Khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt mức thuế cao ngất ngưởng đối với xe điện Trung Quốc, nước này nhận thấy mối quan hệ thương mại đang trên đà phát triển với châu Âu bước vào thời điểm quan trọng.
Ngày 4/10, đại diện các nước thành viên EU đã bỏ phiếu thông qua bản dự thảo cuối của phán quyết chống trợ cấp đối với xe điện, chủ yếu là xe nhập khẩu từ Trung Quốc. Cuộc bỏ phiếu này nêu bật lập trường khác nhau của EU về vấn đề này, với 10 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 12 phiếu trắng.
Mức thuế cuối cùng bao gồm 7,8% đối với Tesla, 17% đối với BYD, 18,8% đối với Geely và 35,3% đối với SAIC, còn các nhà sản xuất xe điện khác đang bị điều tra mà không được lấy mẫu riêng lẻ phải đối mặt với mức thuế chung 20,7%. Trong khi mức thuế nhập khẩu ô tô tiêu chuẩn của châu Âu là 10%, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu lên tới 45%.
Ủy ban châu Âu đã khởi xướng cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc vào cuối năm 2023 và công bố mức thuế tạm thời vào tháng 7 năm nay. Việc áp dụng mức thuế cuối cùng này nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán và can dự cấp cao giữa Trung Quốc và EU, diễn ra từ tháng 5, vẫn chưa thể giúp giảm thiểu căng thẳng. Đáng chú ý, mức thuế cuối cùng chỉ cho thấy mức giảm khiêm tốn khoảng 1-2 điểm phần trăm so với mức thuế được đề xuất trong bản dự thảo hồi tháng 8.
Ngày 9/10, Trung Quốc công bố thuế chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh của châu Âu, đánh dấu sự leo thang chính thức trong tranh chấp thuế quan giữa hai bên. Để dự đoán các diễn biến tiềm ẩn và cung cấp thông tin chiến lược cho mục đích phân tích học thuật và lập kế hoạch kinh doanh, cần đánh giá các bước tiếp theo và công cụ chính sách sẵn có của cả EU lẫn Trung Quốc, khi cuộc xung đột thương mại này diễn ra.
Bắc Kinh bất chấp các thách thức?
Nỗ lực mở rộng xuất khẩu NEV của Trung Quốc đòi hỏi cách tiếp cận theo hướng tiếp tục, đặc biệt là khi tranh chấp thuế quan NEV với EU gần như không thể tránh khỏi. Tình trạng căng thẳng này bắt nguồn từ những thay đổi kinh tế gần đây ở cả hai bên. Trung Quốc đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp và dư thừa công suất dai dẳng, buộc nhiều nhà sản xuất ô tô nội địa phải theo đuổi xuất khẩu để giảm bớt sức ép trong nước. Trong khi đó, ở EU, sự suy thoái trong lĩnh vực ô tô và sự gia tăng cạnh tranh quốc tế buộc khối này phải áp dụng thêm nhiều chính sách bảo hộ thương mại.
Ở Trung Quốc, mặc dù chính phủ gần đây đã triển khai nhiều biện pháp kích thích khác nhau – bao gồm nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương và triển khai các sáng kiến hỗ trợ thị trường nhằm thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư – nhưng các vấn đề về cấu trúc tiếp tục cản trở kinh tế phục hồi hoàn toàn. Niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn thấp, dẫn đến hành vi chi tiêu thận trọng. Bối cảnh này đã ảnh hưởng đến ngành NEV, dù tăng trưởng thị trường ở mức vừa phải trong năm 2023 vẫn khó có được lợi nhuận.
Theo dữ liệu tháng 7 của Hiệp hội ô tô khách Trung Quốc, thị trường NEV đã chứng kiến tăng trưởng vào năm 2023, nhưng đa số các nhà sản xuất đều báo cáo thua lỗ. Biên lợi nhuận trong ngành ô tô đã giảm 3,7% kể từ năm 2015, và tình trạng dư thừa công suất tiếp tục ảnh hưởng đến ngành này. Trong 4 tháng đầu năm 2024, biên lợi nhuận trong nước của ngành chỉ đạt 4,6% – mức thấp nhất trong 7 năm qua.
