Bức tranh kinh tế tạo “nhiều cảm xúc” của Malaysia

0
2727
Kinh tế Malaysia vẫn cần cải cách toàn diện.

Mặc dù Chính phủ Malaysia đã có nhiều điều chỉnh chính sách để lèo lái nền kinh tế đi đúng “đường ray” nhưng về căn bản, nền kinh tế nước này vẫn cần cải cách toàn diện bởi nền tảng chính sách tồn tại nhiều thập kỷ đã không còn phù hợp và khó có khả năng biến đưa Malaysia tới một chu kỳ phát triển khác, tươi sáng hơn.

Kinh tế Malaysia vẫn cần cải cách toàn diện.

Thay đổi chính sách

Nền kinh tế Malaysia đã mở rộng 4,7% trong năm 2018, nhưng tăng trưởng kinh tế lại ở mức chậm, khoảng 5,9% từ năm 2017. Ở trong nước, đã có một cuộc cải tổ chính sách kinh tế sau khi chính phủ thay đổi bất ngờ vào tháng 5/2018. Ngay sau khi nhậm chức, chính phủ mới đã loại bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ – nguồn thu chính của chính phủ trước đó và cũng đình chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng.

Sự thay đổi trên có những tác động tích cực nhất định đến nền kinh tế Malaysia như thúc đẩy tiêu dùng tư nhân, nhưng ở một khía cạnh khác, sự thay đổi này khiến lĩnh vực đầu tư bị hạn chế. Chính sách loại bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ là một ưu đãi cho người tiêu dùng và kiềm chế lạm phát dưới 1%, giảm mạnh so với mức cao gần 3,8% trong năm 2017. Lạm phát ở mức thấp giúp tiêu dùng tư nhân vẫn sẽ là động lực tăng trưởng GDP của Malaysia. Nỗ lực kiềm chế giá nhiên liệu đã góp phần khiến lạm phát âm trong hai tháng đầu năm 2019. Bên cạnh đó, giá hàng hóa ổn định là nhân tố giúp mang lại nhiều tiềm năng cho ngành xuất khẩu Malaysia nhưng tình hình lại trở nên xấu đi khi vướng phải chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và sự sụt giảm giá dầu trong nửa cuối năm 2018.

Khi Chính phủ không chú trọng đến đầu tư, kết cấu đầu tư của Malaysia trở nên yếu hơn trước. Trong tương lai, rủi ro đối với tăng trưởng GDP cũng bắt nguồn từ nhu cầu đầu tư yếu. Việc đình chỉ liên tục các dự án công cộng khiến đầu tư vào trung hạn giảm. Hiệu quả đầu tư cũng có chiều hướng đi xuống rõ rệt. Mặc dù Malaysia có tỷ lệ đầu tư trung bình 25,5% trong những năm gần đây (giai đoạn 2012-2018), cho thấy sự cải thiện lớn so với mức trung bình của một thập kỷ trước là 24,2% (giai đoạn 2002-2008) nhưng tăng trưởng GDP bình quân giảm xuống còn 5,1% so với mức 5,8% cùng kỳ.

Quản lý nợ quốc gia

Trong kiểm soát nợ, chính phủ Malaysia cũng đang có những bước triển khai mạnh tay, theo đó không loại trừ khả năng tiếp tục bán các loại tài sản của chính phủ, bao gồm cả đất, để giữ nợ quốc gia ở mức có thể quản lý được.

Thủ tướng Malaysia Mohamad Mahathir vừa qua cho biết chính phủ đã nhận thấy khả năng giảm nợ đáng kể từ việc thanh lý các tài sản của chính phủ hiện đang được thực hiện. Theo đó, Malaysia đã bán siêu du thuyền Equanimity cho tập đoàn Genting Malaysia với giá 126 triệu USD. Du thuyền này được cho là mua từ Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB) và Chính phủ Malaysia bán du thuyền này để thu hồi tiền cho ngân sách.

