Các nhà phân tích đã bắt đầu đưa ra những báo cáo về chính sách kinh tế của Biden, hay “Bidenomics”. Dựa vào kết quả các cuộc thăm dò, có thể cho rằng ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden rất có khả năng – dù chưa thể chắc chắn – giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3/11. Vì vậy, nội dung và tác động – mà có thể sẽ rất sâu rộng – của Bidenomics đối với châu Á là những vấn đề đáng để suy đoán.
Theo phân tích của The Straits Times, dưới sự lãnh đạo của các chính quyền trung dung, chính sách kinh tế của Mỹ thường có tính tiếp nối ở mức độ nào đó, chẳng hạn như từ Chính quyền Bush (cha) đến Chính quyền Clinton, rồi đến Chính quyền Bush (con) và thậm chí là đến Chính quyền Obama. Tuy nhiên, trong trường hợp cuộc bầu cử sắp tới, cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo, nếu có, sẽ không phải là giữa hai chính quyền trung dung mà là sự thay đổi hoàn toàn từ một chế độ cực đoan theo chủ nghĩa đơn phương, bảo thủ và ủng hộ giới tài phiệt sang một chính quyền có lẽ là thiên tả nhất trên thang độ trung dung, ủng hộ các quy định và việc mở rộng tài khóa nhất kể từ Chính quyền Roosevelt vào những năm 1930.
Cũng giống như việc Chính quyền Trump dành phần lớn thời gian trong 4 năm qua để triệt tiêu di sản kinh tế và xã hội của chính phủ tiền nhiệm, Chính quyền Mỹ do Biden lãnh đạo sẽ xóa bỏ rất nhiều chính sách thời Trump, từ các khoản thuế và trợ cấp cho tới các quy định, chính sách thương mại toàn cầu và biến đổi khí hậu. Phe Dân chủ Mỹ hầu như luôn ủng hộ đánh thuế và chi tiêu công. Tuy nhiên, trong bối cảnh COVID-19, mảng này trong nghị trình của họ đã trở nên quá tải trước tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng ngày càng gia tăng, và các doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngày càng kiệt quệ.
Tăng thuế, tăng chi tiêu
Nếu được tự do hành động, Chính quyền Biden sẽ tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%, phần nào đảo ngược chính sách giảm thuế (từ 35% xuống 21%) mà Chính quyền Trump đã thực thi vào năm 2017, và tăng thuế suất tối thiểu đánh vào lợi nhuận thu được từ công ty con ở nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ. Chính quyền Biden cũng sẽ áp thuế phụ ở mức 10% đánh vào lợi nhuận mà các công ty Mỹ ở nước ngoài thu được từ hoạt động bán hàng trở lại Mỹ như một hình thức “phạt”. Về thuế thu nhập cá nhân, Chính quyền Biden sẽ đảo ngược chính sách cắt giảm thuế đối với những người có thu nhập hơn 400.000 USD/năm và thậm chí sẽ đánh thuế lợi nhuận và cổ tức đối với những cá nhân có thu nhập hơn 1 triệu USD/năm. Việc tăng thuế như vậy sẽ mang lại thu nhập để phần nào tài trợ cho kế hoạch với quy mô rất lớn trị giá 7.300 tỷ USD nhằm tăng chi tiêu công trong thập kỷ tới cho các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác.
Chính quyền Trump cũng sẽ thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng (dù ở mức độ thấp hơn so với Biden), nhưng sẽ duy trì mức thuế thấp và cắt giảm một số dịch vụ xã hội.
Theo Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm, một tổ chức hoạt động động lập, thì dù ai là người lên nắm quyền, nợ công của Mỹ cũng sẽ tăng vọt, từ mức nhỉnh hơn 100% GDP hiện nay lên mức 125% vào năm 2030 theo các đề xuất của Trump, và lên gần 130% theo các đề xuất của Biden.
Có một lưu ý quan trọng: Quy mô của gói kích thích sẽ không chỉ phụ thuộc vào việc ai sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng, mà còn vào thành phần Quốc hội, nhất là Thượng viện – và yếu tố này hoàn toàn chưa ngã ngũ. Kịch bản Biden nắm quyền hành pháp và đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện sẽ dẫn tới gói kích thích có quy mô lớn nhất. Tuy nhiên, nếu đảng Cộng hòa vẫn nắm giữ đa số trong Thượng viện, thì gói kích thích sẽ bị thu hẹp.