Các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang có dấu hiệu căng thẳng. Ví dụ, SAIC, công ty giữ danh hiệu nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc trong 18 năm liên tiếp, đã báo cáo doanh thu nửa đầu năm 2024 giảm 12,8% và lợi nhuận ròng giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước – một kết quả gây bất ngờ. Trong một tuyên bố thẳng thắn vào ngày 10/5, Ngụy Kiến Quân (Wei Jianjun), Chủ tịch tập đoàn Great Wall Motor (GWM), thừa nhận rằng tổn thất của ngành xe điện đã gia tăng vào năm 2023. Ông cảnh báo cạnh tranh gay gắt có thể tiếp diễn trong 3 năm tới và những khoản lỗ kéo dài có thể làm suy yếu sự phát triển dài hạn của ngành xe điện.
Dữ liệu cũng chỉ ra tình trạng phân tầng mới xuất hiện trong ngành ô tô Trung Quốc. Vì thị trường ngày càng bão hòa và biên lợi nhuận thu hẹp, nên nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có lẽ phải chật vật tìm cách tồn tại và có thể sẽ rời khỏi thị trường trong tương lai gần.
Trong bối cảnh nhu cầu trong nước giảm và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc mở rộng sang thị trường nước ngoài là nhu cầu thiết yếu đối với ngành ô tô Trung Quốc. Chính phủ nước này ngày càng nhận ra rằng việc đưa NEV ra thị trường quốc tế không chỉ giải quyết vấn đề dư thừa công suất trong nước, mà còn đóng vai trò là công cụ chiến lược để vượt qua giai đoạn khó khăn và củng cố niềm tin của công chúng.
NEV được giới lãnh đạo Trung Quốc xem là trụ cột mới cho tăng trưởng kinh tế. Quan trọng hơn, trong bối cảnh tách rời công nghệ khỏi thị trường nước ngoài, Chính phủ Trung Quốc đang nhấn mạnh NEV là yếu tố then chốt của tiến bộ công nghệ quốc gia và nâng cấp công nghiệp, thành tựu chiến lược cần quảng bá trên trường quốc tế. Báo cáo công tác chính phủ năm 2024 của Trung Quốc đã 5 lần đề cập đến NEV, nhấn mạnh các mục tiêu như “củng cố và mở rộng vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong ngành công nghiệp NEV thông minh và kết nối” cũng như “thúc đẩy ngành công nghiệp NEV thông minh và kết nối”. Do đó, bất chấp sức ép thuế quan từ châu Âu và Mỹ, các nhà sản xuất NEV Trung Quốc buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu, được thúc đẩy bởi sự kết hợp phức tạp giữa động lực kinh tế và động lực chính trị.
Các lựa chọn chính sách của Trung Quốc trong bối cảnh EU bất ổn
Trung Quốc nhanh chóng đáp trả chính sách thuế quan của EU bằng việc công bố các biện pháp chống bán phá giá đối với rượu cognac do EU sản xuất, động thái có khả năng tác động đến một số nhà sản xuất rượu mạnh của Pháp. Tuy nhiên, động cơ chính đằng sau phản ứng này của Trung Quốc dường như bắt nguồn từ nhu cầu giữ thể diện. Bất chấp các hoạt động ngoại giao cấp cao như chuyến thăm của Thủ tướng Tây Ban Nha tới Trung Quốc và Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào (Wang Wentao) tới châu Âu, EU vẫn tiếp tục áp thuế cao đối với các sản phẩm Trung Quốc. Điều này gây sức ép buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải đưa ra phản ứng trực tiếp.
Tuy vậy, Trung Quốc rõ ràng không muốn châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn diện với EU. Thứ nhất, trong bối cảnh các nỗ lực kích thích kinh tế trong nước chưa mang lại kết quả đáng kể, việc Trung Quốc gây căng thẳng trong mối quan hệ với một đối tác thương mại quan trọng như vậy sẽ là hành động thiếu khôn ngoan. Thứ hai, việc Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng có thể báo trước sự xấu đi của quan hệ thương mại Mỹ-Trung cũng như sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu. Trong bối cảnh này, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tìm cách tránh làm leo thang căng thẳng không cần thiết với EU.