Quỹ 1MDB là quỹ đầu tư do cựu Thủ tướng Najib Razak sáng lập năm 2009 với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Malaysia thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện quỹ này đang là trung tâm của vụ bê bối tham nhũng và rửa tiền, gây thất thoát 3,7 tỷ USD, dẫn đến một loạt cuộc điều tra ở Malaysia và các nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Trung Quốc…

Trong nỗ lực cắt giảm khoản nợ quốc gia ở mức khoảng 250 tỷ USD, Thủ tướng Mahathir đã chỉ đạo xem xét lại nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn được ký kết dưới thời cựu Thủ tướng Najib. Ngày 26/1 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Mohamed Azmin Ali cho biết nước này phải hủy bỏ dự án đường sắt kết nối bờ biển phía Đông do lãi suất quá cao. Theo Bộ trưởng, chính phủ ước tính nếu tiếp tục dự án này, mỗi năm Malaysia phải chi trả khoảng 500 triệu ringgit (hơn 120 triệu USD) tiền lãi suất, vượt quá khả năng của chính phủ trong điều kiện tài chính hiện tại.

Nhưng vẫn phải cải cách toàn diện

Cải cách kinh tế là điều mà người dân Malaysia đang hy vọng ở chính phủ mới để đưa đất nước này phát triển lên một tầm cao mới. Đất nước này sẽ khó có thể thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và có được một sự tăng trưởng bao trùm xã hội nếu tiếp tục tìm cách khắc phục trong ngắn hạn những vấn đề của chính sách kinh tế hiện hành.

Một loạt các đề xuất đang được đưa ra, trong đó có việc minh bạch hơn trong quá trình ra quyết định để xây dựng một nền kinh tế tri thức. Khung chính sách hiện tại của Malaysia bắt nguồn từ Chính sách kinh tế mới (NEP) năm 1970. NEP đã thành công trong việc xây dựng hệ thống tầng lớp trung lưu lớn cho Malaysia, có kỹ năng và tự tin về bản sắc của mình. Nhưng nền tảng chính sách này đã tồn tại nhiều thập kỷ và khó có khả năng biến đưa Malaysia tới một chu kỳ phát triển khác, tươi sáng hơn.

Trước hết, việc đưa ra chính sách ở các cấp độ cần phải công khai và giám sát hiệu quả. Bên cạnh đó, việc cải cách các tập đoàn liên kết với chính phủ (GLCs) cũng vô cùng cần thiết khi các GLC đang tràn ra khu vực tư nhân, làm giảm tính năng động của nền kinh tế. Các GLC có thể hoạt động tốt trên lý thuyết, nhưng lại kém hiệu quả trong thực tế. Cạnh tranh giữa các GLC và các công ty tư nhân về bản chất là không công bằng và có hại cho tăng trưởng chung. Các GLC làm suy yếu sự năng động kinh tế bằng cách mua các đối thủ cạnh tranh tư nhân hiệu quả hơn. Trước mắt, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước một cách minh bạch là cần thiết cho hiệu quả kinh tế và tạo ra bình đẳng về thu nhập.

Cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng là Malaysia cần đa dạng hóa và mở rộng hệ thống ngân hàng. Cấu trúc độc quyền của khu vực tài chính cũng tác động tiêu cực tới hiệu quả kinh tế và tạo ra sự bất bình đẳng thu nhập bằng cách ngăn chặn hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã tạo ra sức ép khiến các ngân hàng nhỏ ở Malaysia buộc phải sáp nhập thành 10 ngân hàng lớn vào năm 2000. Hành động này khiến các công ty đầu tư nhà nước trở thành cổ đông kiểm soát ở hầu hết các ngân hàng thương mại, tạo ra sự độc quyền ngân, tình trạng chậm chạp trong việc áp dụng các phương thức thanh toán tốt hơn và cung cấp các sản phẩm tài chính mới.

Hà Phương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here