Chính phủ Việt Nam và Australia mới đây đã công bố Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế kèm theo Lộ trình Thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước trong giai đoạn đầu 2021-2025.
Chiến lược sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu có nhiều cơ hội thị trường mới để hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam và Australia phục hồi trong đại dịch Covid-19 và phát triển bao trùm, bền vững với khả năng chống chịu cao trước các tác động bên ngoài, bao gồm các lĩnh vực: Giáo dục-đào tạo, năng lượng và tài nguyên, nông-lâm-ngư-nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số.
Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ và củng cố hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các luật lệ quốc tế, là cơ sở để đẩy mạnh thương mại tự do và cùng hợp tác giải quyết các thách thức chung. Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước, hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư hai chiều và trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau.
Phân tích về mối quan hệ Việt Nam và Australia trong thời gian qua, Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Long, Đại học Quốc gia Australia đánh giá, Việt Nam và Australia còn rất nhiều tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư khi hai nền kinh tế có các lợi thế so sánh riêng mang tính bổ trợ lẫn nhau hơn là cạnh tranh. Trước hết, kết cấu của hai nền kinh tế mang tính tương hỗ lớn. Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, dồi dào, giá rẻ, trong khi Australia có lợi thế về diện tích đất lớn, hệ sinh thái phong phú khá thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và chăn nuôi quy mô lớn.
Việt Nam và Australia đều có thế mạnh và truyền thống phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nhưng ở hai khu vực ngược nhau về mùa vụ và khí hậu. Việt Nam với khí hậu nhiệt đới, nóng, ẩm, mưa nhiều, đất đai màu mỡ có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới đa dạng; Australia với khí hậu khô hạn, phần lớn phát triển các sản phẩm nông nghiệp ôn đới, bên cạnh một số vùng nông nghiệp nhiệt đới nhưng trái vụ với Việt Nam. Sự kết hợp giữa hai nước sẽ tạo nên các sản phẩm và chuỗi cung ứng có tính chất tương hỗ phục vụ thị trường hai bên đồng thời có thể cùng xuất khẩu sang các thị trường thứ ba.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Chu Hoàng Long lưu ý, thế mạnh về địa chính trị của hai quốc gia có thể giúp hình thành con đường giao thương và đầu tư tiềm năng lớn giữa hai bán cầu. Australia nằm ở bán cầu Nam giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có mối quan hệ kinh tế chính trị mật thiết với các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, Anh và châu Âu. Việt Nam nằm ở bán cầu Bắc là cửa ngõ vào các thị trường rộng lớn ở Đông Bắc Á thuộc châu lục sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ lớn nhất thế giới.
Theo Tiến sĩ Chu Hoàng Long, quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia sẽ không chỉ thu hút đầu tư giữa hai nước mà còn có thể thu hút đầu tư từ các nước thứ ba, các định chế tài chính và các tập đoàn quốc tế nhằm tận dụng các lợi thế này.
Bên cạnh quan hệ về kinh tế, Việt Nam và Australia đang ngày càng gắn kết về xã hội và văn hóa. Australia là nơi sinh sống của gần nửa triệu người gốc Việt, một cộng đồng được đánh giá là có cuộc sống ổn định, vững chắc, thành đạt, đặc biệt là giàu bản sắc dân tộc và luôn luôn hướng về quê hương. Đây là một cầu nối về văn hóa và kinh tế rất quan trọng và chắc chắn giữa hai nước.
Theo Tiến sĩ Chu Hoàng Long, để tận dụng tốt các cơ hội từ Chiến lược, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hai nước cần nhận diện rõ thế mạnh và lợi thế so sánh của mình; tìm hiểu kỹ hệ thống pháp luật, tập quán, quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ; nâng cao kiến thức địa bàn và hiểu rõ năng lực của đối tác. Riêng đối với Việt Nam, cần phải tranh thủ sự hỗ trợ của Australia để cải tiến môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực để sẵn sàng và chủ động nhận chuyển giao công nghệ; nâng cấp các chuỗi giá trị cả về quản trị và kỹ thuật để nhanh chóng kết nối với các chuỗi giá trị của Australia và vươn ra chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong lời mở đầu của Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã nhất trí rằng, chiến lược là một bước quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu chung của hai nước là nằm trong nhóm mười đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã viết: “Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Australia đang có những bước phát triển hết sức tốt đẹp. Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Australia thể hiện nguyện vọng và mong muốn của Chính phủ, nhân dân hai nước”.
Thủ tướng Australia Scott Morrison viết: “Cùng nhau, Australia và Việt Nam đang đạt được những thành tựu lớn lao. Chúng ta có chung một chương trình nghị sự vững chắc, lạc quan và hướng tới tương lai. Chiến lược thể hiện rõ những điều hai nước có thể đạt được khi hai nước hợp tác cùng nhau. Tôi rất vui mừng được giới thiệu Chiến lược tới chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng đầu tư và đổi mới của Australia và Việt Nam và tới tất cả những người sẽ cùng nhau hợp tác để đạt được mục tiêu của Chiến lược này”.
Nguyễn Minh