Theo báo cáo, hơn 80 nước và lãnh thổ hải quan đang áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế xuất khẩu, trong đó, chỉ có 13 nước (hoặc 39 nước nếu tính riêng các nước thành viên EU) gửi thông báo về các biện pháp hạn chế định lượng và 3 trong số này gửi thông báo về các biện pháp hạn chế xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp theo qui định. Các biện pháp này áp dụng chủ yếu đối với các mặt hàng y tế như khẩu trang, thuốc, máy thở và các thiết bị y tế khác, ngoài ra một số biện pháp áp dụng đối với thực phẩm và giấy vệ sinh. Mặc dù Điều XI của Hiệp định GATT 1994 cho phép các nước áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu tạm thời nhằm khắc phục sự khan hiếm trầm trọng về lương thực hoặc các mặt hàng thiết yếu khác, WTO cảnh báo rằng các biên pháp này có thể làm thiếu hụt hàng hóa đối với nước nhập khẩu, về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đối với nước xuất khẩu như giảm động lực sản xuất trong nước, sự chênh lệch giá trong và ngoài nước sẽ tạo ra làn sóng buôn lậu hàng ra nước ngoài…, đồng thời gây ra hiệu ứng domino tại nhiều nước khác.
Báo cáo cũng cho biết WTO hiện đối mặt với vấn đề thiếu minh bạch và bất ổn do các nước không thông báo về các biện pháp đang và sẽ áp dụng, gây khó khăn cho các nước khác điều chỉnh kế hoạch mua sắm hoặc tìm kiến các nguồn cung. Việc này đặc biệt ảnh hưởng đến việc các nước tìm kiếm nguồn hàng cần thiết phục vụ ứng phó với đại dịch Covid 19. Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các nước hạn chế tối đa áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cường minh bạch, thông báo WTO về các biện pháp liên quan đến thương mại đang áp dụng trong phòng chống đại dịch./.
(Phái đoàn Việt Nam tại Genever)