Cao Bằng phát triển kinh tế cửa khẩu

0
67
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Lý Vạn, huyện Hạ Lang.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Lý Vạn, huyện Hạ Lang.

Cao Bằng là địa bàn có nhiều cửa khẩu, lối mở, điểm thông quan, thuận lợi cho giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa, tỉnh Cao Bằng đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế chính sách nhằm phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo đột phá trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Qua đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực biên giới.

Tập trung nguồn lực đầu tư

Cùng với nông nghiệp hàng hóa và du lịch, kinh tế cửa khẩu được xác định là một trong ba trọng tâm phát triển kinh tế của tỉnh Cao Bằng. Các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm tạo thuận lợi để phát triển kinh tế cửa khẩunhư đầu tư cơ sở hạ tầng, có chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, phát triển thương mại, dịch vụ,…

Đầu năm 2018, xã Đức Long, huyện Thạch An được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong niềm hân hoan của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Trong đó, sự phát triển thương mại biên giới đã có những đóng góp không nhỏ trong thành công xây dựng nông thôn mới của xã. Trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở lối mở Nà Lạn, xã Đức Long gặp nhiều trở ngại do cơ sở hạ tầng hạn chế. Năm 2013, UBND tỉnh Cao Bằng đã tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế cửa khẩu của lối mở Nà Lạn, trình Chính phủ và được Thủ tướng phê duyệt, đồng ý cho thí điểm thực hiện một số cơ chế chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất tại lối mở Nà Lạn. Theo đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển thương mại biên giới. Hàng loạt công trình được khởi công xây dựng như: đường trục chính cửa khẩu Đức Long, tổng mức đầu tư hơn 41 tỷ đồng (hoàn thành năm 2013); cải tạo, nâng cấp đường thị trấn Đông Khê – lối mở Nà Lạn đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, tổng mức đầu tư hơn 117 tỷ đồng (hoàn thành năm 2015); xây dựng trạm biến áp cung cấp điện bảo đảm phụ tải cho các DN kinh doanh kho bãi,… Hội tụ nhiều điều kiện tương đối thuận lợi, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua lối mở Nà Lạn từ khi khai thác đến nay diễn ra khá sôi động. Bảy tháng vừa qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua Nà Lạn đạt gần 36 triệu USD, tổng trị giá hàng tạm nhập, tái xuất đạt gần 146 triệu USD. Lực lượng chức năng thu phí phương tiện sử dụng hạ tầng cơ sở 22 tỷ đồng, đóng góp lớn cho thu ngân sách huyện Thạch An.

Đánh giá vai trò của kinh tế cửa khẩu với sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, lãnh đạo xã Đức Long cho biết: Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã thúc đẩy thương mại, dịch vụ, giải quyết việc làm cho nhân dân trong xã. Nhiều nhà hàng ăn uống mọc lên, các tổ đội, bốc xếp hàng hóa hình thành. Hiện, chỉ tính riêng hoạt động bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu đã giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động trong xã với thu nhập từ 2 đến 5 triệu đồng/tháng (tùy lượng hàng hóa). Qua đó, thu nhập bình quân của xã đạt 26 triệu đồng/người/năm, đạt tiêu chí thu nhập NTM.

Tại Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh (huyện Trà Lĩnh), công tác xây dựng cơ sở hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ với định hướng hình thành Khu hợp tác kinh tế biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) – Long Bang (Trung Quốc), là trạm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang các nước ASEAN qua cảng Hải Phòng và ngược lại. Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Trà Lĩnh Nông Sơn Bình cho biết: Hiện, các hạng mục bãi đỗ xe xuất nhập khẩu hàng hóa, mở rộng đường trục chính cửa khẩu Trà Lĩnh rộng 30 m, nâng cấp đường ra lối mở Nà Đoỏng rộng 22 m đang được khẩn trương thi công nhằm phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh thu hút sáu nhà đầu tư đăng ký thực hiện các dự án kho bãi, thương mại, dịch vụ, với tổng số vốn đăng ký 3.674 tỷ đồng. Hiện, có ba dự án kho bãi xuất nhập khẩu hàng hóa đã đi vào hoạt động.

