Với FDI thế hệ mới, Việt Nam chỉ làm được một phần nhỏ trong chuỗi toàn cầu thì đã rất là tốt rồi, chỉ cần làm được một sản phẩm và sản phẩm đó được cung ứng trên toàn cầu đã là thành công. Nếu chúng ta ưu đãi cho DN Việt ngay từ sân nhà thì có nghĩa là chúng ta ưu đãi cho DN để bay ra biển lớn. Đây chính là sự thay đổi về tư duy đối với DN Việt.
Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong cuộc trao đổi với phóng viên về định hướng và tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào Việt Nam trong giai đoạn tới. Xin giới thiệu cùng độc giả.
Chào ông, triển khai các chính sách cụ thể nhằm tăng cường liên kết chuỗi giá trị và hiệu ứng lan toả nhờ FDI, với trọng tâm là liên kết chuỗi giá trị và các chương trình phát triển nhà cung ứng có mục tiêu… là những khuyến nghị chính mà Tổ chức tài chính quốc tế IFC đưa ra trong Báo cáo Các Khuyến nghị về Chiến lược và Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới (2020 – 2030) tại Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thực hiện các khuyến nghị này?
Theo tôi, một trong những nội dung khuyến nghị quan trọng của báo cáo này là Việt Nam cần phối hợp thu hút FDI sử dụng nguyên liệu đầu vào từ trong nước nhưng không phải giá rẻ mà phải là nguồn nguyên liệu chất lượng cao. Để làm được điều này, chúng ta cần có những cải cách rõ ràng.
Thứ nhất là ở khâu thể chế, quản lý, xúc tiến đầu tư, cách tạo dựng môi trường đầu tư để các nhà đầu tư cảm thấy an ninh, an toàn, tin tưởng được lâu dài.
Thứ hai là về nguồn lực cung cấp trong nước thì phải đi vào các khâu đòi hỏi nhiều kỹ năng, nhiều chuyên môn, đi vào các ngành hiện đại, hay còn gọi là thế hệ mới.
Làm tốt được điều này thì Việt Nam sẽ bớt đi hình ảnh chỉ là điểm đến của nơi có lao động rẻ tiền, quản lý tài nguyên môi trường lỏng lẻo, xả rác, khí thải bừa bãi, môi trường làm việc không tốt, chất lượng thấp, rẻ, quyền sở hữu chưa được đảm bảo… Theo tôi, giai đoạn này chúng ta đã đi qua và đang hướng tới một giai đoạn mới.
Chế biến, chế tạo là ngành đứng đầu trong thu hút FDI năm 2017. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả thu hút FDI vào lĩnh vực này và làm thế nào để thu hút FDI vào khu vực này tốt hơn?
Đối với khu vực chế biến, chế tạo, trước đây chúng ta vẫn quan niệm là thu hút được càng nhiều càng tốt, xây dựng nhà máy, giải quyết được công ăn việc làm, thu được tiền thuê đất, sử dụng nguyên liệu thô. Và đã có không ít DN cũng từng có tư duy làm ra những sản phẩm riêng. Nhưng với FDI thế hệ mới, chúng ta chỉ cần làm được một phần trong chuỗi toàn cầu thì đã rất tốt rồi, làm được một sản phẩm và cung ứng trên toàn cầu thì đã là thành công.
Việc Việt Nam đóng góp vào trong chuỗi hay cùng với FDI tiếp nhận sẽ tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng nhiều hơn, có hàm lượng trí tuệ nhiều hơn, lao động có chất lượng, có kỹ năng nhiều hơn. Việt Nam đóng góp không chỉ ở tài nguyên, đất đai, môi trường mà là cần tạo ra một thể chế bền vững, bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu và tạo ra môi trường tin tưởng, kinh doanh chất lượng tốt, như vậy mới thu hút được ngành chế tạo sản xuất có chất lượng cao.
Như vậy theo ông có quá ưu tiên cho FDI không trong khi DN trong nước còn gặp nhiều khó khăn?
Đây là một vấn đề rất lớn mà báo cáo này cũng có đề cập, các nhà nghiên cứu gần đây cũng nói nhiều. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến lượng vốn FDI vào đăng ký và giải ngân mà không quan tâm đến sự lan tỏa thì sẽ thất bại. Thực tế là trong 30 năm qua, hiệu quả kết nối, lan tỏa này không phải là lớn.
Có một vấn đề đặt ra, đó là sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân được hỗ trợ bởi FDI hay bị FDI lấn át? Nhìn gần đây cho thấy, sự hỗ trợ là chưa nhiều, rõ ràng có tác động tốt, tích cực, nhưng chưa đáp ứng sự kỳ vọng.
Vì vậy, trong giai đoạn tới, FDI vào địa phương phải có tiêu chuẩn đi liền là sự đánh giá của khu vực tư nhân phát triển kèm như thế nào. Có thể là những DN làm cung ứng logistics, hậu cần hay những dịch vụ cho DN hay việc tham gia vào chuỗi các nhà cung ứng. Tất nhiên, việc tham gia vào chuỗi này rất khó.
