Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) là công cụ để châu Âu cạnh tranh với Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc?
Ủy ban châu Âu (EC) mới đây trình bày một kế hoạch đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới. Với tên gọi Global Gateway (Cửa ngõ toàn cầu), kế hoạch này nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Bình luận về động thái này, tờ Le Monde của Pháp cho rằng Liên minh châu Âu (EU) có vẻ lạc hậu về marketing: Trong khi Trung Quốc triển khai “những Con đường tơ lụa mới” trên toàn thế giới để giành ảnh hưởng từ lâu, bây giờ EC mới cho ra đời dự án cạnh tranh của họ mang tên Global Gateway.
Chiến lược mới của EU, được trình bày hôm 1/12, thực chất là công cụ của châu Âu để cạnh tranh với sáng kiến của Trung Quốc. Thông qua BRI, Trung Quốc đã rót hàng chục tỷ USD từ năm 2013 vào các dự án xây dựng cảng biển, sân bay, đường sá và cầu cống trên tất cả các lục địa. Chương trình Global Gateway nhằm huy động tới 300 tỷ euro (340 tỷ USD) vốn đầu tư công và tư từ nay đến năm 2027 cho các dự án cơ sở hạ tầng bên ngoài EU, ví dụ như ở các nước láng giềng của Tây Balkan, ở châu Phi, cũng như ở Nam Mỹ hoặc châu Á.
Theo EC, phần lớn kế hoạch của EU sẽ được xây dựng dựa trên các chương trình đã tồn tại, nhưng lĩnh vực đầu tư sẽ được xác định lại. Các khoản tiền đầu tư sẽ được cung cấp dưới hình thức cho vay từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu, với sự bảo lãnh của EU và các tổ chức tài chính công của châu Âu như Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Pháp, hoặc Kreditanstalt für Wiederaufbau (KFW) tại Đức. Theo kế hoạch, 27 nước thành viên và ngân sách chung EU sẽ đóng góp 18 tỷ euro viện trợ cho dự án này.
Cũng theo EC, “các lĩnh vực kỹ thuật số, y tế, khí hậu, năng lượng và giao thông, cũng như giáo dục và nghiên cứu sẽ được ưu tiên”. Ủy ban nêu rõ, các quốc gia tiếp nhận các khoản đầu tư từ nguồn tài trợ của EU sẽ phải tôn trọng “pháp quyền, các tiêu chuẩn về quyền con người, quyền xã hội, quyền của người lao động”. “Chúng tôi muốn cách tiếp cận nguồn vốn được thực hiện dựa trên các giá trị dân chủ”, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, giải thích và mong muốn dự án mang lại lợi ích cho cả EU và các đối tác của họ.
Năm 2018, EC đã từng đưa ra một chiến lược tương tự dành cho châu Á. Nhưng ông Jean-Claude Juncker, khi đó là người đứng đầu EC, đã chưa đánh giá đúng mức ý nghĩa chính trị của dự án nên đến nay, dự án mới chỉ nhận được có 9,6 tỷ euro đầu tư. Theo giải thích của một nguồn tin châu Âu, các quan chức châu Âu sợ rằng tiền đầu tư của họ sẽ chỉ đổ vào những “con voi giấy”, những cơ sở hạ tầng khổng lồ và vô dụng, hoặc các quỹ châu Âu sẽ bị sử dụng sai mục đích.
Nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm gần đây đã làm thay đổi cuộc chơi. Và các quốc gia thành viên theo trường phái tự do cũng đã thay đổi tư duy, mặc dù cách đây vài năm họ không có hứng thú với ý tưởng về một sáng kiến của châu Âu nhằm cạnh tranh với BRI. Ngày nay, theo quan sát của một nhà ngoại giao, vấn đề này đã nhận được “sự đồng thuận của 27 nước thành viên”.
Đại dịch hiện nay càng bộc lộ sự phụ thuộc của EU vào bên ngoài, khi mà chuỗi giá trị quốc tế đôi khi bị thiếu hụt, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, các nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng. Trong thời điểm thế giới chuẩn bị thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ước tính nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở cấp độ toàn cầu là 13.000 tỷ euro, và kế hoạch Global Gateway sẽ mang lại cơ hội cho các công ty châu Âu.
Đối với người châu Âu, những người đang nỗ lực thiết lập lại các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, kế hoạch Global Gateway còn có một mối lợi lớn khác, đó là không làm mất lòng Mỹ. Tổng thống Joe Biden, người luôn có tham vọng cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, sẽ nhìn thấy ở Global Gateway một giải pháp để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, và đương nhiên Mỹ sẽ đánh giá cao điều đó, theo bình luận của một nhà ngoại giao.
Chiến lược EU cũng phù hợp với quyết định mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đưa ra trong cuộc họp vào tháng Sáu vừa qua tại Cornwall (Vương quốc Anh). Đó là đầu tư 100 tỷ USD mỗi năm vào cơ sở hạ tầng ở các nước khó khăn ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Mỹ và Vương quốc Anh đã trình bày kế hoạch của họ, bây giờ đến lượt EU.
Một nhà ngoại giao nói thêm: “Đối với nhiều quốc gia, kế hoạch này của châu Âu sẽ được hoan nghênh. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ rạn nứt đến mức các quốc gia này có thể khó kêu gọi bên này giúp tài trợ cho cơ sở hạ tầng của mình mà không làm mếch lòng bên kia”. Trong trường hợp này, nguồn vốn của EU sẽ là một giải pháp thích hợp hơn cả.
Ngoài ra, một số quốc gia đã từng mở rộng vòng tay đón nhận sự hào phóng của Trung Quốc có thể bây giờ đang xem xét lại quyết định đó. Và các quốc gia này chắc chắn sẽ xem xét dự án EU một cách nghiêm túc. Ví dụ, Montenegro, được Trung Quốc cho vay 1 tỷ USD để tài trợ cho một tuyến đường cao tốc mà nước này sẽ xây dựng. Nhận thấy trước khả năng không thể trả nợ, và lo sợ Trung Quốc sẽ đòi quyền sở hữu một phần đất đai của mình như hợp đồng đã quy định, Montenegro cuối cùng đã quay ra nhận sự giúp đỡ từ các ngân hàng châu Âu và Mỹ.
Michael Clauss, Đại sứ Đức tại EU, người từng làm việc tại Trung Quốc, nhận xét: “Global Gateway có thể giúp EU trở thành một nhân tố địa chính trị quan trọng. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào cách EU thiết lập và triển khai kế hoạch này”.
Thu Hà