Tuần từ 16/10/2017, các công ty dầu lửa hàng đầu thế giới sẽ họp tại London. Một trong những nội dung chính của Hội nghị là bàn cách tăng mức cầu khí hóa lỏng (LNG) của các nước tiêu thụ mặt hàng này.
Thách thức mới đối với các công ty năng lượng hàng đầu thế giới như Royal Dutch Shell PLC, Total SA, Cheniere Energy, BP PLC, Chevron Corp, Exxon Mobile Corp là làm sao đẩy mức tiêu thụ LNG lên, trong khi mức cung đang tăng mạnh, giá sụt giảm. Chính vì vậy, các nhà sản xuất khí, khí hóa lỏng đang tìm cách phát triển các nhà máy điện và hạ tầng có sử dụng khí hóa lỏng tại các thị trường như Nam Phi, Việt Nam, Myanmar … Theo đó, các công ty năng lượng gần như phải đáp ứng toàn bộ các giải pháp (từ bán khí đến xây dựng hạ tầng sử dụng khí hóa lỏng).
Giá LNG hiện chỉ bằng một nửa của thời đỉnh điểm năm 2014, với giá bán vận chuyển đến khu vực Châu Á chỉ khoảng 8,70 đô la trên một triệu BTU (British thermal units). Theo tính toán của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu sử dụng khí ga tăng bình quân 1,5%/năm từ nay đến năm 2040, trong khi đó nhu cầu về dầu lửa tăng 0,4%/năm.
Từ năm 2016 đến năm 2020, lượng khí hóa lỏng bán ra sẽ khoảng 350 triệu tấn một năm. số lượng các nước nhập khẩu LNG đã tăng từ 17 nước lên 40 nước trong vòng một thập kỷ qua. Hãng Total cho biết hãng cung cấp cho Myanmar và Nam Phi khí hóa lỏng và xây dựng hạ tầng kể cả nhà máy điện sử dụng LNG. Total và Shell còn hợp tác với nhaụ xây dựng cơ sở cung cấp LNG tại Bờ Biển Ngà nhằm thúc đẩy khu vực Bờ Tây sử dụng nhiều khí ga hơn nữa. Đầu năm nay, Malta đã nhập LNG để thay thế dầu chạy cho một nhà máy điện.
Thách thức khác cho các công ty năng lượng đó là với những quy định về bảo vệ môi trường, LNG được chú trọng hơn, nhưng hiện có rất ít cảng biển trên thế giới có điều kiện để nhập được khí hóa lỏng.
Tin từ TLSQVN tại Houston (theo The Wallstreet Journal)