Với con số GDP quý 3/2021 âm 6,17%, chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội đều cho rằng, phải nhanh chóng “rã đông” nền kinh tế, với kế hoạch cẩn trọng, đảm bảo được thực hiện nhất quán.
Không có trợ cấp nào quan trọng bằng mở cửa
Tuần này, Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 sẽ được đặt lên bàn nghị sự Hội nghị Trung ương lần thứ tư, được xin ý kiến Bộ Chính trị để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ hai, khai mạc ngày 20/10/2021.
Đây là hai bản kế hoạch được xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có tiền lệ, Covid-19 vẫn là ẩn số khó lường, trong khi nền kinh tế cần được “rã đông” sau nhiều tháng “đóng băng”.
Bởi thế, không chỉ có các cơ quan thẩm tra của Quốc hội mới lo từ sớm, từ xa, từ làm việc với các ngành chức năng đến tham vấn ý kiến chuyên gia, mà đích thân Chủ tịch Quốc hội vào đầu tuần qua đã chủ trì tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia với mong muốn nhận diện sát tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân và khuyến nghị chính sách phù hợp, khả thi trong bối cảnh mới. Giữa tuần qua, từ đầu cầu Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục kết nối trực tuyến với các chuyên gia, doanh nhân từ Hoa Kỳ và một số nước ASEAN, cũng không ngoài mục đích trên.
Ở cuộc thứ nhất, khi chuyên gia Nguyễn Sĩ Dũng nói: “Chúng ta đã áp đặt mô hình ‘zero Covid’ quá dài. Chúng ta không thể phong tỏa cứng đất nước gần nửa năm trời”, rồi “địa phương nào chỉ cần có một, hai ca dịch là người ta ‘khóa cứng’. Như vậy, sẽ đổ vỡ hết toàn bộ chuỗi lưu thông của đất nước”, đã không có ai lên tiếng tranh luận hay phản đối.
Còn ở cuộc thứ hai, doanh nhân Chris Helzer, Phó chủ tịch Thương mại toàn cầu Tập đoàn Nike nhấn mạnh điều muốn được “ưu tiên” cấp bách nhất là cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại ở quy mô thực sự, đầy đủ. Ông Chris Helzer nói: “Không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại rộng rãi, bền vững”.
“Khi ngày càng có nhiều người được tiêm chủng và Việt Nam chuyển sang giai đoạn tiếp theo là sống chung với Covid-19, chúng tôi kêu gọi Chính phủ duy trì cam kết mở cửa lại nền kinh tế và không trở lại phong tỏa khi các ca lây nhiễm xuất hiện. Với việc tiêm chủng ngày càng tăng, cách ly giao tiếp xã hội, xét nghiệm và các biện pháp khác, kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, có thể mở cửa trở lại ngay cả khi Covid-19 ở trong cộng đồng”, đại diện Tập đoàn NIKE khuyến nghị.
Cần giải pháp để doanh nghiệp vẫn có thể sản xuất ngay cả khi có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng cũng là quan điểm của đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Agribank, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Cảnh báo nền kinh tế đang đối mặt với tình thế rất nguy hiểm là đứt gãy chuỗi sản xuất, đại biểu Phạm Đức Ấn nhấn mạnh, nếu ngay trong quý IV năm nay mà không giải quyết được vấn đề này, thì khó khăn của nền kinh tế trong năm 2022 sẽ vô cùng lớn, sẽ mất dần thị trường và có nguy cơ mất hẳn thị trường.
Theo đó, đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị, phải gấp rút kích hoạt các điều kiện để đưa nền kinh tế về điều kiện bình thường mới, phải đưa sản xuất – kinh doanh trở lại bình thường kể cả khi có F0; nếu cứ có F0 lại cấm sản xuất, thì cực kỳ nguy hiểm. Điều này yêu cầu chính sách chống dịch cần nhất quán, nhưng cũng cần để cho doanh nghiệp có cách làm sáng tạo thích ứng.
