Long An là một trong những địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tích cực hội nhập, nỗ lực thích ứng, linh hoạt chiến lược nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh và kết nối hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Với vị trí địa lý chiến lược, Long An giúp kết nối thông thương Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Long An còn là cửa ngõ quan trọng để thông thương giữa các địa phương Nam Bộ và là đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước.
Nhờ kết nối hiệu quả, Long An trở thành địa phương đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu, đứng trong tốp đầu các tỉnh, thành phố về kim ngạch thương mại. Các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh, chủ lực của tỉnh Long An đã đóng góp phần lớn vào thành công xuất khẩu của tỉnh bao gồm: nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, dệt may và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ.
Song song với đó, thời quan qua, tỉnh đã đón nhiều đoàn doanh nghiệp ở các nước vào tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương, xúc tiến xuất khẩu. Đến nay, tình hình thu hút đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Long An tiếp tục tăng và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, cung ứng hàng hóa giữa nhà cung cấp tỉnh Long An với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại là hoạt động hết sức có ý nghĩa và thiết thực.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, Long An là địa phương đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 về kim ngạch xuất khẩu, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Long An hiện có hơn 900 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hàng hóa của các doanh nghiệp đã xuất khẩu đến hơn 130 quốc gia và vùng, lãnh thổ trên thế giới.
Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng như thị trường Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến, hàng nông thủy sản.
Với tín hiệu phục hồi tích cực từ thị trường, các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp gia tăng, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Long An đã có những dấu hiệu khởi sắc. Dự báo, năm 2024 trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, tăng 8,69%; nhập khẩu đạt 5,4 tỷ USD, tăng 25,58% so với năm trước.
Để gặt hái được kết quả trên, theo Sở Công Thương tỉnh Long An, địa phương này đã thường xuyên tập trung theo dõi sát diễn biến của thị trường, cung cấp thông tin thị trường, giá cả, các quy định, các thay đổi chính sách nhập khẩu của các nước, đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để tận dụng cơ hội, nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường.
Bên cạnh đó, Sở tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khuyến công, xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường tiêu thụ mới, nhất là các thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; chú trọng xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm.
Trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Long An đến năm 2030, UBND tỉnh Long An định hướng phát triển đa dạng các loại thị trường, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể; tập trung giữ vững các thị trường truyền thống, duy trì phát triển với các thị trường mà tỉnh Long An có hợp tác như Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật, Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc, tăng cường xuất khẩu theo hợp đồng thương mại.
Để hoàn thành mục tiêu đó, Long An sẽ duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực truyền thống có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao. Phát triển sản phẩm, thương hiệu sản phẩm hàng hóa dịch vụ phù hợp đáp ứng yêu cầu từng loại thị trường.
Ngoài ra, địa phương ưu tiên phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ mới, vật liệu mới, công nghệ xanh, cơ hội đa dạng hóa cao (điện tử, cơ khí, chế tạo, tự động, phần mềm…) làm nền tảng cho tăng trưởng xuất khẩu trong dài hạn.
Khánh Ly