Bước đột phá về kinh tế thương mại Việt – Trung năm 2017

0
113
Thông quan ở Cửa khẩu Tân Thanh
Thông quan ở Cửa khẩu Tân Thanh

Năm 2016 đánh dấu mốc tăng trưởng mạnh của hoạt động kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc với con số thống kê đạt gần 88 tỷ USD. Đánh giá về quan hệ thương mại Việt – Trung năm 2016 và triển vọng phát triển trong những năm tới, PV đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Tỏa Cầm – Tham tán Kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật về kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2016?

Năm 2016, trên lĩnh vực hợp tác kinh tế thương mại hai nước đã thu được kết quả rất đáng khích lệ. Trước tiên phải kể đến là hoạt động thương mại giữa hai nước tăng trưởng ổn định; xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc tăng vọt. Theo thống kê của phía Trung Quốc, tính đến tháng 11 năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đạt 87,84 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại chính giữa Trung Quốc và bạn hàng khối ASEAN giảm mạnh, thì không phải dễ dàng để hai nước chúng ta duy trì được tốc độ tăng trưởng thương mại này.

Điều đặc biệt đáng nói là giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 32,96 tỷ USD, tăng trưởng mạnh tới 20,8%, thâm hụt thương mại giảm 31%. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không theo đuổi thặng dư thương mại, mà chủ trương đồng thời với việc cùng nhau thúc đẩy phát triển thương mại song phương thì luôn duy trì sự phát triển cân bằng thương mại.

Nguyên nhân gốc rễ của sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước nằm ở sự khác biệt trình độ phát triển kinh tế và cơ cấu công nghiệp. Tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ hai nước, dưới tác động của thị trường, thương mại hai nước sẽ tiếp tục phát triển ổn định và lành mạnh.

Thứ hai, tăng trưởng đáng kể trong đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Theo thống kê của phía Việt Nam, tính đến 11 năm 2016, tổng vốn thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là 1,32 tỷ USD, tăng 112,7% so với cùng kỳ năm trước. Xếp thứ 4 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (trước đó 2 tháng Trung Quốc xếp thứ 6). Tính đến nay, tổng số các dự án Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam là 1.529 dự án, với số vốn thỏa thuận là 10,14 tỷ USD, là nguồn vốn lớn thứ tám của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Nhiều dự án với quy mô và chất lượng lớn đã được thực hiện, ví như tại tỉnh Bắc Giang, Tập đoàn JA Solar Group đã đầu tư giai đoạn đầu 280 triệu USD, phía Việt Nam góp vốn 100 triệu USD để sản xuất pin năng lượng mặt trời.

Hiện nay, khu công nghiệp Vân Trung tỉnh Bắc Giang đã và đang chuẩn bị đẩy đủ các điều kiện để trở thành “Thung lũng hợp tác năng lượng mới Việt  – Trung”. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng rất hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào tỉnh này và bày tỏ sẵn sàng phát huy lợi thế vị trí địa lý để tỉnh này trở thành “cửa ngõ” đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam luôn cam kết cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Việt Nam với những ưu thế về đất đai, nguồn lực lao động, hội nhập quốc tế, nhân dịp này tôi cũng xin đề đạt lên Chính phủ Việt Nam hãy tạo thuận lợi hơn nữa cho những nhà đầu tư có đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế kinh tế – xã hội Việt Nam, thu hút nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, từ đó tạo ra doanh thu thuế, việc làm ở Việt Nam, đồng thời mang lại kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến.

Thứ ba, thủ tục thông quan thương mại biên giới giữa hai nước đã được cải thiện đáng kể. Năm 2016, dưới sự nỗ lực chung của các ban ngành hữu quan hai nước, hai bên đã tái ký kết “Hiệp định thương mại biên giới Việt – Trung”. Điều này đã giúp hai bên quy chuẩn hóa thêm một bước thúc đẩy hơn nữa thương mại biên giới. Đồng thời, cơ bản giải quyết vấn đề ùn tắc hàng hóa nông sản của doanh nghiệp và người dân vùng biên gặp phải tại cửa khẩu trong nhiều năm qua. Năm nay, không thấy các phương tiện truyền thông có các bài báo phản ánh tiêu cực về vấn đề ách tắc thông quan hàng hóa nông sản.

