Ngày 25/10/2020, WSJ đăng bài phân tích, theo đó tỷ lệ tiết kiệm ở nhiều quốc gia đã tăng vọt khi các chính phủ công bố các gói kích thích kinh tế hỗ trợ người dân. Sự bùng phát của COVID-19 thời gian qua đã buộc các hộ gia đình tăng mạnh tiết kiệm dự phòng và cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo, nền kinh tế có được thúc đẩy hay tiếp tục bị kìm hãm phục hồi lại phục thuộc nhiều vào việc các hộ gia đình có chịu đẩy mạnh mua sắm hay lại tiếp tục hạn chế chi tiêu.
Dữ liệu từ một số nước cho thấy sự phục hồi nhanh chóng đang phần nào diễn ra. Tại Mỹ, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã tăng lên mức kỷ lục 33,6% vào tháng 4/2020, song giảm xuống 14,1% tháng 8/2020, dù vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ 8,3% vào tháng 2/2020, trước khi đại dịch tấn công. Tại Nhật Bản, khảo sát sau khi Chính phủ tung gói cứu trợ cho người dân (950 USD/người) cho thấy, có tới 50% sẽ dành một phần cho tiết kiệm và sinh hoạt hàng ngày, 25% sẽ tiết kiệm toàn bộ. Tại Úc, tỷ lệ tiết kiệm đã tăng lên 19,8% trong quý 2/2020, so với 3,6% trong 03 tháng cuối 2019. Tại Canada, tỷ lệ tiết kiệm tăng lên 28,2% trong quý II/2020, so với 3,6% ở cuối tháng 12/2019.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chưa lạc quan với thông tin trên. Trưởng bộ phận KT tại RBC Capital Markets, Tom Porcelli cho rằng Chính phủ các nước có thể cố gắng và khuyến khích, song không thể ép buộc người dân chi tiêu. Trưởng bộ phận KT tại Commonwealth Bank Úc, Stephen Halmarick nhận định hiện rất khó để người dân tăng chi tiêu trong bối cảnh chưa thể xác định thời điểm có vaccine và cách để sống chung với virus. Việc tiết kiệm thu nhập do đó có ý nghĩa rất lớn với người dân. Dự đoán, tỷ lệ tiết kiệm có thể vẫn cao trong thời gian tới, nếu các Chính phủ cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính hơn và các hạn chế kinh doanh vẫn tiếp diễn. Điều này cũng sẽ giúp các nền kinh tế tích trữ được động lực cho tăng trưởng trong tương lai./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)