Ngày 29/3, Thủ tướng Anh Theresa May đã kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon, chính thức khởi đầu cho cuộc “chia tay” giữa nước Anh và Liên minh Châu Âu (EU).
Một trong những nội dung chính của các cuộc thảo luận là về vai trò trung tâm tài chính của Châu Âu mà các thành phố lớn như Paris, Frankfurt, Amsterdam và Dublin đang “tranh giành”.
Lợi ích được cho là khổng lồ với hơn 30 tỷ USD thu nhập sẽ được đem ra đàm phán giữa hai bờ eo biển Manche và 75.000 việc làm trong ngành tài chính tại London có thể bị bắt buộc phải trở về với EU.
Hai điểm đến nổi bật là Frankfurt (Đức) và Dublin (Ireland). Nhiều ngân hàng đã lựa chọn trụ sở mới tại trung tâm thủ đô của Ireland với lý do gần gũi về ngôn ngữ và môi trường thuế cùng môi trường luật pháp tương đồng với nước Anh.
Vốn là nơi đặt trụ sở Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), Frankfurt đang được xây dựng hình ảnh như một trung tâm thương mại của tương lai.
Chiến dịch sẽ tập trung vào các hoạt động thương mại của các ngân hàng trong EU.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có duy nhất một thủ đô được hưởng lợi nhờ sự chuyển giao chính thức, đó là trường hợp của Paris với hơn 1.000 vị trí của ngân hàng của HSBC. Và thủ đô của nước Pháp chắc chắn sẽ không tự loại mình ra khỏi cuộc đua.
Tại Paris, người ta có thể tìm thấy hơn 100 ngân hàng cùng các nhà quản lý tài sản đến từ khắp các lục địa. Tuy nhiên, các thủ đô của EU có nguy cơ không có nhiều ưu thế như dự kiến.
Nhiều khả năng quy mô thực tế của các vụ di chuyển sẽ hạn chế hơn rất nhiều so với con số hứa hẹn về hàng nghìn việc làm được ước tính trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào năm 2016.
Richard Gnodde, một quan chức thuộc Goldman Sachs cho biết, lãnh đạo nhiều ngân hàng có tầm ảnh hưởng lớn vẫn cho rằng London sẽ tiếp tục đóng vai trò là một trung tâm quan trọng ở cả cấp khu vực và toàn cầu.
Ngân hàng hàng đầu của Mỹ này cũng tiết lộ vào giai đoạn này, khoảng 100 chỗ làm của Goldman Sachs sẽ bị ảnh hưởng bởi Brexit.
Họ cũng sẽ xây dựng cho mình một trụ sở mới tại London, giống như Deutsche Bank cũng mới thông báo kế hoạch thuê địa điểm mới tại thủ đô nước Anh từ năm 2023 trong thời hạn 25 năm.
Nhằm tránh các vấn đề nảy sinh, Ủy ban Châu Âu (EC) đang nỗ lực tăng cường sức thu hút kinh tế toàn diện của EU với tư cách là thị trường chung khi mà mới chỉ có 7% người Châu Âu đã từng sử dụng một sản phẩm hay một dịch vụ tài chính do một nước khác ngoài Châu Âu cung cấp.
Mới đây, EC đã giới thiệu một kế hoạch hành động để xóa bỏ các rào cản quốc gia, đồng thời dành 3 tháng tham vấn nhằm tìm mô hình cho các hoạt động liên quan đến công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính (FinTech), một loại hình không còn bị trói buộc bởi hộ chiếu Châu Âu giống như các dịch vụ thanh toán trước đây./.
Kim Chung (TTXVN/Vietnam+)