Chặng đường 4 giai đoạn – 75 năm phát triển của Trung Quốc, giai đoạn 5 sẽ thế nào?

0
14
Sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn sẽ đi theo con đường khác với phương Tây, nếu thành công, đó sẽ là trang mới trong lịch sử phát triển loài người và là mô hình phát triển khác ngoài quá trình hiện đại hóa của phương Tây. (Nguồn: chinausfocus)

Trong chưa đầy nửa thế kỷ, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong xây dựng kinh tế, thoát khỏi tình trạng nghèo đói và cải thiện đời sống của hầu hết người dân. Đồng thời, cùng với sức mạnh tổng hợp quốc gia ngày càng tăng, Trung Quốc cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề quốc tế.

Theo tờ Minh báo (Hong Kong), năm 2024 là tròn 75 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, còn 25 năm nữa mới đến mốc mục tiêu “100 năm thứ hai”, khi đó Trung Quốc sẽ như thế nào?

Các nhà sử học thường chia Trung Quốc sau năm 1949 thành 4 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (từ năm 1949-1958), phần lớn đất nước Trung Quốc đã được giải phóng và rất nhiều việc cần được xử lý, nhưng không lâu sau Chiến tranh Triều Tiên lại xảy ra, Trung Quốc đối đầu với lực lượng Liên hợp quốc do Mỹ và châu Âu lãnh đạo. Ở châu Âu, hai phe lớn Đông và Tây mâu thuẫn với nhau, Trung Quốc đã quay sang Liên Xô và gần như cắt đứt trao đổi với thế giới phương Tây. Ở trong nước, các khu vực nông thôn thực hiện cải cách ruộng đất, đất nước bước đầu hình thành hệ thống công nghiệp, tình hình cả nước bắt đầu dần ổn định.

Giai đoạn thứ hai (từ năm 1958-1966), cả nước từng bước chuyển sang cánh tả. Năm 1958, Mao Trạch Đông phát động “Đại nhảy vọt”, muốn “vượt Anh, đuổi kịp Mỹ”, sau đó xảy ra “3 năm thiên tai”, nền kinh tế sa sút, Mao Trạch Đông cuối cùng rút về tuyến hai. Sau khi trở thành Chủ tịch nước, Lưu Thiếu Kỳ đã mạnh tay sửa đổi chính sách cấp tiến, nguyên khí đất nước dần khôi phục.

Sau khi Lưu Thiếu Kỳ điều chỉnh đường lối phát triển, đất nước dần dần ổn định vào đầu những năm 1960 và nền kinh tế quốc dân tiếp tục phát triển. Nếu không có biến động chính trị sau đó, Trung Quốc những năm 1960 có lẽ đã bắt đầu đi theo công nghiệp hóa. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lúc đó, Trung Quốc chỉ có thể học hỏi từ Liên Xô. Cũng giống như các nước vệ tinh của Liên Xô hồi đó, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc dựa trên mô hình sản xuất và phân phối kế hoạch hóa tập trung, mô hình này sau đó thất bại và gần như không còn dấu tích trong thế giới ngày nay!

Giai đoạn thứ ba (từ năm 1966-1976), tức là 10 năm của Cách mạng Văn hóa, được gọi là “10 năm thảm họa”, đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, các cuộc đấu đá chính trị và đấu tranh đường lối liên tục, đất nước trên bờ vực sụp đổ.

Giai đoạn thứ tư (từ năm 1976 đến nay). Năm 1976, Mao Trạch Đông qua đời, “Bè lũ bốn tên” sụp đổ, Cách mạng Văn hóa kết thúc, Đặng Tiểu Bình trở lại và phát động cải cách mở cửa vào năm 1978, đến nay đã 46 năm, thời gian không phải là dài nhưng đã chiếm hơn 60% trong 75 năm kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trước đây, cộng đồng quốc tế chỉ coi Trung Quốc là một nước lớn khu vực nhưng cùng với ảnh hưởng của Trung Quốc mở rộng sang các khu vực như Trung Đông, Nam Mỹ, các quốc đảo Thái Bình Dương, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế cũng ngày càng quan trọng. Xét về xu hướng quốc tế, một thực tế không thể chối cãi là Trung Quốc đã trỗi dậy thành cường quốc thế giới sánh ngang Mỹ.

Con đường tương lai của Trung Quốc?

Trong 46 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã thoát khỏi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung kiểu Liên Xô, đầu tư theo mô hình kinh tế thị trường phương Tây, hội nhập hệ thống thương mại, tài chính, khoa học công nghệ do Mỹ và châu Âu thống trị, tuân theo luật chơi do các nước phương Tây đặt ra, giúp Trung Quốc đạt được những thành tựu đáng nể. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã dần rời xa phương Tây, Bắc Kinh nhấn mạnh sự cần thiết của “sự tự tin về thể chế”, có vẻ như Trung Quốc đang mở ra một con đường phát triển mới khác. Quốc khánh lần thứ 75 liệu có phải là khởi đầu mới cho giai đoạn thứ năm của Trung Quốc?