Moody’s Analytics đánh giá rằng kịch bản thứ hai – được gọi là kịch bản “Biden giản lược” – có 40% khả năng xảy ra, và cho rằng các đề xuất cả về tăng thuế lẫn tăng chi tiêu sẽ bị cắt giảm hơn một nửa. Mặc dù vậy, thâm hụt tài khóa và nợ công (vốn đã ở mức cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai) vẫn sẽ tăng vọt. Với cam kết giữ lãi suất ở mức tiệm cận 0% đến năm 2023, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ “tiền tệ hóa” phần lớn khoản nợ này.
Theo Oxford Economics, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ được thúc đẩy, ngay cả trong kịch bản “Biden giản lược”, lên 5,8% trong năm 2021 – mức cao nhất kể từ năm 1984. Đối với các nền kinh tế châu Á, đây là một tín hiệu đáng mừng, chí ít là trên hai khía cạnh. Nền kinh tế Mỹ sẽ thu hút thêm nhiều hàng nhập khẩu, mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu châu Á. Thâm hụt và nợ công ngày càng gia tăng ở Mỹ, phần lớn được Fed chuyển đổi thành tiền tệ, cũng có thể tác động tiêu cực (hay chí ít là trung lập) tới đồng USD, và điều này sẽ làm giảm sức ép đối với nguồn dự trữ đồng USD của các nền kinh tế mới nổi, cho phép họ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp, qua đó hỗ trợ cho sự phục hồi của các nền kinh tế này.
Tuy nhiên, những đề xuất của Biden về việc tăng thuế đánh vào lợi nhuận thu được từ công ty con ở nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ và đánh thuế lợi nhuận ngoài nước sẽ làm nảy sinh tác động tiêu cực, vì ở mức độ nào đó, những đề xuất này sẽ ngăn cản các doanh nghiệp mở rộng ra nước ngoài. Một chương trình “Mua hàng Mỹ” với quy mô rất lớn – một mục tiêu chính sách được phe Dân chủ ủng hộ Biden chú trọng, mà về cơ bản là một chiến dịch thay thế hàng nhập khẩu – cũng sẽ tác động tiêu cực tới các nhà xuất khẩu châu Á.
Cứng rắn về thương mại, nhưng theo cách khác
Vấn đề được các quốc gia châu Á (và các quốc gia khác) đặc biệt quan tâm là chính sách thương mại của Chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của Biden. Theo cương lĩnh của đảng Dân chủ, Chính quyền Biden sẽ không kích động “các cuộc chiến thuế quan đơn phương, tự mình hại mình” – điều này có thể đồng nghĩa với một giai đoạn đảo ngược các mức thuế mà Trump đã đưa ra đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như từ Liên minh châu Âu và các nước khác.
Mặc dù vậy, Chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của Biden sẽ tỏ ra cứng rắn hơn trong thương mại so với Chính quyền Obama, nhất là đối với Trung Quốc; đảng Dân chủ hiện nay không kém phần hiếu chiến so với Chính quyền Trump trong vấn đề chính sách thương mại với Trung Quốc. Cương lĩnh của đảng này cam kết “bảo vệ người lao động Mỹ khỏi các hành vi thương mại không công bằng của Chính phủ Trung Quốc, trong đó có việc thao túng tiền tệ và hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá hối đoái với đồng USD, các khoản trợ cấp bất hợp pháp và trộm cắp tài sản trí tuệ”. Tuy nhiên, Chính quyền Biden sẽ sử dụng các cơ chế khác để thực hiện điều này. Cương lĩnh của đảng Dân chủ chỉ rõ: “Chúng tôi sẽ tập hợp các nước bè bạn và đồng minh trên khắp thế giới để chống lại các nỗ lực của Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác nhằm làm suy yếu các chuẩn mực quốc tế”. Điều này có thể đồng nghĩa với việc liên kết với EU và một số nước châu Á nhằm chung tay thúc đẩy Trung Quốc ứng xử “có đi có lại” trong thương mại, thay vì hành động đơn phương.
Chính quyền Biden cũng có thể tìm kiếm một cách tiếp cận tập thể nhằm đối phó với các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei. Về vấn đề này, nhiều nhân vật trong đảng Dân chủ và Chính quyền Trump có chung mối nghi ngờ xoay quanh những rủi ro an ninh. Một số học giả cho rằng Chính quyền Biden trên thực tế thậm chí có thể tỏ ra ít khoan dung hơn với các quốc gia sử dụng công nghệ mạng của Huawei, trong đó có các nước ASEAN. Tuy nhiên, họ sẽ có sự chọn lọc trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, hợp tác với Bắc Kinh trong những vấn đề như sức khỏe cộng đồng và môi trường. Nhiều khả năng Chính quyền Biden sẽ tái gia nhập Tổ chức y tế thế giới và tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà Mỹ đã rút khỏi dưới thời Chính quyền Trump.
