Giá dầu rớt thẳng đứng là đòn giáng mạnh lên thị trường tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi, khiến các ngân hàng trung ương phải đắn đó biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng vốn đã suy yếu do dịch Covid-19.
Một cổ hai tròng
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNBC, ông Cedric Chehab, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu và rủi ro quốc gia tại công ty nghiên cứu vĩ mô Fitch Solutions cho rằng, các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi đang ở thế khó, vừa phải đối mặt với làn sóng bán tháo các khoản đầu tư bằng nội tệ, vừa phải xoay sở cứu tăng trưởng kinh tế.
“Do vậy, Các ngân hàng trung ương phải làm gì? Họ phải hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng hay tăng lãi suất để giữ giá đồng tiền của mình? Tôi cho rằng rất nhiều ngân hàng trung ương sẽ lâm cảnh “tiến thoái lưỡng nan khi ra quyết định”, Chehab nói.
Nguyên nhân khiến giá dầu lặn sâu xuống 30 USD/thùng trong phiên giao dịch 9/3 là do thỏa thuận cắt giảm sản lượng tuần trước giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga thất bại. Trong đó, Nga từ chối tiếp tục cắt giảm sản lượng. Ngay sau đó, Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đã hạ giá dầu mỏ giao dịch và lên kế hoạch tăng sản lượng lên 10 triệu thùng/ngày vào tháng tới. Saudi Arabia hiện giữ công suất khoảng 9,7 triệu thùng/ngày và có thể kích công suất lên tới 12,5 triệu thùng/ngày.
Chuyên gia Fitch Solutions cho rằng những biến động vừa xong trên thị trường dầu mỏ “báo hại” đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi có liên quan tới giao dịch dầu mỏ như Mexico và Nga, cũng như các nền kinh tế có thâm hụt tài khóa và thâm hụt tài khoản vãng lai như Indonesia.
Đồng đô la Mỹ hôm 9/3 đã tăng giá hơn 6% so với đồng rúp của Nga, hơn 4% so với đồng peso của Mexico và gần 1% so với đồng rupiah của Indonesia.
Đòn kép lên thị trường dầu mỏ
Điều đáng ngại là sự suy yếu của thị trường dầu mỏ và đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi xuất hiện đúng vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang hứng chịu sự tàn phá của dịch Covid-19.
Một vài ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất để giảm sốc cho nền kinh tế trước tác động của dịch bệnh.
Theo Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại công ty phân tích dữ liệu ClipperData (Mỹ), nhu cầu dầu mỏ của các nước bị chặn đứng do dịch bệnh cộng với động thái tăng sản lượng của Saudi Arabia là cú giáng kép lên thị trường dầu mỏ. “Trước mắt, dường như chúng ta sẽ không đón nhận được tin tốt hơn trừ khi điều này (giá dầu sụt giảm) kéo Nga hoặc Saudi Arabia trở lại bàn đàm phán”, Smith bình luận.
Các nhà phân tích khác cho rằng giá dầu sụt giảm khiến các nhà nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc và Ấn Độ đặc lợi và tăng cường mua vào tích trữ. Vishnu Varathan, trưởng bộ phận chiến lược và kinh tế tại ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cảnh báo giảm giá dầu mỏ không phải “liều thuốc chữa bách bệnh” cho những thách thức mà nền kinh tế đang đối mặt.
Dẫn chứng cho quan điểm này, chuyên gia Varathan cho rằng Ấn Độ là ví dụ điển hình. Theo chuyên gia này, thông thường giá dầu sụt giảm sẽ giúp đồng rupee mạnh lên và thị trường chứng khoán “thở phào”, nhưng quy luật này sẽ không xảy ra khi “mọi người đang lo ngại về cú sốc cầu”.
Trên thực tế, đồng đô la Mỹ gần như không biến động so với đồng rupee của Ấn Độ trong khi hai chỉ số lớn trên thị trường chứng khoán Ấn Độ gồm Sensex và Nifty 50 giảm gần 4% trong phiên giao dịch 9/3.
(baodautu.vn)