Cuối cùng, Trung Quốc vẫn lo ngại rằng EU có thể tăng cường hơn nữa các biện pháp hạn chế đối với NEV của Trung Quốc, nhất là khi các công ty như BYD hay Đông Phong (Dongfeng) đang cân nhắc đầu tư vào EU và các khu vực lân cận, như Thổ Nhĩ Kỳ, để tránh thuế quan. Đã có những cuộc thảo luận trong nội bộ EU về việc hạn chế các khoản đầu tư mới của Trung Quốc hoặc mở rộng thuế quan đối với phụ tùng ô tô để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và giải quyết mối lo ngại về an ninh dữ liệu. Điều này cho thấy EU vẫn có trong tay một số công cụ kiềm chế khác, nên mối lo ngại của Trung Quốc về khả năng leo thang hơn nữa là chính đáng.
Xét tới động cơ của Trung Quốc và bối cảnh ra quyết định hiện nay, có thể nói cách tiếp cận chủ yếu của Trung Quốc sẽ bao gồm cả việc tiếp tục đàm phán với EU nhằm ngăn chặn tình trạng thuế quan leo thang hay các biện pháp hạn chế được mở rộng sang lĩnh vực đầu tư. Sau cuộc trao đổi thẳng thắn và chân thành với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) hôm 11/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chia sẻ với hãng thông tấn AFP rằng Trung Quốc phải điều chỉnh hành vi để giải quyết tranh chấp thuế quan ngày càng gay gắt với EU, đồng thời cảnh báo rằng tình hình có thể leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Trong bối cảnh này, Bộ Thương mại Trung Quốc có thể tiếp tục các nỗ lực bền bỉ nhằm tăng cường giao tiếp với các bên liên quan của EU và tìm ra các biện pháp thỏa hiệp khả thi, như chương trình “giá tối thiểu” cho xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù hãng tin Reuters đưa tin hôm 8/10 rằng Brussels đã bác bỏ đề xuất của Trung Quốc về việc áp giá tối thiểu 30.000 euro cho xe điện sản xuất tại nước này, nhưng Trung Quốc có thể vẫn hướng tới đàm phán nhượng bộ thêm. Dựa trên các cuộc đàm phán trước đó giữa Trung Quốc và EU về việc nhập khẩu tấm pin mặt trời, mà cuối cùng đưa ra hạn ngạch nhập khẩu và thỏa thuận giá tối thiểu, Trung Quốc có thể tìm kiếm những đột phá tương tự cho NEV trong dài hạn.
Do đó, các cuộc đàm phán ngoại giao và kinh tế vẫn sẽ là chiến lược cốt lõi, với việc Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC), và Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc cùng tham gia các cuộc đối thoại nhiều cấp nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp. Mặc dù EU ít có khả năng đưa ra các nhượng bộ lớn, nhưng các nỗ lực ngoại giao bền bỉ có thể giúp điều chỉnh phản ứng của EU.
Ví dụ, chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Tây Ban Nha – người đã thay đổi lập trường kể từ khi tái đắc cử hồi tháng 7 – đến Trung Quốc cho thấy nước này có thể tìm thấy cơ hội tận dụng khả năng tiếp cận ngoại giao như vậy. Trung Quốc cũng có thể cân nhắc nới lỏng một số hạn chế đối với các khoản đầu tư trong lĩnh vực quan trọng, mang lại cho EU cơ hội trao đổi nhằm xoa dịu tranh chấp về NEV, ví dụ như trao cho EU quyền tiếp cận lớn hơn tới các thị trường như thị trường thiết bị y tế cốt lõi để đổi lấy sự nhượng bộ trong lĩnh vực ô tô.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội hiện tại để mở rộng đầu tư mới trên khắp châu Âu, với mục tiêu thiết lập chỗ đứng trước khi EU có thể áp đặt các hạn chế đầu tư. Tháng 9/2023, nhà máy năng lượng châu Âu của công ty sản xuất xe điện NIO ở Pest, Hungary, đã chính thức đi vào hoạt động. Tháng 1 năm nay, BYD đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất NEV ở thành phố Szeged, Hungary. Các công ty SAIC, Changan Automobile và Great Wall Motors cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy ở châu Âu. Mặc dù các cuộc thảo luận về việc thắt chặt các quy định giám sát đầu tư mới đang được tiến hành, nhưng các biện pháp kiểm soát đầu tư trên khắp EU khó có thể được thực hiện ngay lập tức vì thời gian xây dựng chính sách kéo dài.