Dựa vào thời điểm đạt được mục tiêu “100 năm thứ hai” (2049), triển vọng phát triển của Trung Quốc trong 25 năm tới sẽ như thế nào? Về câu hỏi này, chúng ta có thể dự đoán được con đường Trung Quốc sẽ đi trong tương lai dựa trên những nhận xét của thế giới phương Tây về sự phát triển của Trung Quốc trong 10 năm qua.

Có ý kiến cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc phụ thuộc vào mối liên hệ của nước này với thế giới, nhưng Trung Quốc đang rời xa thế giới. Kiểu chỉ trích này hiện nay chủ yếu nhắm vào việc Trung Quốc nghiêng về phía Nga trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, giữ khoảng cách với các quốc gia đã giúp đỡ Trung Quốc trong 40 năm qua.

Những lời chỉ trích này là thuyết “lấy phương Tây làm trung tâm” điển hình – rằng Trung Quốc “xa rời thế giới”, mà thực chất chỉ là xa rời thế giới lấy phương Tây làm trung tâm. Trên thực tế, khi nhiều nhà phân tích cho rằng quá trình toàn cầu hóa do phương Tây dẫn đầu đang dần suy giảm thì Trung Quốc lại là quốc gia kiên trì thương mại mở, thương mại tự do và thị trường mở. Ngược lại, chính Mỹ từng đề xuất “lý thuyết tách rời” (sau đổi tên thành “giảm rủi ro”) và một số nước châu Âu nhất quyết tẩy chay các công ty Trung Quốc (như Huawei). Trên thực tế, chính phương Tây đang rời xa  Trung Quốc chứ không phải ngược lại.

Trung Quốc mong muốn mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại, nguyên nhân rất đơn giản, kinh nghiệm hơn 20 năm qua cho thấy kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thương mại tự do đã đưa ngành sản xuất của nước này lên nhiều cấp độ, toàn cầu hóa và thị trường mở sẽ có lợi hơn cho Trung Quốc nhưng lại là cơn ác mộng đối với phương Tây. Xe điện Trung Quốc là ví dụ điển hình nhất. Mỹ và châu Âu lo ngại lượng lớn xe điện Trung Quốc tràn vào sẽ khiến thị trường này bị Trung Quốc “nuốt chửng”.
Trung Quốc tiếp tục kết nối với thế giới nhưng đã dịch chuyển khu vực, từ Mỹ và châu Âu sang châu Á, châu Phi và Nam Mỹ… Một số nước châu Âu muốn hành động độc lập và không đi theo lập trường cứng rắn của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số quốc gia không thể thay đổi tình hình chung, châu Âu về cơ bản đã đi theo sự dẫn dắt của Mỹ; NATO thậm chí còn lần đầu tiên bày tỏ quan ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc. Bất kể thương mại, ngoại giao, quân sự và các lĩnh vực khác, châu Âu về cơ bản đứng cùng một mặt trận với Mỹ và đều nhằm vào Trung Quốc.

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã khiến Mỹ và châu Âu xa cách hơn với Trung Quốc, nhưng lại mang đến cho Trung Quốc quyền phát ngôn lớn hơn trong tương lai vì bất kỳ cuộc đình chiến hay đàm phán hòa bình nào đều không thể thiếu sự tham gia của nước này. Trung Quốc không trực tiếp tham gia cuộc chiến Nga-Ukraine nhưng là nước ủng hộ lớn nhất của Nga. Nếu Nga và Ukraine tiến hành đàm phán hòa bình trong tương lai, chắc chắn sẽ là cuộc đàm phán 5 bên – Mỹ, châu Âu và Ukraine ở một bên, bên kia là Trung Quốc và Nga. Khi thế giới xoay chuyển, tình thế đối đầu giữa hai phe lớn rất có thể sẽ tái diễn, trước đây là Mỹ và Liên Xô, và bây giờ có thể là Trung Quốc và Mỹ. Rõ ràng, mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu khó có thể quay trở lại như xưa.

Một quan điểm khác của phương Tây cho rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã bị tác động nặng nề sau dịch bệnh, triển vọng kinh tế không tốt và các nhà đầu tư bi quan về thị trường Trung Quốc.

Dịch bệnh chỉ là sự kiện ngẫu nhiên, tác động thực sự đến nền kinh tế Trung Quốc là “do con người gây ra”, là cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ năm 2018. Mỹ bắt đầu từ thương mại và dần mở rộng sang các lĩnh vực như tài chính, công nghệ, trao đổi nhân tài nhằm bao vây toàn diện Trung Quốc và khiến nền kinh tế Trung Quốc khó khăn. Khi đó, Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Nhật Bản và buộc đồng yên tăng giá, kết quả là Nhật Bản rơi vào “20 năm mất mát”.

