- Từ thuật ngữ đến chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”
Lần đầu tiên thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” được sử dụng là vào giữa những năm 1950 trong cuộc hội thảo về quá trình phi thực dân hóa do Viện các vấn đề quốc tế Australia và trường Đại học Quốc gia Australia tổ chức.
Theo dòng thời gian, thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” được nhắc lại vào năm 2007 khi đề cập đến vùng biển nằm giữa một bên là bờ Tây Châu Phi, Tây Á, vượt qua Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương tới vùng Đông Á.
Vào thập niên 2000, các nhà phân tích chiến lược Nhật Bản và Ấn Độ đã thảo luận về hợp tác chiến lược và hợp tác biển, cho rằng không thể đối xử với khu vực Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương một cách tách biệt, cả trong lĩnh vực an ninh biển lẫn các khía cạnh địa chính trị.
Năm 2007, đại tá Hải quân Ấn Độ Gurpreet S. Khurana, một chiến lược gia về biển, đã nhắc đến thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” nhằm định hình khái niệm về các quốc gia châu Á gắn kết với nhau trải dài từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương với mục tiêu bao trùm là ổn định toàn cầu và khu vực thông qua hợp tác thương mại và chiến lược biển.
Năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đề nghị mở rộng hợp tác giữa hải quân Mỹ với hải quân Ấn Độ ở Thái Bình Dương, “bởi vì chúng hiểu được tầm quan trọng của lòng chảo Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tới thương mại toàn cầu.”
Năm 2013, Viện liên quân Ấn Độ tổ chức Hội thảo an ninh quốc gia với chủ đề “Tương lai khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Khát vọng, thách thức và chiến lược”. Cùng dự còn có 30 học giả thuộc 7 nước (Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Việt Nam và 1 vùng lãnh thổ (Đài Loan)). Trung Quốc được mời nhưng không tham dự hội thảo, điều đó phần nào cho thấy phản ứng không tích cực của Trung Quốc đối với chủ đề này.
Cùng năm 2013, thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đã lan sang Australia. Sách trắng Quốc Phòng Australia 2013 nhấn mạnh “sự dịch chuyển chiến lược, quân sự và kinh tế về phía lòng chảo này đang diễn ra”.
Trước định hướng mới này, tháng 11-2014, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) đã có bài phản hồi Ấn Độ, rằng khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do Mỹ và các nước đồng minh thiết lập nên để “làm cân bằng, thậm chí là kiềm chế Trung Quốc trong quá trình gia tăng ảnh hưởng của quốc gia này tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong chuyến thăm Nhật Bản, tiếp đó dự Hội nghị Thượng đinrh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11-2017, sau những lần cân nhắc về chiến lược “Tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương” của người tiền nhiệm Barack Obama, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, cho thế giới thấy Mỹ không những không từ bỏ châu Á – Thái Bình Dương của các chính quyền tiền nhiệm, mà còn mở rộng chiến lược này ra khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Nếu như chiến lược “châu Á – Thái Bình Dương” gợi nên hình ảnh về một cộng đồng lợi ích, gắn kết Mỹ và Đông Á, thì chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Mỹ triển khai chiến lược toàn cầu trong dài hạn, đồng thời báo hiệu sự đồng hành, hợp tác hoặc cạnh tranh quyết liệt giữa hai “ông chủ” của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và sáng kiến “ Vành đai và Con đường”.
- Cuộc cạnh tranh mới giữa hai cường quốc Mỹ – Trung
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ góp phần đáng kể vào tiến trình hội nhập kinh tế cũng như gia tăng lợi ích trong lĩnh vực biển của khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đồng thời, sự thịnh vượng kinh tế lớn hơn trong khu vực có thể sẽ làm gia tăng lợi ích trong lĩnh vực biển. Các tranh chấp biển tại khu vực này có thể trở nên sôi động hơn. Mặt khác, đi cùng với sáng kiến “Vành đai và con đường” là nỗ lực tăng cường sức mạnh hải quân Trung Quốc, điều này rất dễ gia tăng khả năng xung đột tại vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ở viễn cảnh này, chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” sẽ giúp quản lý các diễn biến và đưa các nước lớn hội nhập vào những chuẩn mực hành vi đã được xác định, giải quyết những mâu thuẫn tranh chấp giữa các cường quốc, tránh xảy ra cuộc chiến giảnh quyền thống trị giữa cường quốc thế giới và cường quốc mới nổi.
Công bố chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương”, Mỹ khẳng định cam kết đối với vai trò trung tâm của ASEAN, đồng hành cùng ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; tái khẳng định vị trí của Đông Nam Á. Trong tiến trình triển khai lực lượng này, ngày 30-5-2018, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ đã được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPCOM).
Trong một mức độ nào đó, chiến lược góp phần tạo ra nhóm “bộ tứ” bao gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ , Australia. Mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh và các đối tác ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương rất quan trọng để duy trì sự ổn định của khu vực. Giới quan sát cho rằng Mỹ đang tập hợp đồng minh và đối tác nhằm hướng tới 1 chiến lược rộng lớn hơn, đối phó với áp lực từ các hành động gây hấn của Trung Quốc trên các vùng biển, từ biển Hoa Đông, biển Đông tới các vùng biển Ấn Độ Dương, nhưng “bộ tứ” sẽ khó có thể đi tới liên minh quân sự.
Tại Đối thoại Shangri La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh bốn thành tố chính về chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” tự do và rộng mở”, đó là (i) trọng tâm về lĩnh vực hàng hải và việc bảo vệ các lợi ích hàng hải chung; (ii) khả năng tương tác và xây dựng các mạng lưới đồng minh và đối tác; (iii) củng cố các nguyên tắc luật pháp, xã hội dân sự, quản trị minh bạch; và (iv) phát triển kinh tế dựa trên khối kinh tế tư nhân. Phát biểu của ông James Mattis khẳng định rằng “chiến lược này của Mỹ không cho phép một quốc gia nào có thể hoặc dám thống trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Có thể nhận thấy, phát biểu của Bộ trưởng Quốc Phòng Mattis đã chuyển tải thông điệp về những cam kết liên tục của Mỹ đối với khu vực.
Cho tới nay, chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương” vẫn đang ở giai đoạn hình thành, đang trong quá trình định hình rõ nét để thực hiện. Hiện nay Mỹ cùng với các đối tác đang tìm hiểu, lấy ý kiến xây dựng chiến lược… (còn nữa)
Nguyễn Hồng Quân,
GS.TS. Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc Phòng