Với dân số hơn 1,3 tỷ người, năng lực sản xuất còn hạn chế nên châu Phi có nhu cầu cao về nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ gạo, cà phê, hạt tiêu… Thị trường này còn nhiều tiềm năng và dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới giảm gần 11% so với cùng kỳ năm 2022 thì riêng kim ngạch của Việt Nam với khu vực châu Phi lại tăng 4,7%, đạt 4,35 tỷ USD trong đó nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang khu vực đã tăng mạnh về lượng và giá trị như gạo, cà phê, hạt điều…
Năm 2022, trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi, giá trị nông sản xuất khẩu các loại đạt hơn 950 triệu USD, chiếm tỷ trọng 26,5% trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường khu vực, trong đó, đứng đầu là mặt hàng gạo với kim ngạch đạt 624 triệu USD, cà phê (161 triệu USD) và hạt điều (66,1 triệu USD). Tính đến hết tháng 8 năm 2022, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sang khu vực đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: xuất khẩu gạo sang Senegal tăng 3,018% về lượng và 2,214% về giá trị; xuất khẩu cà phê sang Nam Phi tăng 115% về lượng và 121,5% về giá trị…
Để có thể kết nối giao thương hiệu quả tại thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần cập nhật các thông tin thị trường, các quy định về rào cản kỹ thuật, quy cách bao bì sản phẩm để tránh rủi ro. Cùng với đó, trước khi giao dịch, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để đảm bảo về thông tin, và có thể thông qua các Thương vụ Việt Nam tại các nước sở tại hỗ trợ tư vấn, xác minh khi cần thiết.