Tháng 4 năm 2016, sau khi đồng chí Bành Thanh Hoa – Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Sở Thương mại Quảng Tây thực hiện 6 biện pháp cụ thể, bao gồm kéo dài thời gian thông quan, mở thêm luồng xanh thông quan, thiết lập cửa khẩu chuyên môn, xây mới bến bãi, hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục, đã giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp hai nước gặp phải tại cửa khẩu như trước đây. Lãnh đạo Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các ban ngành khác của Việt Nam đã đánh giá cao việc này.

Người dân làm công việc sản xuất, kinh doanh nông sản vốn đã không dễ dàng, vì vậy phía Trung Quốc luôn quan tâm tới đời sống dân sinh, cam kết bất kỳ người dân bình thường nào cũng được hưởng lợi từ việc hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt – Trung mang lại.

Ông có dự kiến thế nào về kim ngạch thương mại song phương trong năm 2017 với mục tiêu 100 tỷ USD?

Năm 2013, Thủ tướng Lý khắc Cường và Thủ tướng đương nhiệm khi đó là Nguyễn Tấn Dũng đã cùng nhau đặt ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch thương mại song phương trong năm 2017 là 100 tỷ USD. Theo thống kê của phía Trung Quốc, tính đến tháng 11 năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đã đạt gần 88 tỷ USD. Từ năm 2010 đến nay, biểu đồ tăng trưởng kinh tế thương mại Việt – Trung luôn duy trì tốc độ cao, hàng năm trên dưới 20%.

Trong năm 2016, kinh tế thế giới và kinh tế của Trung Quốc chịu áp lực suy thoái, nhưng hai nước Việt – Trung vẫn duy trì đà tăng trưởng kinh tế thương mại. Theo đà tăng trưởng thương mại hàng tháng hiện nay, năm nay chúng ta có hy vọng sẽ gần đạt mục tiêu kim ngạch kinh tế thương mại mà lãnh đạo Chính phủ hai nước đã đề ra từ năm 2013. Sang năm 2017, chúng ta hoàn toàn có niềm tin kinh tế thương mại Việt – Trung sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Đầu tư của Việt Nam vào Trung Quốc hiện nay còn rất khiêm tốn, nhưng phía Trung Quốc cũng rất hoan nghênh Việt Nam đầu tư sang Trung Quốc, nhất là đầu tư vào Khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Trong năm 2017, Phòng Tham tán kinh tế thương mại sẽ có những hoạt động gì để thúc đẩy kinh tế thương mại giữa hai nước?

Theo thống kê từ phía Trung Quốc, tính cả những năm trước đây, đến tháng 9 năm 2016, Việt Nam đầu tư vào Trung Quốc 518 dự án, với số vốn thỏa thuận hợp tác là 120 triệu USD. Thực tế những năm gần đây, tuy số lượng các dự án Việt Nam đầu tư vào Trung Quốc tăng rất nhanh, nhưng so với tiềm năng và hiện trạng phát triển hợp tác kinh tế thương mại Việt – Trung thì còn chưa tương xứng.

Nguyên nhân có thể kể đến là các doanh nghiệp Việt Nam không quen thuộc thị trường Trung Quốc, và truyền thông Việt Nam đưa tin về thị trường Trung Quốc tương đối ít.

Trong những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, với chính sách đầu tư minh bạch, môi trường đầu tư được bảo đảm. Phía Trung Quốc hoan nghênh và chào đón các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào đầu tư tại Khu kinh tế qua biên giới. Ví dụ như hãng sữa Hà Nội Milk đầu tư vào khu ngoại quan Bằng Tường của Trung Quốc gần đây đã thu được nhiều tiến triển tích cực.

Những năm gần đây, Hà Nội Milk là doanh nghiệp luôn nỗ lực thâm nhập thị trường Trung Quốc với các sản phẩm sữa chất lượng cao. Năm 2016, doanh nghiệp này đầu tư xây dựng nhà máy tại khu ngoại quan Bằng Tường tỉnh Quảng Tây, trở thành doanh nghiệp sản xuất sữa đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc. Chính quyền thị trấn Bằng Tường đã giành nhiều ưu đãi về chính sách và hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp này. Tôi tin rằng sắp tới sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường Trung Quốc, cùng chia sẻ những thành quả cải cách mở cửa của Trung Quốc mang lại.

