Chỉ trong ít tháng nữa, những thùng nhiên liệu đầu tiên của Campuchia sẽ được khai thác sau nhiều năm trắc trở. Bất chấp những khó khăn tài chính và hoạt động bị hạn chế, KrisEnergy – công ty duy nhất được phép thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Campuchia có trụ sở ở Singapore – vừa cam kết sẽ bơm lên những thùng dầu đầu tiên cho Campuchia sau nhiều lần khởi đầu không thành và nhiều nỗ lực đều thất bại.
Theo tiết lộ của tờ “CapitalCambodia”, lô dầu đầu tiên do KrisEnergy khai thác sẽ đưa Campuchia vào hàng ngũ các quốc gia sản xuất dầu mỏ trên thế giới. Mặc dù Campuchia có thể chưa thấy ngay nguồn thu từ dầu mỏ vì lô dầu thô này sẽ được chuyển cho các công ty lọc dầu để lấy về các sản phẩm dầu tinh chế, nhưng danh hiệu “là một nước sản xuất dầu mỏ” thực sự tác động rất lớn đến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như kế hoạch điện khí hóa của quốc gia này.
Theo các nguồn tin có độ tin cậy cao từ KrisEnergy, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Lô A (hay còn gọi là Apsara) đã đạt được bước tiến triển và công ty sẽ sớm nhận được hợp đồng quyết định về cung cấp trang thiết bị, vận tải và hậu cần để đẩy mạnh hoạt động tại khu vực này.
KrisEnergy tiết lộ họ liên lạc rất thường xuyên với Chính phủ Hoàng gia Campuchia về những tiến triển trong kế hoạch thăm dò dầu khí tại Campuchia và họ tin tưởng rằng nước chủ nhà sẽ cho phép họ khai thác lô dầu dầu tiên trong những tháng tới. Tuy nhiên, thời điểm khai thác chính xác còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thời tiết và hoạt động logistics.
Tháng 7/2019, KrisEnergy thông báo hoạt động thăm dò địa chấn ba chiều (3D) trên diện tích 1.200 km2 tại Lô A đã được bên thứ ba hoàn thành đúng thời hạn. Kết quả cho thấy khu vực này an toàn và đảm bảo về môi trường để có thể khai thác dầu khí. Công ty Shearwater Geoservices Singapore Pte Ltd đã tiến hành thăm dò địa chấn bằng tàu chuyên dụng có tên SW Vespucci. Tàu nghiên cứu địa chấn SW Vespucci được đóng năm 2010 và hiện mang cờ Cộng hòa Czech.
KrisEnergy cũng cho biết kết quả thăm dò 3D trên diện tích khoảng 200 km2 Lô A do Geoservices Singapore thực hiện và cung cấp sẽ giúp cải thiện hình ảnh về đứt gãy địa chất và kết cấu của cát. Hình ảnh này sẽ tạo thuận lợi cho việc thiết kế đường cong của giếng dầu trước khi khoan hút những thùng dầu đầu tiên. Trong khi đó, kết quả thăm dò 2D trên gần 1.000 km2 còn lại về triển vọng của khu vực Tây Nam Lô A có thể cải thiện chất lượng dữ liệu liên quan đến xu hướng phát triển tại đây.
Lô A của Campuchia nằm ở Lòng chảo Khmer thuộc hải phận của nước này trong Vịnh Thái Lan. Khu vực này có nhiều đứt gãy chính là nơi hydrocarbon được tích trong vô số bể chứa.
KrisEnergy đã đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng để tiến hành giai đoạn đầu phát triển mỏ dầu Apsara – dự án phát triển dầu khí đầu tiên của Campuchia từ năm 2017 và kể từ đó đến nay đã vấp phải nhiều thách thức để có thể nhận hợp đồng chuyển trang thiết bị khai thác dầu khí đến đây sớm nhất vào cuối năm nay.
Nằm tại Lô A Campuchia trong Vịnh Thái Lan, giai đoạn 1A của dự án phát triển Apsara dự kiến sẽ sử dụng một giàn khoan đạt công suất khai thác lên tới 30.000 thùng chất lỏng mỗi ngày, gồm khí đốt, dầu mỏ và nước tách biệt. Theo thông cáo của KrisEnergy, số dầu này sẽ được chuyển qua đường ống dài 1,5 km về kho dự trữ và tàu chở hàng.
KrisEnergy là đơn vị khai thác dầu tại Lô A Campuchia và họ sẽ nhận 95% lợi nhuận, 5% còn lại thuộc về Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia đại diện cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
Lô A Campuchia có tổng diện tích 3.083 km2 thuộc Lòng chảo Khmer trong Vịnh Thái Lan với độ sâu của nước vào khoảng 50-80 m. Ở khu vực này, mỏ dầu có quy mô nhỏ và nằm trải dài, đòi hỏi mất nhiều vốn và thời gian để khai thác. Thêm vào đó, trữ lượng dầu tại đây còn chưa được kiểm chứng. Vì sự không chắc chắn liên quan đến khai thác dài hạn, trữ lượng và tính thương mại nên KrisEnergy rất thận trọng trong kế hoạch phát triển tại đây.
Một khi giai đoạn đầu tiên đi vào hoạt động và có thời gian kiểm chứng trữ lượng, KrisEnergy sẽ triển khai giai đoạn 1B, theo đó sẽ lắp đặt thêm 3 giàn khoan và trong giai đoạn 1C có thể bổ sung 6 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan hoạt động tại Lô A lên 10 giàn khoan.
Bất chấp những khó khăn tài chính, tháng 11/2018, KrisEnergy vẫn dành cho Keppel hợp đồng sửa và nâng cấp sà lan khoan dầu của SJ Production Barge Ltd – chi nhánh do KrisEnergy sở hữu toàn phần. Keppel đang đóng sà lan khoan dầu trị giá khoảng 22 triệu USD cho dự án của KrisEnergy tại Lô A Campuchia. Dự kiến, đơn hàng sẽ được giao trong quý IV năm nay. Sà lan này được lắp đặt mô đun phát điện và nhiều tiện ích khác. Khi lắp đặt hoàn tất, sà lan khoan dầu có thể xử lý 30.000 thùng chất lỏng mỗi ngày, trong đó bao gồm khí đốt, dầu và nước tách biệt.
Trang Nhung