Chiến lược “Một vành đai – Một con đường” của Trung Quốc và những tác động tới Liên minh Châu Âu (phần 1)

0
1130

Ý tưởng về “Một vành đai kinh tế – Con đường tơ lụa mới” (OBOR), một trụ cột quan trọng trong chiến lược toàn cầu mới của Trung Quốc, được ông Tập Cận Bình công bố trong chuyến công du tới các nước Cộng hòa Trung Á vào tháng 10/2013, có nội dung chủ yếu là hình thành tuyến đường sắt kết nối nhiều thành phố ở miền Tây Trung Quốc tới châu Âu qua các nước khu vực Trung Á, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Balkan trên khắp lục địa Á-Âu với tổng chiều dài lên đến 11.000 km. Song song với ý tưởng thành lập con đường tơ lụa trên bộ, tháng 10/2013, trong chuyến công du đến Indonesia, ông Tập Cận Bình cũng đã chính thức đề xuất chủ trương xây dựng “Con đường tơ lụa biển thế kỷ 21”. Với mục tiêu “tăng cường hợp tác trên biển với các nước ASEAN”, con đường sẽ xuất phát từ Trung Quốc đi qua Biển Đông, eo biển Malacca, đến Ấn Độ Dương và kết nối với khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Âu, trong đó ASEAN là cửa ngõ then chốt để thực hiện chủ trương này.

Như vậy, hành lang kinh tế được đề cập trong chiến lược OBOR của Trung Quốc sẽ bao gồm 4,4 tỉ người từ 65 quốc gia thuộc các khu vực Trung Á, ASEAN, Nam Á, Trung và Đông Âu, Tây Á và Bắc Phi. Năm 2013, thương mại của Trung Quốc với các quốc gia này đã vượt qua con số 1 nghìn tỉ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại của nước này. Tính chung trong 10 năm qua, thương mại của Trung Quốc với các quốc gia thuộc khu vực nói trên đã tăng bình quân 19%; dự kiến sau khi vận hành chiến lược OBOR, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc sẽ tăng lên 10 nghìn tỉ USD, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài cũng sẽ tăng lên 500 tỉ USD. Việc liên kết các thị trường đang nổi có tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao, kết hợp với việc tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông và tạo ra các trung tâm kết nối khu vực mới cũng như các cụm khu công nghiệp khổng lồ, mạng lưới cơ sở hạ tầng sẽ liên kết ba lục địa bằng hệ thống đường sắt, đường biển và đường bộ… sẽ là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc .

Cùng với ý tưởng OBOR, Trung Quốc triển khai xây dựng Ngân hàng Đầu tư Phát triển hạ tầng Châu Á “AIIB” như một cấu phần quan trọng của dự án. AIIB có số vốn 100 tỉ USD, trong đó phần đóng góp cùa Trung Quốc là 29,8 tỉ USD. Vào giữa tháng 5/2017, Trung Quốc đã tổ chức diễn đàn “Vành đai và Con đưòng” với sự tham gia của 28 nước. Sáng kiến OBOR là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời” và qua đó đưa ra tuyên bố về vai trò lãnh đạo toàn cầu của TrungQuốc. Tuy nhiên, chỉ có một vài nhà lãnh đạo châu Âu xuất hiện, vậy phải chăng OBOR không hấp dẫn đối với châu Âu và EU, hay họ còn có những lo lắng gì? Bài viết này trình bày các ý kiến, đánh giá, quan điểm của học giả EU về chiến lược OBOR của Trung Quốc.

  1. Dự báo về triển vọng của chiến lược “Một vành đai – một con đường”

Bình luận về OBOR, khá nhiều các học giả, nhà phân tích cho rằng, việc xây dựng “con đường tơ lụa trên biển” có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trung Quốc trong việc đối phó với chiến lược của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hỗ trợ thực hiện có hiệu quả chiến lược biển của Trung Quốc, mở rộng tầm ảnh hưởng và khả năng kiểm soát của Trung Quốc từ Biển Đông tới vùng biển Arab, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Theo đó, Trung Quốc sẽ vươn sang Ấn Độ Dương, nơi con đường tơ lụa đi qua với hai mục tiêu là lợi ích kinh tế và an ninh của các tuyến đường biển.