Tiếp sinh lực cho đa phương
Do có thiện cảm hơn với các thể chế đa phương, Chính quyền Biden có thể cũng sẽ tiếp thêm sinh lực cho Tổ chức thương mại thế giới (WTO) bằng cách đề cử thẩm phán vào cơ quan phúc thẩm của WTO (điều mà Chính quyền Trump đã từ chối thực hiện, qua đó làm tê liệt tổ chức này), mặc dù họ ít có khả năng chỉ dựa vào WTO để giải quyết các tranh chấp thương mại, nhất là với Trung Quốc. Một WTO được tiếp thêm sinh lực sẽ nhận được sự hoan nghênh của tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, nhưng đặc biệt là các nước nhỏ hơn bởi họ có thể lấy lại ảnh hưởng đòn bẩy ở mức độ nào đó trong các tranh chấp thương mại của họ với các cường quốc kinh tế lớn.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden, Mỹ cũng có thể sẽ tham gia trở lại Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 11 quốc gia ký kết hiệp định này vốn là các bên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – đứa con tinh thần của cựu Tổng thống Barack Obama – mà Mỹ đã không còn là thành viên từ năm 2017 sau quyết định của Chính quyền Trump. Tuy nhiên, quyết định này sẽ đi kèm với một số điều kiện. Tại cuộc tranh luận trong giai đoạn tranh cử tổng thống sơ bộ vào giữa năm 2019, Biden đã khẳng định: “Tôi sẽ không tham gia TPP nếu nó không có gì thay đổi so với đề xuất ban đầu. Tôi sẽ đòi hỏi đàm phán lại một số điểm trong thỏa thuận này với các quốc gia Thái Bình Dương, để chúng ta có thể tập hợp họ lại với nhau nhằm buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm”. Những điều kiện này có thể sẽ bao gồm những tiêu chuẩn khắt khe hơn về môi trường và lao động, điều sẽ làm hài lòng nhóm cử tri nền tảng ủng hộ đảng Dân chủ. Dù đã nêu rõ sẽ không đàm phán lại thỏa thuận này, nhưng các nước thành viên CPTPP đã tính đến việc Mỹ tham gia trở lại nhóm và có lẽ sẽ hoan nghênh quyết định này của Mỹ, ngay cả khi phải bổ sung một vài điều khoản vào thỏa thuận. Điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại giữa Mỹ và châu Á.
Chính quyền Biden cũng có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận cộng tác nhằm đối phó với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc – một chương trình cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD, trải rộng khắp một số quốc gia châu Á, châu Phi và châu Âu. Tại Diễn đàn kinh doanh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 11/2019, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã công bố sáng kiến mang tên Mạng lưới điểm xanh nhằm xác nhận các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về tính minh bạch, bền vững và tác động phát triển. Các bên hy vọng sáng kiến này sẽ thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân, chẳng hạn như các quỹ hưu trí hay các công ty bảo hiểm quản lý hàng nghìn tỷ USD và đang tìm kiếm lợi nhuận dài hạn. Điều này sẽ mở đường cho nhiều khoản đầu tư khác của Mỹ, Nhật Bản và Australia vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở châu Á nhưng có thể ở cả các quốc gia khác, qua đó có thể cạnh tranh ở mức độ nào đó với BRI của Trung Quốc và buộc nước này nâng cao tiêu chuẩn về tính minh bạch và tính bền vững. Tất cả những điều này đều sẽ mang lại lợi ích cho khu vực. Mặc dù Mạng lưới điểm xanh được khởi xướng dưới thời Chính quyền Trump, nhưng cách tiếp cận hợp tác cũng như các mục tiêu của nó nhiều khả năng sẽ thu hút được những người ủng hộ Biden và đảng Dân chủ, vốn đang tìm kiếm các giải pháp mang tính thể chế và các mối quan hệ đối tác nhằm đối phó với các thách thức kinh tế.
Chính quyền Biden sẽ không phải là một Chính quyền Obama 2.0. Họ sẽ thiên tả nhiều hơn, ủng hộ mở rộng tài khóa và các quy định, đồng thời thận trọng và chủ động hơn trong lĩnh vực chính sách thương mại. Tuy nhiên, sau 4 năm nhiệm kỳ của Chính quyền Trump, Bidenomics sẽ mở ra một cách tiếp cận ổn định, dễ đoán và đa phương hơn đối với việc hoạch định chính sách kinh tế, và điều này sẽ được các quốc gia châu Á hoan nghênh.
Quyên Trần