Tháng 1 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã công bố Gói an ninh kinh tế châu Âu, trong đó đề xuất rằng các quốc gia thành viên EU cần đưa các khoản đầu tư mới – chẳng hạn các cơ sở kinh doanh mới – vào phạm vi đánh giá đầu tư nước ngoài. Bản dự thảo này được công khai để đón nhận ý kiến đóng góp từ công chúng trong nửa đầu năm 2024. Các phản hồi cho thấy nhiều người trong EU vẫn thận trọng về việc áp dụng các biện pháp kiểm soát đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên diện rộng, và một số người còn đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc có thêm các công cụ mới. Hầu hết cho rằng chỉ nên áp dụng các hạn chế đối với những giao dịch mới và đang được tiến hành, chứ không phải các khoản đầu tư sẵn có. Phản hồi này cho thấy các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn có thể theo đuổi các khoản đầu tư vào châu Âu trước khi những thay đổi về quy định được hoàn tất.
Ngoài ra, sau khi cân nhắc lợi ích tiềm tàng của việc chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, nhiều quốc gia thành viên EU vẫn có thể tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc. Bằng cách nhanh chóng hành động, các nhà sản xuất NEV của Trung Quốc có thể tránh được các khoản thuế quan mang tính trừng phạt và củng cố sự hiện diện trên thị trường châu Âu bằng cách nắm bắt cơ hội chóng vánh này trước khi các quy định sửa đổi bắt đầu có hiệu lực.
Nếu EU áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn về thuế quan và sàng lọc đầu tư, thì Trung Quốc có thể thận trọng cân nhắc các biện pháp trả đũa hạn chế để bảo vệ quyền lợi và khẳng định vị thế của mình. Tuy nhiên, các biện pháp trả đũa này có lẽ vẫn khiêm tốn về quy mô. Trước tiên, Trung Quốc có thể áp đặt mức thuế tạm thời đối với các mặt hàng tiêu dùng cao cấp đến từ EU. Ví dụ, Trung Quốc có thể áp thuế bổ sung đối với dòng xe cao cấp có công suất động cơ lớn, gây ảnh hưởng đến các thương hiệu ô tô cao cấp của châu Âu và hỗ trợ các mục tiêu môi trường trong nước bằng cách khuyến khích chuyển đổi sang NEV. Trung Quốc cũng có thể cân nhắc mở rộng phạm vi thuế quan đối với các mặt hàng tiêu dùng khác của EU, như rượu vang cao cấp và mỹ phẩm, vốn có nhu cầu cao tại thị trường Trung Quốc. Việc tăng giá có thể gây ra một số biến động trên thị trường, tạo thêm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán.
Trung Quốc cũng có thể hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu thô quan trọng cần thiết cho ngành NEV ở EU, bao gồm kim loại đất hiếm, lithium và coban – những lĩnh vực Trung Quốc vẫn giữ vị trí thống lĩnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những nguyên liệu này đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất pin xe điện, và các biện pháp hạn chế xuất khẩu có thể làm tăng đáng kể chi phí chuỗi cung ứng cho các công ty EU. Tuy nhiên, sau khi xem xét hệ quả quốc tế tiềm tàng của những biện pháp này, Trung Quốc có thể sẽ thực hiện chúng một cách thận trọng.
Ngoài ra, các rào cản phi thuế quan có thể đóng vai trò là biện pháp đáp trả thay thế. Trung Quốc có thể tăng cường kiểm tra chất lượng và đánh giá mức độ an toàn của các sản phẩm từ EU, đặc biệt trong những ngành quan trọng đối với nền kinh tế khối này như thực phẩm và nông nghiệp. Các mặt hàng của EU như sữa, rượu và thịt có nhu cầu cao ở Trung Quốc, và việc đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về quản lý có thể làm giảm khả năng thâm nhập thị trường của những mặt hàng này, từ đó gây tổn hại đến vị thế thương mại của EU. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng có thể điều chỉnh thời gian xử lý thủ tục, gián tiếp làm gia tăng chi phí cho các sản phẩm của EU nhập vào Trung Quốc bằng cách kéo dài quy trình thông quan.
Nhìn chung, các biện pháp đối phó của Trung Quốc đối với EU có khả năng sẽ được điều chỉnh, tránh để tranh chấp hiện tại leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện. Mặt dù những hành động này có thể tạm thời hạn chế đầu tư và xuất khẩu của EU, nhưng cách tiếp cận của Trung Quốc hướng đến việc thiết lập sự cân bằng nhằm giảm thiểu tác động kinh tế trong nước và đưa ra tín hiệu cho thấy quyết tâm của nước này.
Trần Quyên