Các thành viên WTO đánh giá cao thành tựu và đóng góp của Việt Nam vào hệ thống thương mại đa phương

0
69
(Internet)
(Internet)

Ngày 29/4/2021, WTO đã bế mạc Phiên Rà soát chính sách thương mại của Việt Nam lần thứ 2 tại WTO (Phiên TPR) cho giai đoạn 2013-2019. Phiên TPR diễn ra dưới hình thức trực tuyến, được khai mạc hôm 27/4/2021. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn Việt Nam, đồng chủ trì Phiên TPR từ đầu cầu Hà Nội đã có phát biểu, làm rõ thêm các nội dung mà hơn 40 đại diện các Thành viên nêu trực tiếp tại Phiên TPR.

Từ đầu cầu Geneva, tham dự tại trụ sở WTO có đồng chủ trì – Chủ tịch Cơ quan Rà soát chính sách thương mại (TPR), Đại sứ Athaliah Lesiba Molokomme (Botswana), Thảo luận viên của Phiên TPR, Đại sứ Monique Van Daalen (Hà Lan) và Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. Ngoài ra, nhiều đại diện các Thành viên và cán bộ Phái đoàn Việt Nam tham dự trực tuyến.

Sau khi kết thúc Phiên TPR, Ban thư ký WTO đã đưa thông điệp ghi hình của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trên trang xã hội của WTO (Facebook và Twister), trong đó Bộ trưởng thay mặt Chính phủ Việt Nam bày tỏ cảm ơn Ban thư ký WTO và các Thành viên đã đóng góp cho sự thành công của Phiên TPR. Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam luôn tin tưởng vào hệ thống thương mại đa biên công bằng và dựa trên luật lệ; luôn ủng hộ các sáng kiến cải cách WTO để tổ chức này trở nên bền vững và hoạt động hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy tự do hóa thương mại và phát triển kinh tế toàn cầu; khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục thúc đẩy cải cách gắn với thực hiện đầy đủ và tuân thủ các cam kết quốc tế, đồng thời là thành viên có trách nhiệm của WTO đóng góp vào thành công chung của hệ thống thương mại đa biên.

Trang xã hội của WTO cũng phát thông điệp ghi hình của Thảo luận viên Phiên TPR, Đại sứ Van Daalen, trong đó bà nhấn mạnh, hệ thống thương mại đa phương, các nguyên tắc và quy tắc của WTO đã đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo; sự phát triển kinh tế của Việt Nam chứng tỏ là một hình mẫu cho nhiều Thành viên; những kinh nghiệm của Việt Nam cũng là động lực góp phần thúc đẩy các sáng kiến cải cách WTO cũng như các đàm phán tiến triển.

Phát biểu bế mạc Phiên TPR[1], Chủ tịch Cơ quan Rà soát chính sách thương mại của WTO, nữ Đại sứ Athaliah Lesiba Molokomme (Bốt-xoa-na) và Thảo luận viên của Phiên TPR, nữ Đại sứ Monique Van Daalen (Hà Lan) đều khẳng định, các Thành viên đánh giá cao thành tựu của Việt Nam về kinh tế và thương mại và những tiến bộ đạt được trong việc xóa đói giảm nghèo thông qua tăng trưởng bền vững dựa vào xuất khẩu, đây là bước tiếp nối của chính sách Đổi mới được khởi xướng cách đây 35 năm.

Chủ tịch Cơ quan Rà soát chính sách thương mại của WTO nhấn mạnh, các Thành viên hoan nghênh Việt Nam đã tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về cách tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh thuận lợi trong lĩnh vực này. Các Thành viên ghi nhận rằng Việt Nam gần đây đã lọt vào nhóm 20 Thành viên có thương mại lớn nhất trong số các Thành viên WTO, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam sẽ duy trì chương trình cải cách, sự tham gia tích cực vào hệ thống đa phương và làm cho thương mại của mình trở nên bao trùm cho tất cả mọi người.

Khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam trước tác động của đại dịch COVID-19, được minh chứng bằng mức tăng trưởng GDP 2,9% vào năm 2020, cũng đã được ghi nhận. Các đại biểu bày tỏ quan tâm đến việc tìm hiểu các chính sách của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế; thông tin này được coi là hữu ích cho các Thành viên để phát triển các phương pháp hay nhất. Các Thành viên cũng quan tâm đến việc Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các Thành viên đánh giá cao đóng góp của Việt Nam vào hệ thống thương mại đa phương và hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại năm 2015 và việc sửa đổi Hiệp định TRIPS năm 2017 của WTO. Một số Thành viên đề xuất Việt Nam đưa ra các cam kết thực chất trong các cuộc đàm phán trợ cấp thủy sản đang diễn ra và đóng góp vào các kết quả của Hội nghị Bộ trưởng WTO (MC12) cuối năm nay. Việt Nam đang tham gia Sáng kiến ​​Tuyên bố chung về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Các Thành viên đề xuất Việt Nam xem xét tham gia các sáng kiến ​​khác trong WTO, chẳng hạn như về tạo thuận lợi đầu tư để phát triển, thương mại điện tử và quy định trong nước về dịch vụ.

