“Cần phải làm tốt hơn khâu quy hoạch, công khai quy hoạch, sớm chốt các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên phát triển ở những đặc khu… để người dân cũng như doanh nghiệp nắm rõ rằng khu này sẽ làm gì, như thế nào. Chúng ta cũng cần sớm có khuôn khổ thể chế pháp lý. Bởi khi đã ổn định về thể chế pháp lý thì người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn khi đầu tư vào đặc khu kinh tế”.
Đó là trao đổi của TS. Cấn Văn Lực với phóng viên về quy hoạch, xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế (ĐKKT) mà Việt Nam đang triển khai tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Xây dựng và phát triển ĐKKT là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và nhà đầu tư hiện nay. Được biết, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra (từ 21/5 – 15/6), Dự án Luật về ĐKKT cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua.
Phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia về việc xây dựng, phát triển ĐKKT của Việt Nam theo mô hình nào. Xin giới thiệu cùng độc giả.
Thưa ông, với việc thành lập 3 ĐKKT, theo ông, sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì cho nhà đầu tư khi đầu tư vào các ĐKKT trong thời điểm hiện tại?
Tôi cho rằng, có hai thuận lợi cho nhà đầu tư. Một là giá bất động sản đang tăng. Điều này sẽ có lợi cho nhà đầu tư nếu muốn “lướt sóng” kiếm lời ngay, cũng là lợi thế cho những ai đã sở hữu bất động sản ở những đặc khu. Hai là ĐKKT sẽ có những cơ chế đặc thù, giải phóng mặt bằng sẽ nhanh hơn, thủ tục cấp phép cũng nhanh hơn và thống kê cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào 3 khu vực này khá mạnh và với quy mô lớn.
Về khó khăn, tôi cho rằng có 4 khó khăn rất lớn mà nhà đầu tư sẽ gặp phải. Một là giá đất đền bù sẽ lên quá cao, nhà đầu tư muốn gom đất để đầu tư một nhà máy lớn, một công xưởng thì năng lực tài chính của doanh nghiệp là vấn đề khó khăn đầu tiên.
Thứ hai, liên quan đến câu chuyện gom đất. Có người muốn bán, có người không vì cho rằng giá đất còn tăng. Vì vậy mà việc gom được đất đủ rộng theo mục đích của nhà đầu tư cũng không phải dễ.
Thứ ba, về cơ chế chính sách cho ĐKKT sẽ được thông qua nhưng chắc chắn sẽ còn thay đổi theo tình hình thực tế.
Thứ tư, quan trọng nhất, liên quan đến quy hoạch. Tất cả đều chưa rõ ràng về quy hoạch thì làm gì cũng khó.
Từ cuối năm 2017 đến nay, tình trạng “sốt” đất ở ĐKKT trở thành đề tài nóng trong các diễn đàn bất động sản và kinh tế. Theo ông, các nhà đầu tư khi mua đất tại đặc khu mà chưa có quy hoạch sẽ gặp phải những rủi ro gì?
Hiện nay, việc tạm không cho phép giao dịch bất động sản tại ĐKKT như ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong chỉ là biện pháp tạm thời nhưng cần thiết, bởi nếu không thì đất quá sốt, sốt ở đặc khu sẽ rất rủi cho thị trường bất động sản, rủi ro cho bản thân những người mua đi bán lại, rủi ro cho những nhà đầu tư lâu dài. Câu chuyện đền bù gom đất như thế nào sau này sẽ rất khó khăn, tạo ra sốt ảo, khiến cho thị trường BĐS thiếu bền vững và rõ ràng khiến cho việc triển khai các chương trình quy hoạch ở đặc khu sẽ khó khăn hơn.
Đó là biện pháp tạm thời, vậy theo ông, về lâu dài thì cần có biện pháp như thế nào?
Về lâu dài, chúng ta cần phải làm tốt hơn khâu quy hoạch, công khai quy hoạch ở đặc khu để người dân cũng như doanh nghiệp nắm rõ rằng khu này sẽ làm gì, như thế nào. Hiện nay, quy hoạch không rõ ràng đã tạo ra sự làm giá của các nhà đầu cơ. Cần sớm chốt các lĩnh vực ngành nghề có thể ưu tiên phát triển hơn ở những đặc khu.
