Cho đến thời điểm hiện nay, người dân Venezuela đã chứng kiến đồng tiền nội tệ bolivar bị mất giá mạnh, giá cả hàng hóa tăng cao, đồng lương dần trở nên vô giá trị và các thông tin tiêu cực về giá dầu liên tục xuất hiện khắp nơi và trên các phương tiện truyền thông. Đối với người dân Venezuela, điều họ quan tâm nhất hiện nay không phải là Covid-19, dịch bệnh đã khiến 2,6 triệu người nhiễm và gần 200.000 người tử vong trên thế giới; ngày tận thế đối với họ chính là khi phải đối mặt với các khó khăn về kinh tế. Trong bối cảnh dịch bệnh, cuộc sống của người dân Venezuela ngày càng bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện nhanh chóng của 04 tác động tiêu cực đã làm gia tăng cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước này: đồng nội tệ mất giá, lạm phát, tiền lương thấp và giá dầu giảm mạnh.
1. Đồng bolivar bị đồng đô la Mỹ đánh bại: Kể từ ngày 13/3 cho đến nay, đồng bolivar đã mất giá 260% so với đồng đô la Mỹ. Mặc dù đồng bolivar đã trải qua sự mất giá nhanh chóng trong quá khứ, tuy nhiên theo quan điểm của các nhà kinh tế Venezuela, sự suy giảm hiện tại là sự phản ứng ở mức độ nào đó đối với sự không chắc chắn của thị trường tiền tệ trong bối cảnh dịch bệnh. Ngày càng nhiều người dân Venezuela chọn cách chuyển đổi thu nhập ít ỏi của mình sang đô la Mỹ để cố gắng đảm bảo giá trị tích lũy, điều này làm tăng nhu cầu giao dịch ngoại tệ và đồng đô la Mỹ đã trở thành tài sản được người dân dự trữ nhiều hơn trong những tuần gần đây.
2. Lạm phát: Venezuela thông báo mức lạm phát trong tháng 3 là 21,2%, tuy nhiên dự báo cho thấy lạm phát của tháng 4 sẽ trên mức 50%. Người dân sẽ chỉ mua được một nửa giá trị của hàng hóa và thực phẩm bằng số tiền lương hoặc trợ cấp mà họ nhận được trong tháng trước đó. Dự kiến Chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro sẽ phải “phản bội chính mình” bằng cách vi phạm luật tài khóa bắt đầu được thực hiện kể từ năm 2018 và sẽ phải sẽ tăng mạnh chi tiêu công để trả lương cho hệ thống cơ quan và doanh nghiệp hiện không hoạt động vì Covid-19 và chuyển tiền trợ cấp cho hàng triệu hộ gia đình nghèo.
Các nhà kinh tế Venezuela khẳng định Venezuela sẽ quay trở lại với công thức cũ đã khiến nước này chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đó là “bơm nhiều tiền nội tệ hơn, tỷ giá hối đoái cao hơn, gia tăng lạm phát”. Ngoài ra, cần lưu ý rằng Venezuela phải nhập khẩu phần lớn các sản phẩm tiêu dùng cơ bản và thực phẩm. Vì vậy khi tỷ giá hối đoái tăng, giá cả của các mặt hàng này (được bán bằng đồng bolivar) cũng sẽ tăng theo.
4. Đồng lương không có giá trị: Mức lương tối thiểu mà người lao động hợp pháp Venezuela nhận được theo tỷ giá quy đổi chính thức hiện nay là gần 2 đô la Mỹ mỗi tháng, mức thấp nhất kể từ năm 2000 đến nay. Và điều này không chỉ ảnh hưởng đến hàng triệu người lao động Venezuela hiện đang ở dưới mức nghèo, mà còn ảnh hưởng đến gia đình của họ. Theo ước tính của Trung tâm dữ liệu và phân tích xã hội (Cendas), một gia đình có 4 người cần 175 lần mức lương tối thiểu hàng tháng. Giám đốc của Cendas ông Óscar Meza cho biết sức mua của mức lương tối thiểu đã giảm xuống mức 0,8% trong tháng 3 và sẽ giảm hơn nữa trong tháng 4 do giá hàng hóa và thực phẩm tăng trung bình hơn 50%. Mặc dù chế độ Chavismo cung cấp cho người dân có thẻ tổ quốc thực phẩm và các khoản trợ cấp khác, nhưng trong mọi trường hợp thì tổng giá trị của các khoản trợ cấp này không vượt quá 10 đôla/tháng. Trong khi đó theo tỷ giá hiện nay, một gia đình 4 người cần tối thiểu 11 đôla/ngày chỉ để mua thực phẩm.
4. Sự sụt giảm của giá dầu: Không có gì ảnh hưởng đến kinh tế Venezuela nhiều như giá dầu, trên thực tế đây là nguồn thu nhập duy nhất của nước này (96% ngân sách của Venezuela đến từ việc bán dầu thô). Vì vậy trong bối cảnh giá dầu sụt giảm mạnh, phải khẳng định cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela chưa chạm đáy và trong thời gian tới kịch bản sẽ còn tồi tệ hơn.
Điều chắc chắn là Chính phủ của Tổng thống Maduro đã nhìn trước được nguồn thu ngân sách giảm đáng kể trong những năm gần đây do sự sụp đổ của ngành công nghiệp khai thác dầu vì thiếu đầu tư, nâng cấp và bảo trì; và xu hướng giá dầu trên thế giới giảm mạnh. Hiện nay giá bán dầu thô Venezuela đang thấp hơn chi phí sản xuất. Với ngân sách thâm hụt nặng nề, Chính phủ sẽ phải cắt giảm mạnh chi tiêu công; ngoài các thông báo chính trị và việc trợ giúp xã hội ít ỏi cùng với một ngành công nghiệp dầu mỏ yếu kém, Chính phủ của Tổng thống Maduro không có trong tay một công cụ nào khác để trợ giúp người dân và làm giảm hậu quả của suy thoái kinh tế.
Trong bối cảnh thế giới sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế hậu Covid-19, tại Venezuela – nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, dự báo sẽ lâm vào cảnh khan hiếm xăng, khí đốt, điện, nước sạch và thuốc men. Và trong mắt người dân Venezuela, ngày tận thế đối với họ dường như bắt đầu từ ngày hôm nay.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)