Gỡ “nút thắt” cơ sở hạ tầng

Việc phát triển kinh tế cửa khẩu tại tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2013-2018, tỉnh đã đầu tư 26 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế cửa khẩu với tổng vốn 963 tỷ đồng; quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh kinh tế cửa khẩu và chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút nhiều doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 60 dự án của các nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 9.000 tỷ đồng và 23 triệu USD. Trong đó, có 50 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 8.417 tỷ đồng; 10 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 598 tỷ đồng và 23 triệu USD. Hiện, 26 dự án đã đi vào hoạt động, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, trên thực tế, phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng vẫn còn nhiều khó khăn. Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Cao Bằng Lê Viết Phong đánh giá: Những năm qua, ngành hải quan đã tăng cường hiện đại hóa, định kỳ đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị để tạo thuận lợi và thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn. Nhưng Cao Bằng chưa có khu công nghiệp, vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa tập trung phục vụ xuất khẩu cho nên hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu chỉ trung chuyển qua địa bàn. Trong khi đó, khoảng cách từ địa phương khác đến Cao Bằng khá xa, chỉ có đường bộ, không có các loại hình giao thông khác; đường giao thông vào một số cửa khẩu, lối mở, điểm thông quan hàng hóa trong nhiều năm gần đây bị xuống cấp chưa được đầu tư cải tạo. Đây là những “điểm nghẽn” hạn chế năng lực phát triển của địa phương, cần sớm được khắc phục. Mặc dù cơ sở hạ tầng thời gian qua được tỉnh quan tâm quy hoạch và dành nguồn lực đầu tư xây dựng nhưng do nhu cầu thực tế cao, ngân sách của tỉnh Cao Bằng hạn hẹp, cho nên cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động kinh tế cửa khẩu còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đơn cử, đoạn đường từ xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) ra cửa khẩu Lý Vạn (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang) trong thời gian qua đã xuống cấp trầm trọng. Quãng đường này chỉ dài khoảng 20 km, nhưng mỗi xe công-ten-nơ phải mất khoảng 90 phút mới vượt qua được.

Thời gian qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan nhanh hàng hóa. Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng Nguyễn Kiên Cường đề xuất: Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan cần xem xét, nghiên cứu, tạo cơ chế thuận lợi cho phép tỉnh được sử dụng một phần phí hạ tầng và thuế xuất nhập khẩu để tái đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế cửa khẩu. Mặt khác, sớm phê duyệt Đề án tổng thể chung “Xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc”, làm rõ các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư và kinh doanh đặc thù, phù hợp đặc điểm kinh tế – xã hội của từng địa phương, tạo tiền đề tốt nhất cho tỉnh có thể xây dựng và triển khai có hiệu quả Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh – Long Bang.

Có cơ chế, chính sách thuận lợi, phát triển đồng bộ hạ tầng, thủ tục thông thoáng,… là những yếu tố tích cực giúp kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng phát triển mạnh mẽ. Điều đó không chỉ tạo đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, mà còn góp phần làm vững chắc thêm vùng biên cương, phên dậu Tổ quốc.

Giai đoạn 2013-2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt 9,486 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu chính ngạch đạt gần ba tỷ USD; kim ngạch hàng hóa tạm nhập, tái xuất đạt gần 6,5 tỷ USD. Số thu ngân sách qua hoạt động kinh tế cửa khẩu hằng năm đều tăng cao và đóng góp khoảng 30 đến 35%/năm tổng thu ngân sách của tỉnh. Tổng số thu ngân sách từ kinh tế cửa khẩu đạt 2.247 tỷ đồng. Trong đó, thu thuế xuất nhập khẩu đạt 1.057 tỷ đồng; thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cửa khẩu đạt 1.190 tỷ đồng.

Nguồn: UBND tỉnh Cao Bằng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here