Viện Chính sách Lowy (Australia) mới đây có bài phân tích nhận định rằng, thương mại điện tử là một nội dung quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại khu vực, nhưng các nước đang phát triển cần cảnh giác với những cạm bẫy trong vấn đề này.
Hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử, chuyển tiền điện tử là những tiến bộ công nghệ đang mang lại những thay đổi lớn trong các hoạt động kinh doanh cả trong nước và quốc tế. Điều đó tạo điều kiện cho sự luân chuyển nhanh hơn của hàng hóa qua biên giới, do đó các chính phủ cần nỗ lực nhanh chóng để bắt kịp với sự thay đổi này. Các cuộc đàm phán về các hiệp định thương mại khu vực đã đem đến một diễn đàn quan trọng để các chính phủ tham vấn về các vấn đề công nghệ.
Mục tiêu của thỏa thuận thương mại khu vực là để hai hoặc nhiều đối tác thương mại đồng ý giảm hoặc xóa bỏ thuế quan giữa các bên và xóa bỏ các rào cản không cần thiết đối với thương mại. Số liệu của năm 2017 cho thấy, trong số 275 hiệp định thương mại khu vực được thực thi trên toàn thế giới, có 75 hiệp định có điều khoản về thương mại điện tử. Trước đó, vấn đề này được giải quyết đơn giản bằng các phụ lục, tài liệu bổ sung và tuyên bố chung. Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng của thương mại hàng hóa kỹ thuật số, các quốc gia đã đưa các chương riêng về thương mại điện tử vào trong các thỏa thuận như vậy.
Hiệp định thương mại tự do Singapore-Australia năm 2003 đã đi tiên phong trong việc xây dựng một chương riêng về thương mại điện tử. Kể từ đó, rất nhiều hiệp định thương mại khu vực đã dành sự quan tâm đặc biệt đến thương mại điện tử. Hiện nay đã có ít nhất 61 hiệp định thương mại khu vực có một chương riêng về thương mại điện tử.
Công nghệ là một nội dung khó khăn trong quá trình đàm phán các thỏa thuận lớn, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Khi có nhiều đối tác hơn hơn, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh hơn, chẳng hạn như các câu hỏi liên quan đến quyền riêng tư và luồng dữ liệu xuyên biên giới, nội địa hóa máy chủ, quyền sở hữu trí tuệ, mã nguồn chia sẻ, và những vấn đề khác.
RCEP là một thỏa thuận thương mại giữa khối 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Nhưng cũng giống như các cuộc đàm phán trước về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), công nghệ luôn là một nội dung khó thống nhất.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở giai đoạn cuối, 11 đối tác còn lại đã thống nhất tên gọi mới của TPP là CPTPP vào năm 2018 và thông qua chương về thương mại điện tử có thể coi là toàn diện nhất cho đến nay. Nội dung của chương này được xây dựng dựa trên chín điều khoản trong Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn Quốc trước đó, và được mở rộng thành 18 điều. Nội dung của chương về thương mại điện tử trong CPTPP xuất phát từ đề xuất của Mỹ nhằm đạt được sự tự do hóa cao, với các quy định về (i) miễn thuế đối với các sản phẩm kỹ thuật số; (ii) không phân biệt đối xử đối với các sản phẩm kỹ thuật số; (iii) cấm các yêu cầu nội địa hóa; (iv) cam kết cung cấp truy cập mạng hợp lý cho các nhà cung cấp viễn thông thông qua kết nối và truy cập vào các cơ sở vật chat; và (v) khuyến khích lựa chọn công nghệ và giải pháp thay thế cạnh tranh để giải quyết vấn đề giá phí cao đối với dịch vụ chuyển vùng di động quốc tế.
Mặc dù nội dung RCEP vẫn chưa được công bố, nhiều khả năng hiệp định này sẽ được xây dựng dựa trên các quy định của CPTPP – ít nhất đó sẽ là mục tiêu của bảy quốc gia thành viên của CPTPP trong các cuộc đàm phán RCEP. Đã có một số đề xuất được các bên đàm phán đưa ra, phần nào cho thấy ý tưởng về nội dung cuối cùng của RCEP. Năm 2015, Ủy ban Đàm phán Thương mại RCEP đã thành lập một nhóm công tác về thương mại điện tử để soạn thảo riêng các nội dung của chương thương mại điện tử. Theo một số nguồn tin, các bên hiện chưa đạt được sự thống nhất về chương này. Vấn đề trở ngại chính là nội địa hóa dữ liệu. Indonesia và Malaysia đều có các chính sách trong nước riêng và rõ ràng các thành viên RCEP vẫn đang vật lộn với vấn đề này.
Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khó khăn khác về công nghệ trong các cuộc đàm phán thương mại. Mỹ đã muốn áp dụng các điều khoản giống như CPTPP tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và điều này đã chia rẽ các thành viên thành hai nhóm. Các quốc gia như Ấn Độ và Nam Phi đã từ chối tham gia cuộc thảo luận thương mại điện tử tại WTO về các điều khoản của Mỹ. Mỹ, cùng với các quốc gia phát triển khác từ Liên minh châu Âu, Nhật Bản và một số nước khác, đã bị cáo buộc “thuộc địa hóa” lĩnh vực công nghệ. Các hãng công nghệ khổng lồ, những chủ thể được hưởng lợi nhiều nhất của cuộc cách mạng kỹ thuật số hiện đại, chủ yếu đến từ các nước phát triển.
Cho đến nay, hầu hết các hiệp định thương mại khu vực với một chương thương mại điện tử riêng ủng hộ thị trường kỹ thuật số miễn thuế đều có sự tham gia của các nền kinh tế phát triển. Điều này tạo lợi thế cho các nước này. Các nước đang phát triển chủ yếu là các nhà nhập khẩu ròng hàng hóa kỹ thuật số và bị bỏ xa trong cuộc đua công nghệ so với các đối tác phát triển. Một thị trường kỹ thuật số miễn thuế sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho thế giới phát triển, trong khi gây thiệt hại cho các quốc gia đang phát triển.
Do vậy, các nền kinh tế đang phát triển cần thận trọng trong việc tham gia vào một thỏa thuận dưới bất kỳ hình thức nào với các điều khoản bảo đảm quyền tiếp cập thị trường kỹ thuật số miễn thuế, và cần quan tâm tới tình hình của ngành công nghiệp kỹ thuật số trong nước.
Nguyễn Minh