Đối với năm 2017 và tương lai của hợp tác kinh tế và thương mại Việt – Trung, tôi cho rằng, vấn đề mấu chốt là “có quy hoạch, bắt tay hợp tác”. Trong buổi gặp gỡ báo chí do ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức hôm 19 tháng 12 vừa qua, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết, hiện nay, hai nước Việt – Trung cần phải đoàn kết mật thiết hơn bao giờ hết. Hai nước cùng thể chế vận mệnh, cần bắt tay tiến lên, cùng nhau vượt qua khó khăn. Đồng thời, tôi cho rằng, hai nước Việt – Trung có điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế thương mại.

Năm 2017, chúng tôi xem xét ưu tiên thực hiện các công việc trọng điểm sau:

Một là, nỗ lực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển hai nước. Đầu tháng 11 năm 2015, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được nhận thức chung kết nối chiến lược phát triển về sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và quy hoạch “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” không phải là sáng kiến độc tôn của Trung Quốc, mà là “bản hợp tấu” của các quốc gia dọc tuyến. Là Trung Quốc với lợi thế phát triển của mình cùng với các nước dọc tuyến tìm kiếm các kế hoạch phát triển chung, chia sẻ những thành quả phát triển.

Việt Nam là một trong hơn 60 quốc gia dọc tuyến nhất trí biểu thị ủng hộ sáng kiến “Một vành đai, một con đường” chính là nhìn thấy được sự phát triển của Trung Quốc có thể mang lại cơ hội cho chính mình, cùng chia sẻ những thành quả phát triển của Trung Quốc.

“Hai hành lang, một vành đai kinh tế” là chiến lược hợp tác hai nước do phía Việt Nam đưa ra từ năm 2002, nhằm thông qua đầu tư và hợp tác thương mại giữa hai nước tại Vùng kinh tế Bắc Bộ từng bước hình thành hành lang kinh tế Tây Bắc, Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ thông thương với thị trường Trung Quốc, thúc đẩy kinh tế các tỉnh thành dọc tuyến Vịnh Bắc Bộ của hai nước phát triển, cuối cùng là nâng cao trình độ phát triển của kinh tế miền Bắc Việt Nam.

“Một vành đai, một con đường” chú trọng vào việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng kết nối, sản xuất, hợp tác sản xuất và Khu vực hợp tác kinh tế qua biên giới, phù hợp hơn với “Hai hành lang, một vành đai”.

Hai là, thực hiện kết quả các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Thúc đẩy phát triển mối quan hệ giữa hai nước thì các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước là quan trọng nhất. Mỗi lần lãnh đạo cấp cao hai nước thăm viếng lẫn nhau đều hình thành hàng loạt văn kiện kết quả hợp tác kinh tế thương mại. Những văn kiện này chính là thúc đẩy và làm sâu sắc thêm kim chỉ nam hợp tác kinh tế thương mại song phương. Do đó cần phải tiếp tục giải quyết các khó khăn để thực hiện tốt các cam kết, tạo ra một diện mạo mới, động lực mới cho sự hợp tác kinh tế thương mại Việt – Trung.

Ba là, thực hiện quy hoạch hợp tác kinh tế thương mại song phương. Hai bên đã ký kết “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại”, đã ký biên bản ghi nhớ triển khai hợp tác năng lực sản xuất và hợp tác cơ sở hạ tầng, cùng bản ghi nhớ danh sách các dự án trọng điểm. Trong giai đoạn tiếp theo, hai bên cần thực hiện tốt các công việc trên, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Bốn là, đẩy nhanh việc xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt – Trung. Năm 2017, hai nước Việt – Trung sẽ tập trung vào việc thúc đẩy xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, quyết tâm trong năm hoàn thành công tác đàm phán, thúc đẩy khu hợp tác kinh tế qua biên giới trở thành một mô hình hợp tác kinh tế và thương mại song phương.