Trước hết, theo các nghiên cứu về các động cơ, mục tiêu cụ thể của Trung Quốc trong dự án OBOR cho thấy:

Thứ nhất, OBOR nhằm giúp phát triển vùng phía Tây bao gồm Tân Cương và Tây Tạng, gia tăng sự kết nối vùng này với Trung Á và châu Âu. Sự bất ổn về mặt chính trị tại khu vực này với “ba tệ nạn” là: chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa khủng bố đang đặt ra những ưu tiên hàng đầu trong điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc, duy trì và thiết lập sự tăng trưởng và ổn định kinh tế phía Tây của mình. Việc hình thành “một vành đai, một con đường” nhằm mục đích tạo ra sự ổn định trong tăng trưởng kinh tế khu vực Tân Cương thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại khu vực này đến các nước khu vực Trung Á và xa hơn là châu Âu. Bước đầu tiên trong chiến lược xây dựng và phát triển cửa ngõ con đường tơ lụa, Trung Quốc đã cam kết cung cấp tới 1.000 tỉ USD cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó một phần được thực hiện tại các tỉnh miền Trung và miền Tây Trung Quốc.

Đây cũng là vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản của Trung Quốc và hiện nay công suất sản xuất sắt thép và xi măng đã vượt gần gấp đôi nhu cầu của Trung Quốc. Việc mở cửa ra ngoài và “xuất khẩu” được sản lượng dư thừa này là hết sức cần thiết. Trong thời gian qua, để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc đã liên tục hỗ trợ tài chính xây dựng hệ thống đường bộ, cầu cảng tại các nước Trung Á. Tiếp đó là hàng loạt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xa hơn ở Nam Âu và Trung Âu: xây cầu ở Serbia; nhà máy nhiệt điện Stanari ở Bosnia trị giá lên đến 1,7 tỉ USD và đường cao tốc ờ Montenegro kết nối với Serbia trị giá 984 triệu USD. Bắc Kinh cũng cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho các nước có tuyến đường sắt này đi qua và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, thông tin liên lạc, cùng với việc viện trợ và cho vay tài chính thì việc trả nợ được thực hiện theo hình thức trao đổi các nguồn tài nguyên của địa phương.

Thứ hai, OBOR giúp Trung Quốc gia tăng vị thế ở Trung Á, giảm sự phụ thuộc vào Nga. Nga đã tạo lập ra một liên minh thuế quan riêng với Kazakhstan và Belarus, đây được xem là một động thái nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này. Như vậy, với việc thông qua tuyến đường sắt nối liền châu lục Á – Âu, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đến thẳng thị trường châu Âu mà không phải trung chuyển qua Nga. Đặc biệt khi quan hệ EU – Nga đang xấu đi, con đường tơ lụa sẽ là kênh chính để Trung Quốc thực hiện được mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thương mại đầu tư với khu vực châu Âu.

Ngoài ra Trung Quốc cũng sẽ giảm bớt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga và tăng cường an ninh năng lượng. Trung Quốc đã tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga thông qua siêu dự án lên tới 400 tỉ USD kẻo dài 20 năm mà hai nước kí kết năm 2014 cho thấy nhu cầu năng lượng của Trung Quổc đối với Nga. Dự án con đường tơ lụa sẽ là kênh thuận lợi để Trung Quốc nhập khẩu năng lượng trực tiếp từ khu vực Trung Á, giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga cũng như kiểm soát các kênh phân phổi đến các khu vực khác.

Thứ ba, thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa EU và Trung Quốc. Với kim ngạch thương mại hai chiều EU – Trung Quốc đã tăng lên 5 lần kể từ 2003 đến 2013 đạt con số 559 tỉ USD, EU được xem là đổi tác thương mại lớn nhất của Trung Quốctrữong vòng 10 năm qua. Hiện tại, đầu tư của EU đang chiếm ưu thế tại thị trường Trung Quốc, tuy nhiên, theo nhận định của các học giả, đầu tư của Trung Quốc vào thị trường EU sẽ không ngừng gia tăng và đạt doanh số từ 250-500 tỉ USD vào năm 2020. Kết quả của các chính sách đầu tư FDI của Trung Quốc sẽ tạo ra chiều hướng cho thấy sức mạnh và quyền lực về kinh tế sẽ nghiêng về Trung Quốc bởi những nỗ lực của Trung Quốc trong thời gian tới

Tóm lại, chiến lược “Một vành đai một con đường” được các học giả nhìn nhận là một trong những tham vọng lớn nhất trong điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc. Những năm tới, chương trình này sẽ cần rất nhiều ngân sách đầu tư với số lượng lớn từ các thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương; những điều chỉnh trong chính sách, các cuộc họp, trao đổi xuyên biên giới cũng sẽ được thực hiện.