Các nhà bình luận kinh tế chỉ ra rằng tình hình hiện tại của Trung Quốc tương tự như Nhật Bản và Mỹ đang cố gắng đưa nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng trì trệ.

Giai đoạn phát triển thứ năm bắt đầu từ năm 2024?

30 năm sau cải cách và mở cửa, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của Trung Quốc đạt 10%, giảm xuống 7%-8% vào năm 2012. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm và bước vào kỷ nguyên 6%. Năm 2022, tăng trưởng GDP của Trung Quốc lại giảm xuống 3%, được cải thiện vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng trở lại 5,2%. Kinh tế tăng trưởng chậm lại là hiện tượng tạm thời hay là sự thay đổi cơ cấu? Tăng trưởng thấp sẽ trở thành trạng thái thường xuyên? Liệu Trung Quốc có thực sự theo bước Nhật Bản hay không đang là mối quan tâm của nhiều người quan tâm đến triển vọng của Trung Quốc.

Trên thực tế, Trung Quốc khác với Nhật Bản. Nhật Bản bị Mỹ đàn áp nhưng cam tâm tình nguyện theo Mỹ và tiếp tục là đồng minh của Mỹ. Trung Quốc hoàn toàn khác – muốn theo đuổi hiện đại hóa kiểu Trung Quốc và phát triển cơ chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trình độ cao. Rõ ràng, Trung Quốc sẽ không chọn đi theo Mỹ; Trung Quốc sẽ chọn con đường khác.

Liệu giai đoạn phát triển thứ năm của Trung Quốc có bắt đầu từ năm 2024 cho đến năm 2049 và con đường “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” trong 25 năm tới sẽ đưa Trung Quốc lên một đỉnh cao khác hay không? Trong 75 năm kể từ ngày thành lập nước Trung Quốc mới, có 46 năm phát triển nhanh nhất, thành công trong hội nhập mô hình hệ thống của Mỹ và châu Âu, cũng học hỏi phương Tây và du nhập kiến thức, công nghệ, văn hóa phương Tây vào Trung Quốc, từ đó đẩy Trung Quốc lên một giai đoạn mới. Không thể phủ nhận rằng 46 năm học hỏi phương Tây vừa qua đã biến Trung Quốc thành một cường quốc hiện đại hóa.

Hai mô hình đang cạnh tranh và thế giới sẽ không yên bình trong 25 năm tới

Nhìn lại lịch sử, “hiện đại hóa” ám chỉ mô hình hiện đại hóa theo đường lối phương Tây, là hiện đại hóa dựa trên một loạt yếu tố như văn hóa, giá trị, thể chế, thị trường và tài chính phương Tây. Trung Quốc từng sản xuất bộ phim tài liệu có tên “Sự trỗi dậy của các nước lớn”, ghi lại sự trỗi dậy thành nước lớn thế giới của 9 nước gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản và Mỹ. Trong số 9 nước lớn, Nga và Nhật Bản không phải là các nước phương Tây nhưng đều lấy “phương Tây hóa” làm điểm xuất phát để dấn thân vào con đường “hiện đại hóa”. Phương pháp cụ thể là sao chép theo phong cách phương Tây, sau đó cải cách chính trị, kinh tế, giáo dục, quân sự … trong nước, cuối cùng đã thành công và chuyển từ nước lạc hậu thành “nước tiên tiến”.

Trung Quốc phủ nhận cải cách và mở cửa là “phương Tây hóa”, nhưng không phủ nhận nhiều biện pháp cải cách của nước này đến từ phương Tây. Trong vài trăm năm qua, hiện đại hóa chỉ có thể do “phương Tây” thực hiện, Trung Quốc muốn tìm một con đường khác và theo đuổi “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, nhưng rốt cuộc nó là gì? Khác với phương Tây như thế nào? Thực sự có thể trở thành sự lựa chọn khác “hiện đại hóa kiểu phương Tây”?

Sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn sẽ đi theo con đường khác với phương Tây, nếu thành công, đó sẽ là trang mới trong lịch sử phát triển loài người và là mô hình phát triển khác ngoài quá trình hiện đại hóa của phương Tây.

Cuộc đọ sức giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu diễn ra trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học và công nghệ là điều ai cũng nhận thấy, nhưng điều mà mọi người không thấy là sự đối đầu giữa hai quan niệm giá trị và hai mô hình. Mỹ và châu Âu không thể chấp nhận việc Trung Quốc thay đổi hệ thống quốc tế do phương Tây thống trị, nhưng Trung Quốc dường như đã quyết định đi theo cách của mình. Do cuộc chiến giữa hai mô hình sẽ ngày càng gay gắt nên thế giới trong 25 năm tới có lẽ sẽ không phải là một thế giới bình lặng.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here