty thiết kế vi mạch tích hợp. Vào năm 2020, HiSilicon trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên lọt vào top 10 công ty bán dẫn và thay thế nhà dẫn đầu thị trường lâu năm Qualcomm để trở thành nhà cung cấp bộ xử lý điện thoại thông minh hàng đầu của Trung Quốc (Ye, 2020). Hiện nay, Trung Quốc chỉ “chậm hơn Hoa Kỳ và Đài Loan một đến hai năm” về thiết kế chip và “sau TSMC 5 năm” về chế tạo (Varas, 2020).

Xu hướng này cho thấy rằng mặc dù Mỹ sẽ không bị thay thế vị trí dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai gần, nhưng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ mạnh mẽ và ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc có thể phát triển nhanh chóng trong vòng một thập kỷ tới. Mặc dù các hành động gần đây của Hoa Kỳ như các lệnh trừng phạt đối với Huawei và việc đưa SMIC vào Danh sách thực thể đã làm chậm tiến độ phát triển của Trung Quốc, nhưng việc cắt đứt hoàn toàn quyền truy cập của Trung Quốc đối với các chất bán dẫn tiên tiến sẽ gây ra khó khăn cho chính nước Mỹ vì thị trường Trung Quốc chiếm 36% tổng doanh số bán chip của Hoa Kỳ (Goodrich & Su, 2020).

  • Lĩnh vực năng lượng xanh

Trong cuộc đua khai thác năng lượng xanh, Hoa Kỳ là nhà phát minh chính của công nghệ mới trong hai thập kỷ qua, nhưng Trung Quốc đã dẫn đầu trong việc sản xuất và triển khai các công nghệ đó, từ đó cho phép Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ và các quốc gia khác để thống trị nhiều mắt xích của chuỗi cung ứng năng lượng xanh, bao gồm sản xuất thiết bị, nguyên liệu thô và lưu trữ năng lượng.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo lớn trên thế giới (IRENA, 2019). Từ sản xuất chưa đến 1% tấm pin mặt trời vào năm 2000, Trung Quốc hiện cung cấp 70% tấm pin mặt trời trên toàn cầu năm 2019 (Ladislaw & Tsafos, 2020).. Bốn trong số mười nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu thế giới là người Trung Quốc và kiểm soát 40% thị trường toàn cầu so với 12% của Hoa Kỳ.

Trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng, Trung Quốc kiểm soát 80% hoạt động tinh chế nguyên liệu pin, 77% dung lượng pin và 60% sản xuất linh kiện pin và giành vị trí số 1 thế giới trong vòng chưa đầy 10 năm (Foldy & Elliot, 2020). Trong 10 năm tới, gần 75% nhà máy sản xuất pin lithium-ion mới sẽ được xây dựng ở Trung Quốc. Với tư cách là những nhà sản xuất hydro lớn nhất thế giới, Trung Quốc và EU đều dẫn đầu trong việc phát triển hydro xanh.

  1. Hàm ý đối với Việt Nam:

Cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc diễn ra theo xu hướng ngày càng leo thang căng thẳng sẽ đặt Việt Nam trước một số cơ hội và thách thức.

Về cơ hội, cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho Việt Nam trong quá trình hợp tác nâng cấp hạ tầng và ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, chi phí sản xuất hợp lý, mạng lưới hội nhập quốc tế sâu rộng với 15 Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) đã tham gia, Việt Nam là địa điểm sản xuất phù hợp với những sản phẩm công nghệ xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam đã có một số khu công nghiệp sản xuất của Intel, Apple, LG, Samsung. Mặc dù vẫn còn nhiều tồn tại những những nút thắt về thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao, hạ tầng công nghệ phù hợp và khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ, cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc sẽ mang đến cơ hội tiếp cận việc mua công nghệ cao đa dạng với mức giá cạnh tranh cho Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ mới, đa dạng hoá các loại hình hợp tác trong lĩnh vực công nghệ phù hợp với mục tiêu phát triển và bảo đảm an ninh quốc gia.