Đánh giá về những triển vọng và thách thức của dự án OBOR, tờ tạp chí uy tín hàng đầu The Economist Intelligent Unit (EIU) với kinh nghiệm phân tích những rủi ro hoạt động và tín dụng của gần 200 quốc gia đã bóc tách một cách hết sức chi tiết như sau:

Các công ty của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách trên con đường tìm kiếm những cơ hội tại các vùng lãnh thổ mà dự án OBOR đi qua. Rất nhiều điểm dừng tại hơn 60 quốc gia và 3 châu lục nằm trong dự án có thể là những vùng đất chiến lược quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm tàng cả về chính trị, kinh tế lẫn pháp luật, đe dọa đến sự thành công của OBOR, đó là: i) Những rủi ro về vấn đề hạ tầng cơ sở, chính sách ngoại thương và thanh toán quốc tế, tài chính, chính sách thuế của các nước và các địa phương; ii) Những rủi ro về mặt an ninh như xung đột vũ trang, khủng bố, biểu tình quá khích, tội phạm có tổ chức, bắt cóc, tống tiền…; iii) Những rủi ro về mặt chính trị như bất ổn chính trị, chuyển đổi chế độ, phản đối lập trường, chính phủ độc tài, căng thẳng quốc tế; iv) Rất nhiều rủi ro khác liên quan đến việc xây dựng chính sách, tính hiệu quả của chính phủ, vấn đề tham nhũng, quyền con người, biến động tỉ giá hối đoái… Ngay cả nhiều học giả Trung Quốc cũng thừa nhận rằng “OBOR là một chiến lược kinh tế tốt, nhưng thực hiện nó không phải là một việc dễ dàng”.

Hiện nay, Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn lớn khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại, xuất khẩu suy giảm trong khi nợ công tăng cao. Hiện tại tổng nợ quốc gia so với GDP đã ở mức 250%, do vậy việc tập trung các nguồn lực tài trợ cho dự án OBOR sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chiến lược “Một vành đai một con đường” với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Trung Quốc từ việc thiết lập các quỹ mới và các ngân hàng, trong đó có Quỹ Cơ sở hạ tầng Con đường tơ lụa (Silk Road Infrastructure Fund), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank), Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) và Ngân hàng Phát triển của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), sẽ không chỉ thúc đẩy sự hợp tác kinh tế thương mại mà quan trọng hơn sẽ thúc đẩy mọi quốc gia kết nối, trao đổi chính trị, văn hóa, xã hội và sự hiểu biết lẫn nhau. Theo đó, Trung Quốc sẽ cần phải tính đến các vấn đề về địa lý, chính trị, an ninh, điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa của các quốc gia dọc theo con đường tơ lụa trong việc thúc đẩy kết nối với các quốc gia này. Điều này sẽ đòi hỏi nỗ lực vượt bậc của Chính phủ Trung Quốc.

Franẹois Godement cho rằng kế hoạch OBOR thực chất là một cuộc tấn công địa chính trị – ngoại giao và Trung Quốc đang tìm cách bổ sung trật tự thế giới hiện tại, chứ không phải chỉnh sửa lại nó. Franẹois không loại trừ khả năng Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ thất bại do tham vọng quá lớn và kế hoạch khổng lồ kể trên còn nhiều điều chưa chắc chắn. Dự án sẽ được triển khai trên một địa bàn rộng lớn bên ngoài Trung Quốc với điều kiện địa lý và chính trị rất khác nhau sẽ trở thành những khó khăn không hề nhỏ cho Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu cỏ khôn ngoan không khi đổ một khoản tiền khổng lồ vào dự án có lợi nhuận thấp và vào các nước có nguy cơ cao? Liệu có lặp lại thất bại cũ khi dựa quá nhiều vào nguồn tài chính công và các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước? Liệu Trung Quốc có thể thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào kế hoạch hoành tráng của mình? Những câu trả lời vẫn còn chưa rõ ràng.

Một báo cáo của Hội đồng Châu Âu cũng nhận định rằng tương lai OBOR của Trung Quốc vẫn còn ẩn chứa nhiều bất ổn. Sự phát triển của nó sẽ phụ thuộc vào các nhân tố trong nước và quốc tế trong khi các nhân tố này đang tiếp tục thay đổi một cách mạnh mẽ và thường xuyên mâu thuẫn với nhau…

(còn nữa)

Nguyễn An Hà & Nguyễn Thế Vinh

(Nghiên cứu Châu Âu, số 07/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here