Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư, đặc biệt là thủ tục hành chính (TTHC) trong một năm qua, nhưng các doanh nhân cho rằng Chính phủ cần cải thiện nhanh hơn nữa, cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.
Đó là nhận xét chung ghi nhận được tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra tại Hà Nội, ngày 17/5. Đây là lần thứ 2 Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp (DN) thu hút sự tham gia trực tiếp của 2.000 đại biểu doanh nghiệp, gấp 4 lần năm 2016.
Tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu, gần 10.000 doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp địa phương. Điều này khẳng định sự nhiệt huyết và nỗ lực cải cách của Chính phủ và DN trong việc đưa kinh tế Việt Nam bứt phá.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận nguồn lực, chi phí cao
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI) khẳng định, Nghị quyết 35 là nghị quyết đầu tiên đưa ba thông điệp căn bản: Doanh nghiệp là động lực của sự phát triển, Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, Khởi nghiệp là sự nghiệp của nhân dân. Tinh thần đột phá của nghị quyết đã đem lại nhiều hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, nhất là khối kinh tế tư nhân.
Về môi trường đầu tư, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là thủ tục hành chính (TTHC), trong một năm qua, nhưng các doanh nhân cho rằng Chính phủ cần cải thiện nhanh hơn nữa, cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngay trong báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đánh giá, sau một năm thực hiện nghị quyết 35, việc cải cách TTHC vẫn còn chậm, chưa giải quyết được triệt để sự thống nhất giữa các luật: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng… dẫn đến thực thi còn nhiều vướng mắc, gây khó cho DN. Vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề làm gia tăng gánh nặng tuân thủ cho DN như: cùng một lĩnh vực an toàn thực phẩm mà do 3 Bộ: Công thương, y tế, Nông nghiệp cùng quản lý theo 3 nghị định khác nhau, giấy phép kiểm dịch do các đơn vị khác nhau trong cùng một Bộ xử lý, chưa thống nhất đầu mối.
Theo đánh giá, khối DN tư nhân đang đóng góp gần 40% GDP Việt Nam nhưng những cơ hội về tiếp cận đất đai, ngân hàng, thông tin còn hạn chế, còn bị thanh kiểm tra nhiều lần. Chỉ có 40% DN trong tổng số DN đang hoạt động có khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Chi phí kinh doanh vẫn ở mức cao nhất là: chi phí vốn vay (bình quân 7%- 9% trong khi Trung Quốc là 4,3%, Hàn Quốc là 2%-3%…), chi phí chuyển một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần chi phí chuyển từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam, chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines…
Về gánh nặng chi phí cho DN, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ VN đã thẳng thắn nêu lên tình trạng DN đang chịu những chi phí chính thức và cả không chính thức. Theo ông Thân, cộng đồng DN vừa và nhỏ của Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn nhưng điều họ nản nhất chính là chi phí. Chủ yếu rơi vào các thủ tục liên quan đến tiếp cận đất đai, thuế, hải quan… Khảo sát PCI năm 2016 có tới 66% DN trong diện khảo sát có xác nhận phải trả những chi phí không chính thức.
Cũng “than” về những khó khăn của DN, ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT – Công ty CP FECON cho rằng, hiện nay, vấn đề được coi là khó khăn và trăn trở lớn nhất của các DN là thuế hiện đang rất cao.
“Ví dụ, theo tôi được biết, Trung Quốc hiện đang cho DN lựa chọn có thể tính thuế theo doanh thu, khoảng 1% doanh thu, tức là doanh thu bao nhiêu nộp thuế bấy nhiêu, không cần phải cơ quan thuế nào kiểm tra, rất đơn giản và cũng sẽ không có chuyện đi đàm phán “của đồng chia ba, của nhà chia đôi” đang không phải không có như ở nước ta. Cách tính thuế thu nhập DN hiện nay đang khiến DN tìm mọi cách để giảm thuế thu nhập và làm sao để phải đóng ít thế nhất có thể. Điều đó vô hình chung dẫn đến việc mua bán hóa đơn trái phép. Những vấn đề như trên đang rất nhức nhối với nhiều DN mà không phải DN nào cũng “kêu” ra”, ông Khoa thẳng thắn nói.
