Căng thẳng Mỹ – Trung: từ chiến tranh thương mại đến chiến tranh tiền tệ

0
141
ảnh minh hoạ
ảnh minh hoạ

Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) đã mở ra một mặt trận mới trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sau chiến tranh thương mại và công nghệ.

Con dao hai lưỡi

 Các biện pháp trả đũa của Trung Quốc khiến triển vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung mờ mịt hơn bao giờ hết. Julian Prichard, nhà kinh tế của hãng cố vấn Capital Economics, đánh giá “việc Trung Quốc từ bỏ ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD là dấu hiệu cho thấy nước này đã không còn tin tưởng vào một thỏa thuận thương mại với Mỹ”, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố tiếp tục áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc từ ngày 1/9/2019.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế nhận định “vũ khí” này rất khó để kiểm soát và có thể sẽ trở thành con dao hai lưỡi đối với chính Trung Quốc. Christian Parisot, kinh tế trưởng của công ty chứng khoán Pháp Aurel Bgc nhận định: “một khi đã sử dụng công cụ tỷ giá thì cần phải biết điểm dừng”. Tao Wang, nhà kinh tế của công ty tài chính UBS, cho rằng ngay cả khi phá giá mạnh đồng NDT, Trung Quốc cũng không thể bù đắp được hết các ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.

Việc giảm giá đồng NDT làm tăng chi phí nhập khẩu, đặc biệt là các nguyên liệu đầu vào. Christian Parisot cho rằng nếu tiếp tục phá giá mạnh đồng NDT, Trung Quốc sẽ chứng kiến “sự rút lui của các dòng vốn, nhập khẩu lạm phát và sự mất niềm tin của các nhà đầu tư”. Mặt khác, điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc gặp thêm khó khăn do có các khoản nợ nước ngoài lớn bằng USD.

Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT cũng có thể sẽ kéo theo các động thái tương tự của các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN, vốn phụ thuộc nhiều vào đồng NDT. Sephane Deo, chuyên gia phân tích chiến lược của Ngân hàng Bưu chính Pháp, cho rằng “điều này sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại, tìm cách rút lui và khiến cho tăng trưởng kinh tế chậm lại trên toàn khu vực”.

Duy trì ổn định kinh tế sẽ là ưu tiên của chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh nước này sắp kỷ niệm 70 năm ngày lập quốc. Mark Sobel, một cựu quan chức của Fed, nhận định “Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tránh việc đồng NDT mất giá quá mạnh và đột ngột bằng cách kiểm soát chặt chẽ thị trường tài chính”. Stephen Roach, chuyên gia của Đại học Yale, cho rằng “nhiều người không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ khí tiền tệ, tuy nhiên họ đã làm điều đó, một cách rất có tính toán” và “Trung Quốc đang xem xét cả các biện pháp khác, như việc bán trái phiếu kho bạc Mỹ”.

Chính sách tiền tệ của Fed

Thời gian qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn luôn chỉ trích chính sách tiền tệ của Fed (chỉ hạ lãi suất chỉ huy 0,25% vào cuối tháng 7 vừa qua) và tìm cách can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ. Tổng thống Donald Trump cho rằng, nếu không có các sai lầm của Fed vào năm 2015 và cuối năm 2018, kinh tế Mỹ đã có thể tăng trưởng gấp đôi mức hiện nay.

Qua một bài báo trên Wall Street Journal ngày 5/8, 4 cựu Chủ tịch của Fed đã yêu cầu Tổng thống Trump tôn trọng tính độc lập và dừng việc gây sức ép chính trị lên các quyết định của cơ quan này. Các nhà phân tích kinh tế đánh giá trong bối cảnh chiến tranh thương mại, suy thoái kinh tế và xung đột dầu lửa, đồng USD vẫn là sự lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư so với các loại tiền tệ khác, điều này dẫn đến việc đồng USD được định giá cao.

Bầu cử năm 2020

Nông dân Mỹ là một trong những nhóm cử tri quan trọng đối với Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu đậu nành hàng đầu thế giới – mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chính của Mỹ. Theo thống kê của Ủy ban quốc gia về phát triển và cải cách của Trung Quốc, chỉ tính riêng từ 19/7/2019 đến 2/8/2019, Trung Quốc đã mua 130.000 tấn đậu nành, 120.000 tấn bo bo, 60.000 tấn lúa mỳ, 40.000 tấn thịt lợn và 25.000 tấn bông từ Mỹ. Để bù đắp thiệt hại do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Trump phải ban hành gói hỗ trợ trị giá 28 tỷ USD cho lĩnh vực nông nghiệp (trong khi các biện pháp trừng phạt về thuế đối với Trung Quốc chỉ mang lại hơn 20 tỷ USD cho Mỹ).

Châu Âu chịu thiệt thòi nhiều nhất

Các thị trường chứng khoán châu Âu, đặc biệt là chỉ số DAX của Đức, rất nhạy cảm trước tình hình thương mại thế giới và việc các nhà đầu tư Mỹ đang tiếp tục rút ra khỏi châu Âu sẽ gây thêm áp lực giảm cho thị trường chứng khoán khu vực. Christian Parisot đánh giá “những gì Trung Quốc không thể xuất khẩu sang Mỹ, họ sẽ tìm cách đưa vào châu Âu”. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại do các đòn trừng phạt của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến các nước châu Âu phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là Đức.

Về chính sách tiền tệ, Stephane Deo cho rằng so với châu Âu, Mỹ còn nhiều dư địa chính sách tiền tệ hơn và Fed sẽ có thể tiếp tục giảm lãi suất chỉ huy từ 0,25% – 0,5% trong tháng 9. Trong khi đó nhiều khả năng trong thời gian tới Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ chỉ có thể giảm lãi suất chỉ huy ở mức 0,1%. Việc đồng Euro tăng giá so với USD sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán châu Âu.

(ĐSQVN tại Pháp)