“Có những doanh nghiệp nói, họ không cần Chính phủ chi tiền, mà cần cơ chế, vậy thì cần xác định cụ thể là họ cần ‘cởi’ những gì ở cơ chế, nếu cái gì ‘cởi’ được, thì ‘cởi’ ngay cho doanh nghiệp”, ông Ấn nhấn mạnh.
Đối với những doanh nghiệp đã suy kiệt và những người lao động dễ bị tổn thương, ông Ấn cho rằng, chính sách tài khóa là rất quan trọng, bởi chính sách tiền tệ đã tới hạn. Theo ông, kể cả nếu Chính phủ có hỗ trợ lãi suất để ngân hàng cho vay với lãi suất thấp, thì nợ xấu sẽ thành “cục máu đông” và người phải đứng ra “rã đông” không ai khác chính là Chính phủ, là Quốc hội.
Tiền tệ “nhìn” tài khóa
Thực hiện chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ – tín dụng theo hướng cân bằng hơn để đưa nền kinh tế về trạng thái “bình thường mới” cũng là khuyến nghị của nhiều chuyên gia cả trong nước và quốc tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách tài khóa cần hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế – xã hội, theo hướng tăng chi cho y tế, tăng hỗ trợ bằng tiền mặt trực tiếp, nhanh chóng, đơn giản hơn, bảo đảm đúng đối tượng bị tác động. Trong trung và dài hạn, chính sách tài khóa cần xem xét lại phân cấp chi giữa trung ương và địa phương, đưa ra chương trình hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có địa chỉ, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Tăng cường công tác trợ cấp xã hội, trong đó tập trung ưu tiên cho người nghèo, người lao động tự do, người yếu thế trong xã hội cũng là trách nhiệm của chính sách tài khóa.
Nhưng, chính sách tiền tệ cũng cần phối hợp, hài hòa giữa lợi ích của ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp dễ thở hơn cũng là quan điểm được đặt ra ở cả Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu trong phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội tuần qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Kim Anh bày tỏ sự đồng tình cao với ý kiến cho rằng, nên mở rộng hỗ trợ từ chính sách tài khóa.
“Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, thời gian qua, Việt Nam chưa có sự cân bằng về chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tài khóa còn có dư địa. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tài khóa là công cụ hỗ trợ, còn tiền tệ dễ rủi ro, nên hai tổ chức trên đều khuyến khích nên cân bằng, chính sách tiền tệ nên dồn vào kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn tín dụng”, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng kiên trì quan điểm của cơ quan này, là cần cân nhắc về cho vay hỗ trợ lãi suất do các gói trước bộc lộ nhiều rủi ro tiềm ẩn cho ngân hàng và kinh tế vĩ mô, hệ lụy vẫn để đến tận ngày nay. Chưa kể, việc hỗ trợ lãi suất cũng dễ dẫn đến các khiếu kiện quốc tế, quyết toán phức tạp.
“Trong bối cảnh hiện nay, việc hỗ trợ lãi suất có thể khiến doanh nghiệp vay vượt nhu cầu dẫn đến tín dụng nóng”, ông Nguyễn Kim Anh phân tích tác động có thể xảy ra.
Với dự báo năm 2022, khả năng kinh tế thế giới bước vào giai đoạn có mức lạm phát cao hơn, quan điểm của Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh là chính sách tiền tệ cần ưu tiên kiểm soát lạm phát, để đạt được 4% như dự kiến.
Ngân hàng Nhà nước, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, rủi ro áp lực lạm phát tăng cao trong các tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022 là hiện hữu. Việc sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới hạn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi hồi âm ý kiến chuyên gia đã thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ tính toán các biện pháp hỗ trợ cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng hơn.
Nhìn tổng thể cả tài khóa và tiền tệ để có những quyết sách đủ “rã đông” nền kinh tế, nhưng không tạo ra hệ lụy xấu là bài toán rất khó với mỗi đại biểu Quốc hội ở kỳ họp sắp tới.
(Nguyễn Lê/baodautu.vn)