Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được Trung Quốc thực hiện từ thập kỷ trước đang cạnh tranh với Hành lang kinh tế Ấn Độ, Trung Đông, châu Âu (IMEEC) – hành lang kinh tế mới do Mỹ đề xuất, kết nối Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và một số quốc gia châu Âu.
Lập trường chống phương Tây của Trung Quốc đã tạo ra nhiều mối đe dọa mới cho thế giới, dẫn đến việc hình thành các liên minh.
Sự trỗi dậy, cùng với tham vọng dẫn đầu quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và chính trị toàn cầu của Trung Quốc đã trở thành những yếu tố gây rối loạn lớn. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá bỏ trật tự toàn cầu vốn có đã chuyển dịch mối quan hệ quốc tế cùng chung sống và hòa bình theo hướng phức tạp hơn – một khái niệm mà người Trung Quốc gọi là “chung sống hòa bình và thịnh vượng chung”.
Khi thế giới hướng tới một cơ cấu quyền lực lưỡng cực, hai sáng kiến – BRI và IMEEC – đóng vai trò như một nghiên cứu điển hình để hiểu rõ hơn về lý thuyết chuyển giao quyền lực và sự hoài nghi ngày càng tăng của Mỹ đối với Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc đã dàn xếp một cách tinh tế các tham vọng chính trị của nước này nhằm chấm dứt tình trạng “rối loạn” hiện tại và thiết lập một trật tự thế giới “có cấu trúc”, trong đó Mỹ vẫn là cực duy nhất. Để thách thức Mỹ, Trung Quốc đang tranh giành vị trí dẫn đầu trong thương mại tự do và thống trị thị trường. Câu trả lời của Trung Quốc trước “sự rối loạn” phương Tây do Mỹ dẫn đầu thể hiện rõ ràng quá trình chuyển giao quyền lực đang diễn ra trong quan hệ quốc tế.
Ngay trước khi Trung Quốc thành công trong việc đảm bảo “dòng chảy tự do và có trật tự của các yếu tố kinh tế”, bước đi đầu tiên để thách thức quyền bá chủ của phương Tây do Mỹ dẫn đầu là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lặp lại tuyên bố Trung Quốc bước vào chu kỳ phản công và tái cơ cấu chiến lược, khi khởi động BRI vào năm 2013.
Những thay đổi trong động lực quyền lực toàn cầu này đang gây ra những xung đột và thay đổi đáng kể trong quan hệ quốc tế.
Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc nổi lên là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với GDP ước tính hơn 17 nghìn tỷ USD. Tăng trưởng toàn cầu mong manh và động lực thương mại sôi động đã tạo cho Trung Quốc một cái cớ để định hướng lại trật tự quốc tế. Mặt khác, Trung Quốc quyết tâm thực hiện quy định các điều khoản và điều kiện thương mại với bên ngoài, đồng thời sử dụng của cải tích lũy được để tăng cường khả năng phòng thủ.
Các ước tính gần đây của SIPRI cho thấy Trung Quốc chi hơn 250 tỷ USD cho quốc phòng. Trung Quốc cũng đã thành lập các tổ chức tài chính song song, như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á, thành lập các nhóm liên minh mới như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và gần đây đã mở rộng BRICS, đồng thời đóng vai trò môi giới cho các thỏa thuận giữa các quốc gia như Saudi Arabia và Iran.
BRI của Trung Quốc, được thiết kế để kết nối Trung Á, Tây Á và các khu vực khác trên thế giới, là một trong những thách thức quan trọng nhất đối với quyền bá chủ của Mỹ. Người Trung Quốc đã xây dựng các hệ quả tất yếu, các câu chuyện về sự biến đổi và tính toàn diện xung quanh các dự án BRI mà không nhận ra rằng chúng cũng có tính thống trị, cố chấp và độc quyền như các lực lượng loại trừ do phương Tây do Mỹ lãnh đạo.
Kể từ nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump, sự hoài nghi của Mỹ về sự trỗi dậy và sức mạnh toàn cầu gia tăng của Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng. Do đó, chủ nghĩa bảo hộ, biện pháp tự vệ thương mại dẫn đến chiến tranh thương mại, gọi Covid-19 là “vi-rút Trung Quốc”, sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) và việc hình thành các nhóm mới như Quad và AUKUS đã phản ánh rõ quan điểm của Mỹ.
Những người ủng hộ lý thuyết chuyển giao quyền lực có thể coi IMEEC như một đối trọng với BRI của Trung Quốc. Kể từ khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã được hưởng vị thế bá quyền duy nhất và như lịch sử cho thấy, nước này khó có thể từ bỏ yêu sách của mình nếu không sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để duy trì hiện trạng. IMEEC đại diện cho chiến lược của bá quyền hiện tại nhằm bảo vệ phạm vi ảnh hưởng của mình và ngăn chặn cường quốc đang lên là Trung Quốc mở rộng hơn nữa. IMEEC tập hợp một số đồng minh truyền thống của Mỹ, chẳng hạn như Saudi Arabia và các đối tác mới hơn, như Ấn Độ, những nước đã từ chối tham gia BRI do lo ngại về chủ quyền.
Việc IMEEC bắt đầu ở khu vực láng giềng của Trung Quốc nhấn mạnh nền chính trị quyền lực hiện nay trong hệ thống quốc tế. Mỹ đang áp dụng các chiến lược tương tự như Trung Quốc để duy trì vị thế siêu cường của mình.
Trong khi BRI và IMEEC có chung các mục tiêu là tăng cường kết nối và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, IMEEC có thể có khả năng thành công cao hơn với điều kiện Mỹ và các đối tác đảm bảo nguồn tài chính sẵn có. Điều này là do bản chất dân chủ của Mỹ, khu vực tài chính tương đối minh bạch và sự tin tưởng mà nước này vẫn nhận được từ hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Ngược lại, BRI đã phải đối mặt với các cáo buộc về ngoại giao bẫy nợ, lãi suất không được tiết lộ và thâm hụt niềm tin, ngay cả giữa các quốc gia láng giềng.
Ấn Độ không đồng ý với các giải pháp thay đổi trật tự thế giới của cả phương Tây và Trung Quốc vì cho rằng cả hai đều có lợi cho việc xây dựng “các vương quốc quyền lực” riêng của họ. Theo thời gian, trật tự thế giới bao gồm cả Ấn Độ đã trở nên đa nguyên hơn trên toàn cầu; ngược lại, chiến lược của Trung Quốc và Mỹ phản ánh bẫy Thucydides.
Chu Văn