Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) ngày 19/11 thông báo nước này và Australia đã chính thức khởi động quan hệ Đối tác Năng lượng tái tạo, một sáng kiến nhằm thúc đẩy đầu tư hai chiều trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Sáng kiến trên được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ-Australia lần thứ hai bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro, Brazil.
Tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Australia Anthony Albanese tái khẳng định cam kết thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực bao gồm quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, giáo dục, kỹ năng, thể thao, không gian và giao lưu nhân dân.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ra mắt quan hệ Đối tác Năng lượng tái tạo (REP) đã được thống nhất từ Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ-Australia lần thứ nhất. Theo tuyên bố chung, Ấn Độ và Australia sẽ chia sẻ tăng cường hành động vì khí hậu và hợp tác để triển khai các giải pháp bổ sung nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo. Trong nội dung chính của sáng kiến là cung cấp khuôn khổ hợp tác thực tế trong các lĩnh vực ưu tiên như điện Mặt Trời, hydro xanh, lưu trữ năng lượng, đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động năng lượng tái tạo trong tương lai.
Phát biểu sau hội nghị, Thủ tướng Albanese cho biết, Australia rất vui mừng khi chính thức khởi động quan hệ đối tác năng lượng tái tạo, giúp thúc đẩy đầu tư hai chiều vào các lĩnh vực như năng lượng Mặt Trời, hydro xanh và phát triển lực lượng lao động năng lượng tái tạo.
Hãng thông tấn ANI cho hay, tại cuộc gặp, hai Thủ tướng tái khẳng định cam kết thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, giáo dục, kỹ năng, thể thao, không gian và giao lưu nhân dân.
Theo Tuyên bố chung sau cuộc gặp, Ấn Độ và Australia sẽ tăng cường hợp tác trong các hành động về khí hậu và triển khai các giải pháp thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Nội dung chính của sáng kiến bao gồm khuôn khổ hợp tác thực tế trong các lĩnh vực ưu tiên như điện mặt trời, hydro xanh, lưu trữ năng lượng, đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động năng lượng tái tạo trong tương lai.
Hai nước cũng nhấn mạnh tiến bộ trong hợp tác quốc phòng và an ninh, với kế hoạch đổi mới Tuyên bố chung vào năm 2025. Đồng thời, hai bên hoan nghênh các sáng kiến hợp tác hàng hải và chia sẻ thông tin quốc phòng, nhằm xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Australia đã không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Australia ngày càng trở thành đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, với sự hợp tác ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực chiến lược. Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Australia đang mở rộng ra nhiều lĩnh vực và cả hai quốc gia đều cam kết xây dựng một tương lai hợp tác chặt chẽ hơn, không chỉ trong khuôn khổ song phương mà còn trong các diễn đàn khu vực và toàn cầu.
Theo báo cáo hàng quý do Hội đồng Năng lượng sạch Australia công bố, hoạt động đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo lớn ở nước này đã phục hồi trở lại trong quý I/2024 sau khi xuống mức thấp vào năm 2023, song Australia cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ đầu tư để đạt được mục tiêu năng lượng sạch vào năm 2030.
Dữ liệu trong báo cáo cho biết các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn ở Australia đã nhận được tổng vốn đầu tư là 1,1 tỷ AUD (733,5 triệu USD) trong quý đầu tiên của năm 2024. Theo đó, mức đầu tư trung bình hàng quý trong 12 tháng vào các dự án trên đã tăng 73%, lên 659 triệu AUD.
Báo cáo cũng cho biết đã có 5 dự án năng lượng tái tạo có tổng công suất 895 megawatts nhận được cam kết về tài chính trong quý I/2024. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá Australia cần đầu tư từ 6-7 gigawatts công suất tái tạo mỗi năm kể từ nay đến năm 2030 nhằm đáp ứng mục tiêu năng lượng tái tạo của chính phủ nước này.
Theo Hội đồng Năng lượng sạch Australia, Chính phủ Công đảng Australia hiện nay đang đặt mục tiêu đạt 82% nguồn cung năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia vào năm 2030. Tuy nhiên, cơ quan trên cho rằng tỷ lệ 40% như hiện nay vẫn còn rất thấp, xét đến cả những cam kết thực hiện các dự án điện gió, năng lượng Mặt Trời và pin lưu trữ mới với trị giá hơn 40 tỷ AUD. Việc đạt được mục tiêu về năng lượng tái tạo cũng được coi là chìa khóa để đáp ứng cam kết của Chính phủ Australia nhằm cắt giảm 43% lượng khí thải carbon so với mức năm 2005 vào năm 2030.
Trong khi đó, Ấn Độ đang xem phát triển năng lượng tái tạo là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế, hướng đến mục tiêu vươn lên trở thành nền kinh tế thứ ba thế giới vào năm 2030.
Phát biểu tại chương trình Let’s Talk Bharat (Hãy trò chuyện về Ấn Độ) của RT gần đây, Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt tự nhiên Ấn Độ, Hardeep Singh Puri, nhấn mạnh năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu của Thủ tướng Narendra Modi là biến Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 25 nghìn tỷ USD vào năm 2047, từ mức 4 nghìn tỷ USD hiện tại.
Ấn Độ đã tăng cường khai thác và sử dụng năng lượng, chủ yếu là dầu mỏ. Tuy nhiên, ông Puri cho biết quốc gia này đang tích cực đầu tư vào năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời và gió, nhiên liệu sinh học, hydro xanh và năng lượng hạt nhân.
Trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Modi, Ấn Độ đang thúc đẩy quá trình chuyển đối năng lượng tái tạo.
Quang Trung