Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự bùng nổ của nền kinh tế kỹ thuật số, gần 140 quốc gia thành viên của Diễn đàn OECD Inclusive Framework (trong đó có Việt Nam) đã thống nhất thực hiện cải cách thuế toàn cầu mang tính lịch sử.
Trong số những cải cách đó, có cơ chế áp dụng Thuế suất tối thiểu toàn cầu (gọi tắt là “Trụ cột 2” theo giải pháp của OECD, hoặc “GMT”) hướng tới việc chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, hạn chế “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất thu nhập doanh nghiệp, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trong việc thu hút đầu tư giữa các quốc gia. Trụ cột 2 dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2023.
Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Cải cách về Thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ có tác động lớn đến môi trường đầu tư toàn cầu, khi các công ty đa quốc gia sẽ phải cân nhắc bài toán tối ưu hóa về thuế trong tình hình mới để hoạch định và đưa ra các quyết định đầu tư. Đối với Việt Nam, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ có ảnh hưởng lớn với nhiều thách thức và cơ hội.
Về mặt cơ hội, Việt Nam có khả năng tăng nguồn thu ngân sách từ thuế từ việc áp dụng Trụ cột 2, ví dụ thông qua việc áp dụng nguyên tắc quyền đánh thuế của nước nguồn (Subject to tax rule – STTR) với tư cách là nước nguồn có quyền đánh thuế với mức thuế suất tối thiểu 9% đối với một số khoản thanh toán nhất định cho bên liên kết ở nước ngoài của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Việt Nam có cơ hội gia tăng nguồn thu về thuế từ các tập đoàn lớn tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hoặc thu thêm thuế từ các nhà đầu tư vào Việt Nam nếu Việt Nam áp dụng cơ chế Thuế suất tối thiểu nội địa (Domestic minimum tax) tương tự cơ chế GMT theo hướng dẫn của OECD.
Việt Nam cũng có cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và ban hành chính sách mới, giảm thiểu khoảng cách về chính sách giữa nội luật và thông lệ, hướng dẫn quốc tế một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.
Bên cạnh những cơ hội, GMT cũng sẽ tạo ra những thách thức nhất định, rõ nhất là hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài có thể bị giảm sút.
Cùng với đó, còn xuất hiện các thách thức kỹ thuật trong việc triển khai GMT, trong đó các công ty đa quốc gia thuộc phạm vi áp dụng và các cơ quan quản lý đều đối diện với gánh nặng về thủ tục hành chính trong việc thu thập thông tin, dữ liệu cũng như việc tuân thủ đúng các tiêu chí kỹ thuật (như tính toán thuế suất hiệu quả) và tuân thủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế ở từng quốc gia.
Cần đánh giá tác động cụ thể
Theo quan sát của Deloitte, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia lớn đã, đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong đó có nhiều doanh nghiệp nắm giữ vị trí chủ chốt trong chuỗi giá trị và có sức ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, thuộc phạm vi áp dụng của GMT.
Khi áp dụng GMT, trong trường hợp thuế suất hiệu quả của các công ty con của họ ở Việt Nam (các công ty có vốn đầu tư nước ngoài – FDI) thấp hơn GMT 15% thì các doanh nghiệp này sẽ phát sinh thêm thuế bổ sung tại nước đặt trụ sở chính (là phần chênh giữa GMT 15% và thuế suất hiệu quả tại Việt Nam).
Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến ưu đãi thuế mà các công ty con và chi nhánh của họ đang được hưởng tại Việt Nam, theo đó có thể tác động đến các quyết định về mặt đầu tư, mở rộng sản xuất – kinh doanh tại Việt Nam trong tương lai.
Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp đa quốc gia lớn, tác động của Trụ cột 2 có thể lan rộng đến các doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ nằm trong chuỗi giá trị của các tập đoàn là các doanh nghiệp đầu tàu mang tính dẫn dắt ngành (ví dụ như Toyota, Honda, LG, Samsung…), đặc biệt trong trường hợp các doanh nghiệp này chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang các quốc gia khác hoặc không tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Ngoài sự đóng góp về vốn đầu tư cũng như tạo việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực trong nước, xây dựng các hệ sinh thái về ngành, đặc biệt trong lĩnh vực quan trọng là công nghiệp hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để góp phần phát triển công nghiệp Việt Nam.
Theo đó, việc chuyển dịch/hạn chế đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài chất lượng cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia của Việt Nam.
Để có sự đánh giá sát nhất về mức độ ảnh hưởng, Việt Nam cần có phương pháp đánh giá phù hợp và cơ sở dữ liệu được tập hợp đầy đủ.
Về phương pháp đánh giá, trước hết, cần lưu ý bên cạnh ưu đãi thuế còn nhiều yếu tố khác như môi trường đầu tư, thể chế chính sách, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, năng lực đổi mới sáng tạo, chất lượng nguồn nhân lực… sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, cân nhắc.
