Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, các nước châu Á hiện đang nghiên cứu và đánh giá các tác động đối với nền kinh tế từ chiến tranh thương mại này. Cho đến thời điểm này, căng thẳng gia tăng giữa hai siêu cường nhìn chung chưa tác động trực tiếp đến các nền kinh tế khu vực châu Á vốn hướng vào xuất khẩu và liên kết xung quanh Trung Quốc. Trong nhiều tháng qua, Washington và Bắc Kinh lần lượt ra đòn nhắm thẳng vào nhau với tổng giá trị hàng hóa lên đến hàng trăm tỷ USD. Thế nhưng hàng hóa Made in China lại bao gồm những linh kiện nhập khẩu từ các nước láng giềng của Trung Quốc, và vì vậy, việc xuất khẩu của nước này sang Mỹ sụt giảm sẽ kéo theo những hệ quả không thể tránh khỏi đối với các nhà cung cấp châu Á. Trong tháng 10, sản xuất tại các nền kinh tế châu Á có dấu hiệu hụt hơi, tuy nhiên các nước như Malaysia, Việt Nam và Bangladesh có thể được hưởng lợi.
Chỉ số PIM (purchasing managers index) được công bố cuối tháng 10 cho thấy sự hụt hơi trong hoạt động sản xuất tại Đài Loan, Malaysia hoặc Thái Lan. Theo công bố của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp bị tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Cũng giống như đối với các nước trong khu vực, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, chiếm ¼ xuất khẩu của nước này. Trong số những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất có Đài Loan với gần ½ lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra phải kể đến Singapore và Malaysia. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thừa nhận rằng “cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây thiệt hại cho chúng tôi. Chúng tôi đang phải trả giá cho nó”. Nguy cơ còn nằm ở chỗ nền kinh tế Trung Quốc sẽ chững lại đột ngột. Trong Q3, kinh tế nước này đạt tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009. Khi tăng trưởng ở Trung Quốc giảm sút, nhu cầu của nước này với một phổ rất rộng các hàng hóa đến từ châu Á sẽ sụt giảm theo. Có thể kể đến đồng từ Lào, linh kiện điện tử từ Việt Nam, du lịch đến Cambodge hoặc Thái Lan…
Trong báo cáo mới nhất về Châu Á –TBD đầu tháng 10, Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 1% sẽ khiến khu vực giảm 0.5%. Cũng giống như việc tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của siêu cường châu Á này trong những thập kỷ gần đây đã kéo theo tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực, « sự bất định và khủng hoảng có thể lây lan ra bên ngoài biên giới Trung Quốc do các mối liên hệ khu vực đang ngày càng mật thiết ». Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng ở mức 5.8% vào năm 2019 sau khi đạt mức 6% năm 2018. Đây là mức tăng trưởng mạnh tuy nhiên vẫn ở dưới mức được coi là chuẩn mực bình thường trong vòng 15 năm qua. Năm gần nhất châu Á đạt mức tăng trưởng thấp kỷ lục này là 2001 Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ không chỉ đe dọa tính năng động của trao đổi mậu dịch mà còn có nguy cơ làm sụt giảm niềm tin của giới doanh nhân dẫn đến thay đổi các quyết định đầu tư.
Dẫu vậy, có một vài nước vẫn có thể đóng vai “ngư ông đắc lợi” trong ván bài này. Nhất là khi các nhà sản xuất quyết định dịch chuyển một phần các nhà máy của họ đến nước đó nhằm tránh phải gánh chịu thuế quan của Mỹ nhắm vào hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc. Nhờ có được một nền tảng công nghiệp được kiến tạo tốt, chi phí sản xuất hấp dẫn và một loạt cá hiệp định tự do mậu dịch, châu Á đang nắm trong tay các con bài tủ có thể được sử dụng trong hoàn cảnh này.
Theo Tổ chức tư vấn Economist Intelligence Unit (EIU), Việt Nam và Malaysia là các nền kinh tế có tiềm năng được hưởng lợi từ «hiệu ứng lưu chuyển đường vòng» này. Các hãng điện từ hàng đầu thế giới như Dell, Panasonic và Samsung vốn đã xây dựng các nhà máy ở đây và vì vậy có thể nhanh chóng triển khai sản xuất đại trà. Các nước này cũng có thế mạnh là thu nhập thấp vì vậy có thể chen chân vào khoảng hẹp của phần giá trị gia tăng rất nhỏ trong chuỗi sản xuất các sản phẩm xuất khẩu vốn bị thống trị bởi Trung Quốc cho đến nay. Trong lĩnh vực may mặc, Bangladesh đang trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới. Dẫu vậy, theo EIU, các tập đoàn xuyên quốc gia cũng cần có thời gian để hoạch định lại chiến lược sản xuất mới cho phù hợp. “Vì vậy, những hậu quả tiêu cực, trái chiều của cuộc chiến tranh thương mại vẫn có tính bao trùm trong ngắn hạn”. Phải chờ đến sau năm 2020 thì những tác động mang tính tích cực của cuộc chiến này mới trở nên rõ ràng./.