Ngày 27/7, phát biểu tại điều trần trước Ủy ban Tài chính-Ngân sách Hạ viện về cuộc điều tra tác động của thép nhập khẩu giá rẻ đối với an ninh quốc gia (theo điều 232 của Luật thương mại Mỹ), Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết Chính quyền đang xem xét một giải pháp đàm phán với các nước để giải quyết vấn đề sản xuất dư thừa thép, theo đó có thể dẫn đến các thỏa thuận tự nguyện. Các Hạ nghị sỹ có mặt tại phiên điều trần cho biết Bộ trưởng Ross tỏ ra hiểu biết về tính phức tạp của cuộc điều tra về thép và nhôm, khả năng có các hành động trả đũa của các nước nếu chính quyền hành động theo điều 232, và một giải pháp thương lượng có thể là kết quả được ưa thích hơn.
Một số nguồn tin cho biết hiện vẫn chưa rõ, nếu không có các hành động theo điều 232 thì có cơ chế nào mà Mỹ có thể gây sức ép để buộc Trung Quốc phải đàm phán. Một trong những hướng đi là Bộ Thương mại gửi một báo cáo mạnh lên Tổng thống nêu rõ một số hành động Mỹ có thể áp dụng sau đó 90 ngày để ép Trung Quốc phải tiếp cận chân thành và tìm kiếm giải pháp. Theo quy định thì báo cáo 232 về thép sẽ phải hoàn thành trước 14/1/2018 và báo cáo về nhôm vào 22/1/2018 (270 ngày sau khi khởi động điều tra) và Tổng thống trong vòng 90 ngày tiếp theo sẽ công bố những biện pháp dựa trên kết quả báo cáo.
Trước đó, trong trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal ngày 25/7, Tổng thống Trump khẳng định Chính quyền chưa sẵn sàng có những hành động về thép vào lúc này. Ông Trump cũng cho biết chính quyền sẽ đợi cho đến khi hoàn tất các chủ đề như cải tổ y tế và cải cách thuế và có thể cả hạ tầng trước khi có hành động về vấn đề thép, một tuyên bố gây ngạc nhiên cho cả những người ủng hộ và chống những biện pháp về vấn đề thép. Hồi tháng 5/2017, Tổng thống từng tuyên bố tình trạng dư thừa sản xuất và bán phá giá thép hiện nay là không chấp nhận được và Mỹ đang cân nhắc áp dụng sớm biện pháp thuế hoặc hạn ngạch hoặc cả hai.
Tuy nhiên Mỹ đang chịu nhiều sức ép từ các nước cũng như từ cộng đồng doanh nghiệp và Quốc hội trong vấn đề này. Thủ tướng Đức và lãnh đạo một số nước Châu Âu đã tỏ ý sẵn sàng các hành động trả đũa nếu Mỹ có hành động về thép dựa trên cuộc điều tra theo điều khoản 232. Ngày 25/7, Phòng Thương mại Mỹ cùng với 14 tổ chức doanh nghiệp của các nước khác đã có thư gửi Tổng thống Trump bày tỏ lo ngại về những hành động tiềm tàng của chính quyền Mỹ về vấn đề thép và nhôm, đề nghị Mỹ ủng hộ Diễn đàn toàn cầu về dư thừa sản lượng thép và OECD để tìm kiếm giải pháp chính sách cụ thể. Bức thư đề cập kết quả Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức tháng 7 vừa qua, theo đó lãnh đạo các nước G20 khẳng định sẽ chỉ đạo Diễn đàn đưa ra được một báo cáo thực chất và các giải pháp chính sách cụ thể trước tháng 11/2017.