Tiếp tục đối thoại, nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn từ hai phía
Việt Nam đang phấu đấu thuộc nhóm đầu ASEAN về đầu tư môi trường kinh doanh và phấn đấu đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề cập tình trạng doanh nghiệp bị quá tải vì kiểm tra. Có doanh nghiệp ở Đồng Nai phản ánh một tháng bị thanh, kiểm tra đến 3 lần, hay doanh nghiệp ở địa phương khác một năm bị kiểm tra tới 12 lần.
Như để giải tỏa nỗi bức xúc bấy lâu nay của cộng đồng DN, ngay tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 20 quy định về thanh kiểm tra DN. Chỉ thị yêu cầu tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với DN; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN. Chỉ thị này đã thể hiện thông điệp đồng hành cùng DN, chính phủ vì DN và mọi nỗ lực để làm hài lòng DN.
Nhận định về nỗ lực cải cách TTHC của Chính phủ, đại diện Công ty FECON cho rằng, “để môi trường đầu tư kinh doanh có thể đi sâu vào thực chất thì Chính phủ cần tập trung làm tốt một cái trước, giải quyết từng cái một, khi đã có hướng và cách đi đúng mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn”, ông Khoa chia sẻ.
Cũng theo ông Khoa, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành cần tập trung giải quyết triệt để, xuyên suốt các vấn vấn đề còn tồn tại. Trước tiên, đó là thuế, sau đó đến các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp đến là các tồn tại về luật đất đai vì đất đai liên quan đến tất cả các hoạt động khác,… sẽ có rất nhiều việc phải làm.
“Đến nay thì Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đưa ra 8 chương trình hành động, Văn phòng Chính phủ cũng có 7 chương trình hành động cũng như VCCI đã có các kiến nghị rất cụ thể. Theo tôi, Chính phủ làm từng cái, cái nào ưu tiên trước làm trước và làm cho đến nơi và phải có lộ trình kiểm soát và có hạn định cho từng việc cụ thể”, ông Khoa “hiến kế”.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, cần phải có đối thoại, trao đổi mới hiểu rõ vấn đề, DN mới đồng thuận và ủng hộ những quyết sách của Chính phủ. “DN cần cụ thể, thiết thực để chi phí chính thức giảm, chi phí không chính thức cũng giảm, khỏi lỡ cơ hội kinh doanh, phải rất khẩn trương, không đủng đỉnh vì chúng ta vốn đã chậm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ông đưa ra ví dụ, muốn xếp thứ 4 ASEAN thuận lợi về thuế thì về CCHC phải đứng thứ 60-70, trong khi hiện Việt Nam xếp hạng 167.
Theo Phó Thủ tướng, phải điện tử hóa tất cả những dịch vụ công, vừa minh bạch vừa tránh tiêu cực. Thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến chắc chắn sẽ làm môi trường kinh doanh Việt Nam thông thoáng hơn nhiều.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ tiếp tục đổi mới, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, an toàn và hiệu quả. Thủ tướng cũng kêu gọi DN, bằng lòng yêu nước của mình cũng phải chủ động sáng tạo, đổi mới, có như vậy mới cải thiện được năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế tốt hơn.
Hiền Lê
Theo VCCI, kể từ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp được tổ chức ngày 29/4/2016, đến hết tháng 1/2017, VCCI đã tập hợp được 421 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, 320 kiến nghị được VCCI tập hợp và gửi tới các Bộ, ngành trả lời trước và sau hội nghị. Điều đáng mừng là hơn 90% kiến nghị đã được các bộ, ngành địa phương chủ động xử lý. Ngoài ra từ tháng 2/2017, VCCI cũng tập hợp thêm 188 kiến nghị mới và hy vọng các kiến nghị này sẽ được lắng nghe, xử lý trong dịp này.