Như tôi quan sát thấy, ở Việt Nam, chủ yếu các DN tham gia vào khâu dịch vụ phụ trợ cho nhà máy, cung cấp suất ăn, thực phẩm cho công nhân, bao bì cho sản phẩm… Còn việc cung ứng một phần trong các sản phẩm chế tạo, chế tác là rất khó. Nhưng việc khó này nếu không vượt qua được thì khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ không thể phát triển được, không lớn mạnh được. Chúng ta chỉ cần vào chuỗi được một sản phẩm rất nhỏ thôi nhưng sản phẩm đó sẽ được cung ứng trên toàn cầu. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là đặc biệt quan trọng, vừa liên quan đến tương lai của mô hình kinh tế vừa liên quan đến khu vực tư nhân cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Ông nghĩ thế nào về đề xuất cho rằng cần có chế tài buộc các DN FDI phải tuân thủ trong việc chuyển giao công nghệ để hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước?
Trên thực tế, việc chuyển giao công nghệ không dễ như người ta tưởng. Ở các nước khác cũng vậy. Không có lý gì bắt buộc một DN có công nghệ phải chuyển công nghệ cho một DN ở nước sở tại. Mục đích chính của FDI khi vào các nước là nhằm sử dụng nguồn lực sẵn có của nước sở tại, phối hợp với công nghệ của DN để tạo ra lợi nhuận cho DN. Nên việc chuyển giao này không thể có được từ các chính sách hay các mệnh lệnh của Nhà nước dù cho cứng rắn đến mức nào, kể cả ở những nước có quyền lực đàm phán lớn như Trung Quốc cũng không làm được.
Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để chuyển giao công nghệ một cách thực sự? Điều này nằm ở động lực của khu vực tư nhân. Tức là, trong nước phải có một khu vực kinh tế tư nhân năng động, nhiệt huyết, thực sự muốn nắm bắt công nghệ đó. Khi ấy, Nhà nước có thể tạo điều kiện cho DN đó thực hiện, bằng cách này hay cách khác. Để làm được điều này thì bản thân khu vực trong nước cũng phải có lực lượng trình độ kỹ thuật tương ứng, ví dụ trình độ công nghệ của FDI là 10 thì của DN trong nước cũng phải được 4-5, sau đó học tập để được 6-7. Nhưng rất tiếc ở Việt Nam hiện nay, theo tôi, công nghệ của mình chỉ đạt ở mức 1-2, thậm chí là 0. Vì thế mà mình muốn làm cũng không làm được!
Ngoài ra, về môi trường, liên quan đến việc thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân phát triển. Trong nhiều năm qua, khu vực tư nhân đã bị bỏ ngỏ. Bằng chứng là trong suốt thời kỳ hội nhập, khu vực FDI ngày càng tăng trong nền kinh tế, từ dưới 20% lên 25% trong GDP, trong khi đó, khu vực tư nhân thực sự của Việt Nam vẫn chỉ ở mức 10% trong rất nhiều năm. Với tương quan trình độ như vậy, chúng ta không thể tiếp nhận được công nghệ.
Cũng có câu hỏi đặt ra là, vậy khu vực DN nhà nước, chiếm 30% GDP thì họ ở đâu trong việc tiếp nhận công nghệ này? Tôi cho rằng, DN nhà nước một phần làm ăn kém hiệu quả, đặc biệt là về tài chính không minh bạch, có những DN Nhà nước quy mô lớn cũng rất muốn chuyển giao công nghệ mới nhưng còn rất hạn chế, bởi cách quản trị không tạo được động lực về dài hạn. Vì vậy, rất ít các DN thành công.
Vậy ông đánh giá như thế nào về việc chuyển ưu đãi thuế đang áp dụng cho FDI sang khu vực tư nhân để khu vực tư nhân tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu?
Theo tôi, đây là một việc rất tốt. Bởi nếu các DN tư nhân trong nước thực sự tham gia được thì chúng ta phải ưu đãi họ hơn các DN FDI, nếu có thể được, còn không tối thiểu cũng cần ưu đãi bằng FDI. Hãy coi các DN trong nước cũng chính là các FDI ngay tại sân nhà. Chưa kể, chúng ta cần ngày càng nhiều hơn các DN Việt Nam như vậy. Ví dụ, Samsung họ cần 200-300 nhà cung ứng, thường họ có sẵn từ Hàn Quốc đưa sang. Trong số đó, DN Việt Nam chỉ cần có một vài DN thôi nhưng ở khâu mang tính tương đối kỹ thuật thì câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Hiện tại, đã có DN Việt Nam là nhà cung ứng cho Samsung nhưng chỉ dừng lại ở khâu bao bì, vỏ bọc, hàm lượng kỹ thuật thấp và mang tính địa phương. Nếu DN Việt Nam sản xuất được 1 linh kiện cho Canon, Daikin hay những DN chế tác của Nhật Bản một chi tiết thôi thì chi tiết đó không chỉ dừng ở Việt Nam, nó chứng minh được DN trong nước đủ năng lực để tham gia chuỗi thì DN đó sẽ đi khắp toàn cầu. Bởi vậy, nếu chúng ta ưu đãi cho DN Việt ngay từ sân nhà thì có nghĩa là chúng ta ưu đãi cho DN để bay ra biển lớn. Rất cần tư duy như thế, rất thích hợp. Tuy nhiên, hiện tại các DN Việt Nam đang hoạt động theo luật DN tư nhân, chưa thực sự có nhiều ưu đãi và vì vậy mà cần thay đổi tư duy.
Xin cảm ơn ông!
Trần Liễu (thực hiện)