Theo số liệu từ Liên hợp quốc, số lượng lao động nhập cư tại các nước Đông Nam Á chủ yếu là lao động phổ thông, chiếm khoảng 6,8 triệu người so với hơn 670 triệu người trong khu vực. Các nước như Singapore, Thái Lan và Malaysia có số lượng lao động nhập cư nhiều nhất. Riêng tại Singapore nhóm này chiếm 1/3 tổng số lực lượng lao động.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nêu trong một báo cáo rằng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự xuống dốc của nền kinh tế, người lao động nhập cư là đối tượng dễ tổn thương nhất. Vì vậy, đa phần đối tượng này đều tìm cách quay về nước. Philippines và Việt Nam đã đứng trong top 10 quốc gia nhận người lao động nhập cư quay về nhiều nhất thế giới. Tại các nước khác trong khu vực ASEAN, mức tiếp nhận lao động làm việc tại nước ngoài chiếm từ 11 – 30%.
Các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, ngư nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng và dịch vụ ở một số nước phụ thuộc phần lớn vào người nhập cư. Tuy nhiên, nhóm lao động này chủ yếu làm những việc không chính thức, được trả lương thấp và có nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với sự hỗ trợ của nhà nước tại quốc gia mà họ cư trú.
Tình trạng thiếu công nhân tại một số trung tâm sản xuất Đông Nam Á đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, dự kiến tác động mạnh đến nguồn cung hàng hóa cho thế giới dịp Giáng sinh. Các quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan vẫn đang phải vật lộn với việc ngăn chặn dịch COVID-19, gây gián đoạn hoạt động sản xuất hàng hóa. Đây sẽ là vấn đề lớn đối với các nhà bán lẻ trước kỳ Giáng sinh.
Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại IHS Markit, cho rằng: “Sự phục hồi tăng trưởng kinh tế ở các thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, gồm Mỹ và EU, đang thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu của ASEAN. Tuy nhiên, khủng hoảng lao động ở các khu vực bị ảnh hưởng sẽ vẫn tồn tại, khiến các ngành lương thấp như sản xuất và nông nghiệp dễ bị tổn thương cho đến khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.”
Ngành công nghiệp trọng điểm của Malaysia khủng hoảng lao động. Malaysia sản xuất khoảng 1/3 lượng dầu cọ trên thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu cọ của nước này từ lâu đã phụ thuộc vào lao động nhập cư từ các nước như Indonesia và Bangladesh. Khi COVID-19 bùng phát, Malaysia đã đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.
Theo New Straits Times, người lao động nhập cư rời Malaysia và nhiều người không thể quay trở lại, dù chính phủ nước này đã nới lỏng các hạn chế để cho phép khoảng 32.000 người lao động quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, con số này chưa bằng một nửa số 75.000 lao động mà ngành đang thiếu. Các đồn điền cọ ở Malaysia đã cố gắng lôi kéo lao động địa phương bằng mức lương cao hơn và sử dụng nhiều máy móc. Tuy nhiên, người dân địa phương nói chung cũng không mấy hứng thú.
Trong khi đó, cuộc chính biến Myanmar khiến Thái Lan thiếu lao động. Ở Thái Lan, các nhà máy và trang trại từng tiếp nhận hơn 1 triệu lao động nhập cư từ nước láng giềng Myanmar đã phải hứng chịu một đợt thiệt hại kép. Theo Frontier Myanmar, hàng trăm nghìn lao động nhập cư đã rời đi vì đại dịch. Và những bất ổn do cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar khiến việc gia hạn giấy phép lao động chậm trễ. Thái Lan là nhà sản xuất và xuất khẩu xe hơi, phụ tùng xe hơi, thiết bị điện tử và thực phẩm. Khủng hoảng lao động đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng ở nước này, đặc biệt là ở các phân khúc cấp thấp hơn như nông nghiệp.
Tại Việt Nam, các nhà máy sản xuất quần áo, giày dép và đồ điện tử hiện cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân do khi hàng chục nghìn người rời khỏi TP.HCM sau nhiều tháng giãn cách phòng chống dịch COVID-19. Nikkei đưa tin, các đợt giãn cách đã gây ra nhiều hệ lụy, với việc Nike cảnh báo về “trở ngại trong chuỗi cung ứng”, trong khi hoạt động giao hàng iPhone 13 của Apple cũng bị trì hoãn. Các nhà máy đang tìm cách đưa công nhân trở lại nhà máy an toàn. Điều này có thể làm chậm quá trình sản xuất vì các hướng dẫn và biện pháp chống dịch cần thêm thời gian và yêu cầu về mặt quản lý.
Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, tại Việt Nam, đặc biệt là TP. HCM, trong quý III/2021, có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Tuy nhiên, nhu cầu về lao động của các DN đang ở mức 43.600 – 56.800 người. Quý IV/2021, con số này tăng 44.000 – 57.000. Nhu cầu chủ yếu tập trung ở các nhóm nghề như kinh doanh – thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn – chăm sóc khách hàng và nhóm du lịch – nhà hàng – khách sạn.
Thu Hằng