Tại cuộc họp ngày 22/3/2021 của Ủy ban về các Hiệp định Thương mại Khu vực (RTA), các Thành viên WTO đã xem xét Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu và Singapore và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Peru và Australia.
Hiệp định Thương mại Tự do EU-Singapore có hiệu lực vào ngày 21/11/2019. Theo Hiệp định này, EU sẽ loại bỏ thuế đối với hơn 99% số dòng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Singapore vào năm 2025 trong khi hàng nhập khẩu của Singapore từ EU đã hoàn toàn được miễn thuế khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, cả hai bên tham gia Hiệp định đã nhất trí cải thiện khả năng tiếp cận thị trường đối với thương mại dịch vụ và đầu tư so với các cam kết của họ trong Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) của WTO.
Tại cuộc họp Singapore cho biết Hiệp định tiêu chuẩn cao này đã giúp giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với thương mại song phương. Thương mại hàng hóa song phương EU-Singapore lên tới 90 tỷ đô la Singapore vào năm 2020, chiếm gần 10% tổng thương mại hàng hóa của Singapore trong năm 2020. EU cho biết Hiệp định này là một bước đệm hướng tới sự gắn kết nhiều hơn giữa hai nền kinh tế. EU cũng lưu ý rằng Hiệp định cung cấp thêm khả năng tiếp cận thị trường cho các dịch vụ bưu chính, viễn thông, vận tải hàng hải và dịch vụ máy tính và rằng Singapore là đối tác thương mại dịch vụ lớn thứ 5 của EU và là nước nhận đầu tư trực tiếp cao thứ 6 của EU. Một số thành viên phát biểu tại cuộc họp nhận xét về mức độ tự do hóa cao và ấn tượng trong Hiệp định này.
Các thành viên WTO cũng xem xét Hiệp định Thương mại Tự do Peru-Australia, có hiệu lực từ ngày 11/2/2020. Việc xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định sẽ được hoàn tất vào năm 2023 đối với Australia và năm 2029 đối với Peru. Australia và Peru sẽ duy trì thuế đối với lần lượt 12 và 48 dòng thuế sau khi thực hiện đầy đủ. Thương mại dịch vụ cũng được tự do hóa theo Hiệp định và có các điều khoản về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), cạnh tranh, môi trường và lao động.
Peru cho rằng việc thực hiện Hiệp định mang tính toàn diện và hiện đại này sẽ góp phần gia tăng đáng kể thương mại song phương và góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Hiệp định cũng giúp thúc đẩy các chuỗi giá trị giữa châu Mỹ và châu Á, đồng thời củng cố nền tảng pháp lý và mang lại nhiều lựa chọn hơn cho thương nhân và người tiêu dùng. Australia cho biết Hiệp định này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc và quy tắc của WTO và mang lại sự tự do hóa đáng kể trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra kết quả tham vọng hơn so với các hiệp định của WTO. Australia nhấn mạnh những lợi ích mà Hiệp định mang lại đối với các hàng hóa như len merino, kim loại cơ bản, nhiên liệu khoáng, giấy và dược phẩm, cũng như các dịch vụ như dịch vụ chuyên nghiệp, dịch vụ tài chính, viễn thông, dịch vụ y tế và du lịch. Một số thành viên phát biểu tại cuộc họp cũng đánh giá cao các bên về mức độ tự do hóa cao trong Hiệp định này.
Về các RTA khác, cuộc họp Ủy ban RTA của WTO cũng lưu ý rằng có 53 RTA vẫn chưa được thông báo cho WTO. Ngoài ra, hiện nay có 61 RTA liên quan đến các Thành viên WTO và 15 RTA liên quan đến các nước không phải là Thành viên cần phải chuẩn bị thuyết trình thực tế tại WTO, tính riêng hàng hóa và dịch vụ. Sự gia tăng số lượng các thuyết trình thực tế đang tồn đọng là do xuất hiện thêm các hiệp định thương mại mới giữa Vương quốc Anh và các đối tác của nước này sau khi Anh rút khỏi EU cũng như việc thiếu nhận xét và dữ liệu từ các Thành viên liên quan.
Tại cuộc họp, Argentina cũng có bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước Asunción về thành lập Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) (26/3/1991). Argentina cho biết trong 30 năm qua Khối Mercosur đã thúc đẩy tăng trưởng thương mại và tạo ra việc làm chất lượng cao hơn cho các thành viên. Đến nay gần 60 quốc gia đã có thỏa thuận hoặc tham gia đàm phán thương mại với Mercosur. Điều này khẳng định vai trò của Khối Mercosur trước những thách thức do môi trường quốc tế năng động hiện nay đặt ra.
(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)