Năm là, gây dựng nền tảng hợp tác công nghiệp trọng điểm. Hiện nay, dưới tác động của kinh tế thị trường, phương diện hợp tác sản xuất Việt – Trung đang từng bước tập trung vào ít nhất ba ngành nghề trọng điểm. Đó là: Khu hợp tác sản xuất năng lượng mới tại tỉnh Bắc Giang, lấy sản xuất quang điện là hạt nhân, trở thành cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất của doanh nghiệp Trung Quốc tại nước ngoài; Khu hợp tác sản xuất truyền thống lấy KCN Vĩnh Hưng và các trung tâm trọng điểm ven biển làm cơ sở, bao gồm hơn 10 tổ máy với 60 triệu KW do Trung Quốc chế tạo, cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế của Việt Nam; Nền tảng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tích hợp thì lấy khu công nghiệp Long Giang và khu hợp tác kinh tế thương mại Thâm Quyến – Hải Phòng làm trung tâm. Hiện nay, khu công nghiệp Long Giang đã trở thành dự án đầu tư thực tế quy mô lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, tổng mức đầu tư là 1,1 tỷ USD, tạo ra 8.000 việc làm. Khu hợp tác kinh tế thương mại Thâm Quyến – Hải Phòng có diện tích gần 200 héc-ta, với tổng mức đầu tư 170 triệu USD, và đã được khởi công xây dựng tại huyện An Dương, Hải Phòng hôm 09/12/2016.

Sáu là, tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời với việc mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam, phía Trung Quốc sẽ tăng cường giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cho tất cả các ngành nghề. Năm 2015, thông qua hợp tác thương mại đã đào tạo 333 học viên Việt Nam đến Trung Quốc học tập trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, nông lâm nghiệp, y khoa. Trong 5 năm trở lại đây, thông qua kênh hợp tác thương mại, Trung Quốc đã đào tạo giúp Việt Nam 1.500 học viên đến Trung Quốc học tập. Trong 3 năm tới, Phòng Kinh tế Thương mại ĐSQ Trung Quốc tại Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam để đưa 1.000 học viên Việt Nam đến Trung Quốc đào tạo.

Vậy có biện pháp nào nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại về cơ chế, chính sách quản lý thương mại của hai nước nhằm tái cân bằng cán cân thương mại hai nước trong thời gian tới, thưa ông?

Cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương đã rất đầy đủ. Cơ chế hợp tác cấp Bộ có Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại song phương trong khuôn khổ Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung. Dưới cơ chế này còn có cơ chế hợp tác cấp Cục, Vụ hợp tác thương mại biên giới và qua biên giới. Đồng thời, bộ phận kiểm tra chất lượng hai bên, các tỉnh biên giới cũng có cơ chế liên lạc thường xuyên. Do đó, cơ chế chính sách có liên quan đến hợp tác kinh tế thương mại song phương là rất đầy đủ. Vấn đề cốt yếu ở đây là phải thực hiện tốt các cơ chế này.

Phía Trung Quốc trước sau luôn cam kết thúc đẩy phát triển cân bằng thương mại song phương. Lấy ví dụ ngành dệt may, quy mô xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 26 tỷ USD. Nhưng ngành công nghiệp phụ trợ lại tương đối lạc hậu, do đó, cần phải nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm trung gian từ Trung Quốc sau đó gia công và xuất khẩu đi thị trường Âu-Mỹ.

Phía Trung Quốc xuất khẩu cho Việt Nam các thiết bị máy móc và nguyên phụ liệu có giá trị tương đối cao, đã bù đắp các thiếu hụt đồng bộ trong quá trình phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày một tăng của Việt Nam. Đồng thời, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc không còn chỉ đơn thuần là nông sản và các sản phẩm giá trị gia tăng thấp, mà các mặt hàng kỹ thuật cao mới như máy tính, sản phẩm điện tử cũng đang chiếm tỷ lệ tăng nhanh. Đây là kết quả của việc Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài và tham gia sâu toàn cầu hóa.

Điều tôi nhấn mạnh, mất cân bằng cán cân thương mại Việt – Trung xảy ra bởi sự phát triển nhanh chóng của thương mại song phương. Tôi tin tưởng rằng, vấn đề này sẽ được giải quyết cùng với từng bước phát triển của kinh tế thương mại hai nước trong thời gian tới. Năm nay, biểu đồ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cao hơn nhiều so với biểu đồ tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc đã nói lên một phần giải quyết vấn đề cân bằng cán cân thương mại. Cơ quan chủ quản thương mại của hai Chính phủ đã có nhận thức sâu sắc toàn diện về vấn đề này.

Tôi tin chắc rằng trong tương lai gần, cán cân thương mại hai nước Việt Nam – Trung Quốc nhất định sẽ được phát triển cân bằng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Quang Vững (thực hiện)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here