Điều các nước châu Á cần làm trong năm 2023 là bước ra khỏi vòng luẩn quẩn của việc lên kế hoạch đối phó với khủng hoảng năng lượng, đánh giá lại trạng thái bình thường mới và chủ động cân bằng an ninh năng lượng với các mục tiêu khử cacbon.
Theo Nikkei Asia, năm qua là một bùng nổ vấn đề vũ khí hóa năng lượng, biến động gia tăng trên thị trường dầu mỏ và khí đốt toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các quốc gia châu Á đã cố gắng duy trì an ninh nguồn cung và bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi gánh nặng của cuộc khủng hoảng năng lượng đang tấn công châu Âu.
Thách thức của châu Á vào năm 2023 sẽ là bước ra khỏi vòng luẩn quẩn của việc lên kế hoạch đối phó với khủng hoảng năng lượng, đánh giá lại trạng thái bình thường mới và chủ động cân bằng an ninh năng lượng với các mục tiêu khử cacbon.
Trong năm qua, các nhà lãnh đạo châu Á đã phải đối diện với những lựa chọn khó khăn. Các chính phủ đã phải lựa chọn giữa việc đảm bảo nguồn năng lượng sẵn có cho người dân của họ và tuân thủ các mục tiêu khử cacbon, giữa xử lý hài hoà các mối quan hệ đối tác thương mại quan trọng đã tồn tại hàng chục năm ở Nga và các đối tác phương Tây.
Đối mặt với tình trạng giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng quá cao và kéo dài trên thị trường quốc tế khi châu Âu tăng cường nhập khẩu để thay thế nguồn cung khí đốt Nga, một số quốc gia châu Á đã chuyển sang sử dụng than đá thay thế để sản xuất điện.
Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đã tìm mọi cách để đẩy mạnh sản xuất nội địa “vàng đen”. Trong khi đó, châu Âu cũng tăng cường sử dụng than trong năm thứ hai liên tiếp.
Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước tiêu thụ dầu hàng đầu của châu Á, cũng đã chịu áp lực từ Washington trong việc ủng hộ mức giá đối với xuất khẩu dầu thô của Nga mà Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm G7 đã công bố như một phần trong lệnh trừng phạt đối với Moscow. Trong khi đó, Moscow cho biết họ sẽ cấm các công ty Nga bán dầu cho các quốc gia tham gia chương trình giá trần của phương Tây. Kết quả là, cả Bắc Kinh và New Delhi đều từ chối tham gia các lệnh trừng phạt này.
Ngoài việc khẳng định quyền tự do trong việc thực hiện thương mại quốc tế hợp pháp mà không chịu sự chỉ đạo của bên thứ ba, các “gã khổng lồ châu Á” đã tránh được tạo tiền lệ nguy hiểm cho chính họ và nguy cơ mất nguồn cung cấp dầu mỏ giảm giá mạnh của Nga kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, vốn đã giúp các nước này tiết kiệm chi phí nhiên liệu.
Nhật Bản, mặc dù là thành viên G7, nhưng vẫn khéo lẽo bảo đảm được miễn trừ trần giá đối với việc nhập khẩu dầu Sakhalin-2.
Trong khi đó, Pakistan, quốc gia đang chiến đấu với khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và chuẩn bị cho suy thoái kinh tế, đã đạt được thỏa thuận nhập khẩu dầu thô, xăng và dầu diesel chiết khấu của Nga cho năm 2023.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr., cho biết các quốc gia này sẽ để ngỏ các lựa chọn về việc mua dầu hoặc phân bón của Nga để giảm thiểu áp lực lạm phát.
Rõ ràng, việc mua nhiên liệu từ Nga của các quốc gia châu Á đã giúp giải phóng các nguồn năng lượng khác để chảy vào EU và các nước thành viên G7 đang từ bỏ dầu mỏ Nga, giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt và tăng giá. Bên cạnh đó, bản thân các thành viên EU vẫn đang mua LNG của Nga cũng như khí đốt và dầu thô vận chuyển qua đường ống.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ở châu Á không nên “ngủ quên” trước những chiến lược hiệu quả trong năm qua và chuyển sự tập trung trở lại kế hoạch dài hạn, tính đến những bất ổn liên tục trên thị trường dầu mỏ và khí đốt cũng như yêu cầu cấp bách của việc cân bằng quá trình chuyển đổi năng lượng với an ninh nguồn cung.
Các nhà máy lọc dầu châu Á và các nhà nhập khẩu khác cần đánh giá lại tình trạng ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ Nga và nên đưa ra các thỏa thuận hợp đồng để bảo vệ lợi ích thương mại của họ trong dài hạn. Đối thoại cấp cao với Moscow và kêu gọi sự ủng hộ của nhà nước đối với các thỏa thuận thương mại dài hạn sẽ là điều cần làm trước mắt.
Bên cạnh đó, các nước châu Á cũng nên tiếp tục tìm kiếm các giải pháp thay thế đồng USD cho các cơ chế thanh toán thương mại xuyên biên giới.
Dự phòng than năm nay sẽ không trở thành rào cản đối với việc đẩy nhanh việc áp dụng các giải pháp thay thế năng lượng carbon thấp và công nghệ để khai thác nhiên liệu hóa thạch sạch hơn.
Năng lượng hạt nhân đang trở thành cơn gió thứ hai ở châu Á và xứng đáng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách và pháp lý. Nhật Bản gần đây đã quyết định khởi động lại càng nhiều lò phản ứng hạt nhân và vận hành các nhà máy hiện có. Trong khi đó, Philippines đang tìm cách vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sau hơn ba thập kỷ trong tình trạng lấp lửng.
Giữ vững lập trường trong việc đảm bảo an ninh cung cấp dầu khí, năm 2023 là thời điểm châu Á cần tiếp nối “chiến thắng” của mình trong khi nêu gương về quá trình chuyển đổi công bằng và khả thi sang năng lượng sạch.
Thu Trang