Theo đó, cần nhìn rộng hơn ở khía cạnh GMT không chỉ mang lại thách thức đối với Việt Nam mà còn đến nhiều quốc gia khác, là những nước nhận đầu tư, có sự cạnh tranh cao với Việt Nam trong thu hút FDI và cũng tham gia chương trình cải cách thuế này, để từ đó cân nhắc những yếu tố ưu đãi ngoài thuế.
Khi đánh giá tác động, các cơ quan quản lý nhà nước cần phân loại ảnh hưởng theo từng nhóm đối tượng doanh nghiệp FDI khác nhau, như doanh nghiệp FDI hiện tại và doanh nghiệp FDI tiềm năng trong tương lai; doanh nghiệp FDI thuộc phạm vi áp dụng GMT và các doanh nghiệp FDI còn lại.
Về mặt dữ liệu, có thể dựa trên cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước, dữ liệu do các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hoặc các tổ chức cung cấp dữ liệu phối hợp cung cấp.
Điều chỉnh chính sách thu hút FDI trong bối cảnh mốc thời gian năm 2023 đã cận kề
Với tác động dự kiến lớn, lâu dài và tính cấp thiết của GMT, trên cơ sở đánh giá tác động, Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan cần kịp thời thực hiện các giải pháp phù hợp, trong đó có hoàn thiện thể chế chính sách cả về nội luật và thuế quốc tế.
Các giải pháp sửa đổi chính sách ưu đãi cần bảo đảm ưu đãi cho các nhà đầu tư để bảo vệ cơ sở thuế tại Việt Nam, đồng thời vẫn khuyến khích các nhà đầu tư duy trì và mở rộng đầu tư.
Chúng tôi có một vài gợi ý như sau:
Một là, Việt Nam có thể điều chỉnh chính sách thuế hiện tại để đưa ra cơ chế ưu đãi phù hợp cho các doanh nghiệp đa quốc gia chịu ảnh hưởng của GMT, nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp này khi đầu tư tại Việt Nam để khuyến khích đầu tư, mở rộng đầu tư, đồng thời cũng dung hòa với quyền lợi của Việt Nam trong việc giành quyền đánh thuế trong bối cảnh GMT.
Cơ chế này cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ, ví dụ như liệu thuế suất nội địa 15% (bằng với mức GMT) có nên được áp dụng với các đối tượng doanh nghiệp này hay không, nếu áp dụng thì nên trong thời gian như thế nào (trong một khoảng thời gian dài hoặc toàn bộ vòng đời dự án đầu tư), và Việt Nam có đưa ra hình thức ưu đãi nào nhằm hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp trong trường hợp áp dụng thuế suất 15% hay không (như các hỗ trợ bằng tiền, hỗ trợ các khoản chi phí, hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp…).
Cơ chế này cần được nghiên cứu, đề xuất sớm, trong bối cảnh Trụ cột 2 sẽ có hiệu lực từ năm 2023 và một số quốc gia đặt trụ sở chính của các công ty đa quốc gia có thể nội luật hóa để áp dụng Trụ cột 2 từ năm 2023.
Theo quan sát của Deloitte, hiện tại các quốc gia trên thế giới cũng đang nghiên cứu sát sao cơ chế Thuế suất tối thiểu toàn cầu để cân nhắc điều chỉnh nội luật. Ví dụ như Singapore và Hồng Kông đã tuyên bố việc thực thi chính sách về thuế suất tối thiểu nội địa 15% nhằm thu về mức thuế bổ sung đối với các công ty đa quốc gia thuộc đối tượng áp dụng nguyên tắc tại Trụ cột 2 có mức thuế suất hiệu quả thấp hơn 15%.
Một số quốc gia đầu tư nhiều vào Việt Nam như Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng đang nghiên cứu và nhiều khả năng sẽ thay đổi nội luật để áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.
Hai là, Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh việc phát triển các yếu tố thu hút đầu tư khác ngoài công cụ ưu đãi thuế, như cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý… (những yếu tố giúp nâng cao xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam).
Việt Nam cũng cần cân nhắc việc triển khai có hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, được ký kết gần đây với các đối tác thương mại lớn như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…, đồng thời thúc đẩy và tham gia đàm phán, ký kết các FTA với Hoa Kỳ và các đối tác thương mại khác.
Các hiệp định bảo hộ đầu tư được tách riêng như EVIPA cũng cần được thúc đẩy quá trình phê chuẩn của đối tác để sớm có hiệu lực, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với các doanh nghiệp đa quốc gia, theo ý kiến của chúng tôi, các doanh nghiệp nên theo dõi sát sao quá trình phát triển các quy định của Trụ cột 2 trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh Trụ cột 2.
Các doanh nghiệp cũng nên chủ động cùng với công ty mẹ tối cao toàn cầu đánh giá tác động của Trụ cột 2 đối với tình hình hoạt động kinh doanh cũng như cấu trúc của doanh nghiệp trong ngắn hạn cũng như dài hạn, và tham gia đóng góp ý kiến từ góc độ doanh nghiệp cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng, điều chỉnh nội luật.
(Bùi Ngọc Tuấn/baodautu.vn)