Các mục tiêu phát triển bền vững có thể giúp khu vực Bắc và Trung Á cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương phục hồi tốt hơn sau khủng hoảng

0
150
(https://unctad.org/)
(https://unctad.org/)

Theo bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP), khủng hoảng Covid-19 gây ra mối đe dọa chưa từng có đến sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể đảo ngược các tiến bộ đã đạt được trong những năm vừa qua; để vượt qua thách thức do Covid-19 gây ra, tất cả phải cùng chung tay khôi phục kinh tế sau đại dịch và nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) vào năm 2030; các mục tiêu này sẽ là kim chỉ nam giúp tất cả mọi người ở mọi nơi vượt qua khủng hoảng nhanh hơn và xanh hơn.

Báo cáo tiến trình thực hiện SDG của khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2021 do ESCAP phát hành ngày 16/03 chỉ ra khu vực đã không đạt được các mốc quan trọng năm 2020 trong việc thực hiện các mục tiêu, ngay cả trước khi có đại dịch. Trong thập niên trước, khu vực đã đạt được bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực y tế và dân sinh (Mục tiêu số 3). Điều này lý giải cho sự thành công tương đối của khu vực trong việc giảm thiểu tác động về sức khỏe mà đại dịch Covid-19 gây ra cho người dân. Mặc dù đã nỗ lực đạt nhiều thành tựu, khu vực phải đối mặt với nhiều thách thức như đào tạo đủ đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe, giảm các ca chết non và tăng cường sức khỏe tâm thần.

Trong khi đó, dù có nhiều tiến triển trong nhiều mục tiêu, các nước Bắc và Trung Á vẫn cần nỗ lực gấp đôi để đảo chiều các tác động tiêu cực. Tỷ lệ dân số trong tiểu vùng bị tác động bởi khủng hoảng an ninh lương thực vừa và nghiêm trọng là khoảng 17% và có xu hướng gia tăng trong những năm vừa qua. Khu vực Bắc và Trung Á cũng cần đảo ngược các chỉ số bất bình đẳng trong giáo dục, bình đẳng giới trong lực lượng lao động và tuân thủ các quyền lao động.

Trong quá trình thực hiện khôi phục sau đại dịch, phát triển kinh tế phải tính đến bảo vệ môi trường và những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội (Mục tiêu số 9, số 13 và số 14) để giúp khu vực tiến nhanh hơn. Đại dịch Covid-19 chính là lời cảnh báo tiếp theo cho việc sản xuất và tiêu dùng không bền vững, gây ra áp lực quá tải đối với hệ sinh thái. Việc bảo tồn thiên nhiên hoang dã và hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng giúp ngăn chặn các đại dịch khác trong tương lai và việc truyền dịch bệnh từ các loài động vật sang con người. Theo các nghiên cứu gần đây của Liên Hợp Quốc, không có mục tiêu nào là không chịu tác động từ đại dịch. Chẳng hạn, mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” có rủi ro cao khó thực hiện. Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra cũng có thể dẫn đến việc giảm đầu tư vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Khi xây dựng các biện pháp khôi phục sau đại dịch, chúng ta có cơ hội để suy nghĩ lại về các lựa chọn hướng phát triển phù hợp. Khi bước vào Thập niên Hành động tiến tới thực hiện Chương trình nghị sự 2030, chúng ta cần củng cố cam kết chung đối với các SDG và coi đó là la bàn để cùng nhau khôi phục tốt hơn và xanh hơn.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here