Về thách thức, Việt Nam đứng trước thách thức cân bằng giữa nhu cầu tạo thuận lợi, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và bảo đảm an ninh quốc gia. Một trong những vấn đề nổi lên trong cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc là vấn đề an ninh, an ninh mạng và bảo mật thông tin…, nhìn rộng hơn là an ninh quốc gia khi nhiều dịch vụ, kết cấu hạ tầng thiết yếu của xã hội hoạt động dựa trên các công nghệ mới. Do đó, để tránh nguy cơ bị lệ thuộc công nghệ, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần bảo đảm sự tự chủ ở mức độ nhất định về công nghệ thông qua hợp tác với các đối tác phù hợp. Đây là thách thức rất lớn do việc tự chủ công nghệ hoặc thậm chí là một phần công nghệ đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư khá lớn.

Thách thức đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ cũng phức tạp và đa dạng hơn trước. Trong một thế giới mà ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo ngày càng bị xóa nhòa, ngoài chủ quyền là đường biên giới trên thực địa, xuất hiện cả chủ quyền trong không gian mạng. Từ năm 2015, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy việc đề ra khái niệm “chủ quyền không gian mạng” và chủ động xác lập các quy định về quản trị không gian mạng. Điều này đặt ra nhu cầu nghiên cứu sâu về vấn đề chủ quyền không gian mạng và xây dựng khuôn khổ pháp lý trong nước cũng như tham gia đàm phán các điều ước, thỏa thuận quốc tế đối với vấn đề này. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ sẽ dẫn tới việc hình thành các loại hình vũ khí, khí tài mới có ưu thế vượt trội so với những thế hệ vũ khí cũ, cũng đặt ra bài toán về nâng cấp vũ khí, khí tài quân sự để bảo đảm quốc phòng – an ninh và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng trước thách thức tăng cường các quy định pháp lý cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Việt Nam về cơ bản chưa thực sự có năng lực khoa học – công nghệ đủ mạnh và các tập đoàn công nghệ đủ tiềm lực để định hình tiêu chuẩn công nghệ ở cấp độ toàn cầu, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Do đó, thách thức đối với Việt Nam là cần có chiến lược phù hợp để định vị vai trò của Việt Nam ở vị trí có lợi nhất trong tiến trình hình thành các tiêu chuẩn công nghệ số trên toàn cầu.

Hàm ý cho Việt Nam :

Một là, tiếp tục giữ vững và đẩy mạnh triển khai đường lối của Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Đảng về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo.

Hai là, cần gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KHCN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng ngành và từng cấp; xây dựng chiến lược phát triển KHCB của đất nước trên cơ sở tập trung kiến nghị các định hướng lớn về lựa chọn các mô hình, loại hình công nghệ phù hợp với nhu cầu bảo đảm an ninh của đất nước và phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, luật pháp để thu hút mạnh đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài, nhất là đầu tư các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường; có chính sách hỗ trợ nhập khẩu công nghệ cao; tăng cường công tác nghiên cứu, bám sát xu thế phát triển của công nghệ trên thế giới, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những điều chỉnh chính sách của Mỹ, Trung Quốc cũng như các nước liên quan trong lựa chọn tiêu chuẩn công nghệ áp dụng vào các lĩnh vực kinh tế – thương mại, quốc phòng.

Bốn là, đa dạng hóa đối tác và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN có trọng tâm, trọng điểm, theo lĩnh vực ưu tiên; gắn kết giữa hợp tác quốc tế về KHCN với hợp tác quốc tế về kinh tế; chú trọng, đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác phát triển và áp dụng công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển đất nước; tập trung xây dựng đồng bộ đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ có trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy; phát triển các tổ chức, tập thể KHCN mạnh, các nhà khoa học đầu ngành; đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp KHCN./.

(Bình Nguyễn – Vụ THKT)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here