Ngày 3/6, tại Hội nghị Tiền tệ quốc tế, Tổng thống Pháp E.Macron đã tuyên bố: “Mỹ đã quyết định áp thuế hải quan với những lập luận vô lý”. Thực tế ai chịu trách nhiệm trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ? Việc chỉ ra Mỹ là nguyên nhân gây mất cân bằng hiện nay là không phù hợp với thực tế. Nhập khẩu của Mỹ từ phần còn lại của thế giới đã vượt quá 3 nghìn tỷ đô la trong năm 2018 (tăng gần 8% từ năm 2017), với thâm hụt thương mại hơn 600 tỷ đô la, mang lại cho nước này quy chế người tiêu dùng đầu tiên và cuối cùng trong nền kinh tế toàn cầu. Thế giới đều được hưởng lợi từ sự đóng góp này của Mỹ. Hơn nữa, châu Âu là nơi hưởng lợi đầu tiên, với gần 700 tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ Mỹ nhập khẩu từ lục địa già.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 380 tỷ đô la.
Nếu chỉ khoanh lại phân tích mối quan hệ song phương Trung-Mỹ, chúng ta có thể thấy sự mất cân bằng rất lớn. Năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 380 tỷ đô la. Về mặt cấu trúc, có thể nhận thấy Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều, điều này là rõ ràng. Tuy nhiên, cần thấy rằng thời điểm cuộc xung đột hình thành chính là từ tháng 5/2015 khi Tập Cận Bình thực hiện chiến lược bảo hộ khi đưa ra chương trình “China 2025” nhằm đạt được sự tự chủ gần như hoàn toàn về công nghệ, hàng không, xe điện… Nhiều biện pháp được tiến hành như hạn chế nhập khẩu, bắt buộc chuyển giao công nghệ, trợ giá… Với việc thực hiện “China 2025”, từ năm 2014 đến 2018, nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm 3%, trong khi nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Khi nhìn vào các số liệu và ý định, chúng ta thấy rằng sự phá vỡ ban đầu đến từ Bắc Kinh, ngay cả trước cuộc bầu cử Tổng thống Donald Trump. Điều này cũng giải thích tại sao phe dân chủ, đặc biệt thông qua thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, lại cùng quan điểm với Donald Trump. Cuộc chiến thương mại này không thực sự là một vấn đề đảng phái tại Mỹ.
Cho đến nay, những hậu quả thực sự của cuộc chiến thương mại này là gì?
“Phi toàn cầu hóa” hay “tách rời nhau” giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự đã diễn ra. Sự giảm tốc thương mại Mỹ-Trung tất nhiên đã tác động xấu đến thương mại thế giới và các quốc gia có liên quan nhiều nhất như Đức, phải chịu hậu quả. Từ góc nhìn của các doanh nghiệp, chúng ta cũng thấy có những biến chuyển lớn. Các doanh nghiệp hiểu rằng sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là nhất thời, mà là một thứ gì đó sâu hơn và có thể trở thành cấu trúc.
Ngoài ra, đối đầu Trung – Mỹ cho thấy những điểm yếu của các nền dân chủ tự do phương Tây trong những thập kỷ gần đây. Bởi vì tự do thương mại cũng được nhìn từ góc độ làm tăng bất bình đẳng tại các nước phương Tây. Thành quả của toàn cầu hóa không được phân chia công bằng. Giải quyết sự bất bình đẳng là vô cùng quan trọng vì bất bình đẳng làm hại các nền dân chủ từ bên trong và làm mất hình ảnh về một mô hình phát triển tốt đẹp mà các nước khác mong muốn
Các thách thức thực sự của sự đối đầu Mỹ-Trung là gì?
Đối đầu thương mại Mỹ-Trung bao hàm tất cả các thách thức cốt lõi và mang tính sống còn của thời điểm hiện nay. Tình hình hiện nay chính là “bẫy Thucydide”, khi một thế lực thống trị phải đối mặt với sự xuất hiện của một đối thủ chiến lược. Do đó, cạnh tranh Mỹ – Trung diễn ra cả trong lĩnh vực quân sự, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông và các vấn đề hạt nhân, Đài Loan và Bắc Triều Tiên. Đó chính xác là những điểm ma sát tiềm năng giữa hai cường quốc này.
Châu Âu có thể định vị ở đâu trong đối đầu Trung-Mỹ?
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 26/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp tục cáo buộc châu Âu: “Châu Âu đối xử với chúng tôi thậm chí còn tồi tệ hơn Trung Quốc”. Do đó, châu Âu sẽ buộc phải có biện pháp, và khôn ngoan hơn là châu Âu cần từ bỏ ý tưởng điên rồ nảy sinh sau cuộc bầu cử Tổng thống Donald Trump, đó là hợp tác với Bắc Kinh để bảo vệ chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa đa phương. Châu Âu có những điểm mạnh để giải quyết thách thức này nếu thoát khỏi những bất đồng nội bộ, chủ yếu giữa Paris và Berlin. Một điều quan trọng khác là cần ngừng cố gắng biến châu Âu thành một dạng trung tâm thương mại toàn cầu mà trong đó chiến lược duy nhất là đạt thặng dư thương mại trong trao đổi với phần còn lại của thế giới. Cách nhìn theo chủ nghĩa trọng thương này, chủ yếu là từ Đức nhưng được đồng tình rộng rãi ở Paris, chính là nguồn gốc gây mất cân bằng khiến châu Âu dần dần bất hòa với Washington. Châu Âu đang tác động lên tăng trưởng của các quốc gia khác, chủ yếu là Mỹ và Anh, một cách bất cân đối. Châu Âu phải đóng góp một cách công bằng cho tăng trưởng toàn cầu thay vì đi theo Trung Quốc với vai trò là nhân tố gây bất ổn hàng đầu cho kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung mà bắt nguồn là từ Trung Quốc, thương mại toàn cầu thì chậm lại, châu Âu phải tìm cách thích nghi và phải dựa vào sức mạnh chính yếu của mình, đó là nhu cầu nội địa. Nếu châu Âu có một chiến lược tăng trưởng phù hợp, điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại với Mỹ thì lục địa già sẽ ít bị tổn thương hơn trước bất ổn kinh tế toàn cầu, các công ty châu Âu sẽ có thể tập trung vào một thị trường nội địa sôi động, và người dân sẽ có thêm việc làm và được tăng lương. Điều này đòi hỏi cần cải cách triệt để chiến lược kinh tế châu Âu – đây chính là thách thức của châu Âu trong những năm tới./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)