Một số Thành viên lưu ý thông báo của Việt Nam còn thiếu hoặc không cập nhật trong một số lĩnh vực như hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu, thủ tục hải quan và định giá ; bày tỏ mong muốn vấn đề này được cải thiện.

Các Thành viên ghi nhận những cải thiện trong môi trường kinh doanh kể từ Phiên TPR lần thứ nhất (2013). Một số Thành viên bày tỏ lo ngại rằng việc cải cách cơ cấu vẫn chưa hoàn thiện và kêu gọi Việt Nam tiếp tục giảm các hạn chế, áp dụng các chính sách thuế dễ đoán định hơn, tăng tính minh bạch trong thủ tục hành chính và đơn giản hóa thủ tục thẩm định đối với các dự án đầu tư.

Một lĩnh vực sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ đã trở thành động lực chính thúc đẩy khả năng cạnh tranh thương mại của Việt Nam trong những năm gần đây. Các Thành viên nhấn mạnh rằng lĩnh vực dịch vụ cũng có thể tạo năng suất và tăng trưởng kinh tế bền vững. Ví dụ, việc mở rộng thương mại về thiết bị và máy móc ICT đã đi cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường viễn thông. Hơn nữa, Chính phủ tuyên bố quan tâm đến việc thúc đẩy và phát triển một thị trường thịnh vượng cho các dịch vụ liên quan đến ICT. Bên cạnh ghi nhận những phát triển tích cực này, một số Thành viên đã nêu quan ngại về những hạn chế tiềm ẩn trong dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy định về địa phương hóa dữ liệu và các yêu cầu hiện diện tại Việt Nam, có thể hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Liên quan đến ICT, một số Thành viên khuyến khích Việt Nam tham gia Hiệp định về Công nghệ thông tin (ITA) mở rộng của WTO.

Các Thành viên thừa nhận rằng các doanh nghiệp nhà nước vẫn có vai trò chủ yếu trong các lĩnh vực then chốt như ngân hàng, viễn thông và vận tải; đồng thời hoan nghênh khuôn khổ hợp tác công tư (PPP) được ban hành gần đây, đặc biệt là đối với phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Các Thành viên kêu gọi nới lỏng hơn nữa giới hạn vốn cổ phần nước ngoài trong các lĩnh vực có hạn chế, nhằm khai thác tối đa tiềm năng đồng thời mang lại cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Các Thành viên đã hoan nghênh Việt Nam áp dụng các quy chế hiện đại đối với mua sắm công và sở hữu trí tuệ, đồng thời ghi nhận các cam kết cao của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại khu vực gần đây. Một số ý kiến khuyến khích Việt Nam xem xét tham gia Hiệp định Mua sắm Chính phủ (GPA) của WTO. Các Thành viên cũng ghi nhận những nỗ lực gần đây của Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, đồng thời một số ý kiến khuyến khích Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trước sự nổi lên của nền kinh tế số.

Sự phát triển các sáng kiến ​​chính phủ điện tử tại Việt Nam, hiện đại hóa quản lý hải quan thông qua cơ chế một cửa quốc gia và thông quan điện tử cũng được các Thành viên hoan nghênh. Bên cạnh đó, một số Thành viên cho rằng cơ quan chức năng cần quan tâm hơn thúc đẩy đơn giản hóa và hợp lý hóa một số biện pháp biên giới, chẳng hạn như hạn ngạch thuế quan đối với các sản phẩm cụ thể, phương pháp định giá tham chiếu và xác định trị giá hải quan.

Các thành viên hoan nghênh Việt Nam cam kết hài hòa hóa các tiêu chuẩn quốc gia với các tiêu chuẩn quốc tế, bên cạnh đó, cũng có đề nghị Việt Nam tiếp tục tăng cường hài hòa hóa các tiêu chuẩn, đặc biệt là đối với các sản phẩm dược phẩm, cũng như xem xét lại việc thực hiện các tiêu chuẩn và quy định có thể gây trở ngại đối với thương mại.

Chủ tịch Cơ quan TPR của WTO cũng bày tỏ tin tưởng rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ xem xét các ý kiến ​​đóng góp mang tính xây dựng và các vấn đề cụ thể được nêu ra trong Phiên TPR này, khi Việt Nam tiếp tục điều chỉnh các chính sách thương mại và đầu tư với mục tiêu chính sách trở thành một nước phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045.

[1] Tin WTO tại https://www.wto.org/english/tratop_e/tpr_e/tp510_crc_e.htm

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here