Tôi hiểu rằng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng như Chính phủ đã đề xuất danh sách các lĩnh vực ưu tiên đầu tư tại đặc khu. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát kỹ. Cần lấy kinh nghiệm của Hàn Quốc khi họ triển khai các đặc khu kinh tế, họ làm rất kỹ về các lĩnh vực, ngành nghề được phép ưu tiên căn cứ vào thế mạnh đặc biệt của từng đặc khu.
Chúng ta cũng cần sớm có khuôn khổ thể chế pháp lý. Bởi khi đã ổn định về thể chế pháp lý thì rõ ràng người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn khi đầu tư vào. Từ đó giá bất động sản ở khu vực này cũng ổn định hơn.
Quy hoạch đặc khu giờ chưa có, cũng chưa có quy hoạch về ngành nghề ưu tiên trong mỗi đặc khu. Theo ông, nước ta nên phát triển đặc khu theo hướng nào?
Theo tôi, có những điểm chung ở cả 3 đặc khu nước ta như đều có thể phát triển du lịch, công nghệ cao. Thế nhưng, có đặc khu chúng ta nên ưu tiên hơn về phát triển logistic như Vân Đồn. Còn ở Phú Quốc thì nên phát triển nhiều hơn về du lịch, giáo dục đào tạo, y tế, đặc biệt trong bối cảnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về mặt bằng y tế, giáo dục còn thấp hơn so với các khu vực khác. Những lĩnh vực liên quan đến sản xuất thông minh cũng cần tính toán thêm cho khu vực này. Kể cả về du lịch giải trí cũng cần nghiên cứu kỹ, có đặc khu cho phép casino, có đặc khu không nên cho phép bởi tính phức tạp.
Về mô hình chính quyền tại ĐKKT, theo ông, mô hình Trưởng đặc khu có phù hợp với Việt Nam?
Hiện nay chúng ta đang thực hiện theo hướng có UBND của đặc khu, ủy ban này trực thuộc tỉnh và đã dự thảo cho phép quyền lực khá lớn đối với chủ tịch UBND đặc khu, điều đó cũng tương ứng với việc giao quyền cho Trưởng đặc khu. Tất nhiên, cơ chế Trưởng đặc khu sẽ mạnh hơn. Tôi mong là chúng ta sẽ đặt ra thẩm quyền thực sự mạnh, vượt trội, để chính quyền đặc khu vận hành một cách suôn sẻ và hiệu quả. Tôi đề xuất, trong thời gian tới, Chính phủ có thể cân nhắc thành lập Ủy ban Quản lý các đặc khu kinh tế Quốc gia. Ủy ban này sẽ thuộc Chính phủ, thay mặt Chính phủ quản lý chung các đặc khu kinh tế, trước mắt là 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Mô hình này cũng giống mô hình đặc khu của Hàn Quốc, tận dụng được nhiều lợi thế, nhiều chất xám, nhiều cách quản lý hay của ủy ban đó.
Có ý kiến cho rằng, nên chọn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để phát triển đặc khu chứ không phải 3 nơi trên. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đương nhiên phải ưu tiên phát triển vì đây là hai động lực kinh tế của đất nước và lâu nay chúng ta đã có những cơ chế chính sách đặc thù.
Còn 3 đặc khu, theo tôi, chúng ta đã bàn rất nhiều về ưu đãi. Tôi cho rằng, ưu đãi là quan trọng nhưng quan điểm của tôi là ưu đãi này đã trúng hẳn chưa, đúng chưa hay là tương đối dàn trải. Điều này cũng cần phải xem xét kỹ hơn.
Thứ hai là cơ chế chính sách. Ở đây là thể chế và đặc biệt là chính quyền đặc khu phải đủ mạnh để có thể điều hành, thu hút được nhân lực chất lượng cao từ những cơ sở khác.
Thứ ba là quy hoạch đặc khu, vô cùng quan trọng bởi nếu không quy hoạch ngay từ đầu thì đặc khu sẽ không có hình hài như chúng ta mong muốn.
Cuối cùng, tôi cũng đã đề xuất, vì nguồn lực có hạn, phân tán nên khi đã quyết định làm 3 đặc khu thì nên chọn 1 đặc khu để ưu tiên phát triển mạnh trước, thí điểm, nếu tốt thì chúng ta phát triển nhân rộng lên, là một cách để tập trung nguồn lực tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Trần Liễu