Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: “Kết quả giải ngân đầu tư công thấp, trong khi nền kinh tế đang tắc vốn?”

0
53
(Nguồn: tienphong.vn)

Tại hội trường Quốc hội sáng 2/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình về nhiều vấn đề trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025…

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. (Nguồn: tienphong.vn)

Riêng về vấn đề đầu tư công, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, kết quả giải ngân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được 57%, còn cả quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh mới đạt 52%.

“Câu hỏi đặt ra sao kết quả giải ngân thấp trong khi nền kinh tế đang tắc vốn. Vấn đề có phải vướng mắc về Luật Đầu tư công không, bởi nếu không sửa Luật Đầu tư công thì chúng ta sẽ tiếp tục bàn về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ ra thực tế, ngay khi muốn điều chỉnh danh mục công trình phải đưa ra Quốc hội, muốn điều chỉnh vốn từ dự án này sang dự án khác cũng đưa ra Quốc hội, rồi vấn đề muốn lập dự án thì phải có tiền mà tiền phải đưa vào kế hoạch đầu tư công, muốn có dự án rồi mới được bố trí tiền.

Hiện nay, những dự án trong gói phục hồi do dịch COVID-19 không giao được vốn, chưa nói đến giải ngân. Đơn cử, gói 14.000 tỷ đồng xây mới, cải tạo trạm y tế phường xã đến nay chưa giao được vốn, hay như sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia cũng như vậy.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: “Thực trạng trên diễn ra vì chưa có dự án được phê duyệt, mà muốn có dự án để phê duyệt phải có tiền. Trong khi lấy chi thường xuyên thực hiện dự án đầu tư là sai quy định của Luật Đầu tư công. Luật Đầu tư công mở ra hướng đa dạng hoá nguồn vốn nhưng để đa dạng hoá nguồn vốn thì về quy trình thủ tục cần phải sửa. Sắp tới, sửa Luật Ngân sách có thể phải đưa một chương quy định chi thường xuyên và chi đầu tư”.

Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có nghĩa là chính sách tài khóa thâm hụt thì phải giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách. Trong 3 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội giảm thuế đối với các loại thuế, dự kiến năm nay giảm khoảng 200.000 tỷ đồng, đây là nỗ lực rất lớn.

Sau khi giảm thuế, để tiếp tục giữ cán cân tài khóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, phải đưa vào nền kinh tế 347.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Tại phiên họp, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, một nền tài chính vững mạnh phải dựa trên một nền kinh tế phát triển. Tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong 9 tháng đầu năm nay, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách cơ bản được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững.

“Có thể nói điều này đã được tổng kết chính xác nền kinh tế của nước ta trong 9 tháng đầu năm nay”. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Về chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, thời gian qua, Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có nghĩa là chính sách tài khóa thâm hụt thì phải giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách.

“Trong 3 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội giảm thuế đối với các loại thuế, dự kiến năm nay giảm khoảng 200 nghìn tỷ, đây là nỗ lực rất lớn”, Bộ trưởng thông tin.

Sau khi giảm thuế, để tiếp tục giữ cán cân tài khóa, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, phải đưa vào nền kinh tế 347 nghìn tỷ theo Nghị quyết 43 năm 2022.

Về dự toán tình hình ngân sách năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến ngày 30/10 thu ngân sách đã đạt 85% (tức khoảng 1.366 ngàn tỷ).

Một số ý kiến đại biểu về việc tăng thu từ tiền đất, Bộ trưởng cho rằng, thu từ tiền đất và khoản thu từ dầu thô còn rất nhỏ, thu ngân sách chủ yếu từ vai trò của sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thu nội địa.

“Thu từ đất chỉ đạt 57,8%, bằng 86.482 tỷ. Các khoản thu từ dầu thô chỉ 46 nghìn tỷ, bằng 2,6% thu NSNN. Do đó, số thu chủ yếu vẫn từ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thu nội địa”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.

Chia sẻ thêm về việc thực hiện dự toán NSNN năm 2023 của Chính phủ, Bộ trưởng nhấn mạnh, Nghị quyết của BCH Trung ương 8 đưa ra tăng thu NSNN 5% so với năm trước, trong khi hiện nay chúng ta đang giảm 2 loại thuế là thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu và giảm thuế GTGT 2%. Nếu tính cả số thuế giảm nêu trên thì số thực hiện thu NSNN là 1.757,9 nghìn tỷ chứ không chỉ là 1.700 nghìn tỷ.

“Nghĩa là số thực hiện tăng 8,46% so với số thực hiện và dự toán của 2023. Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ và Quốc hội”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đối với dự toán chi NSNN, theo Bộ trưởng, bố trí chi đầu tư công khoảng 677,3 nghìn tỷ chiếm 33.2% trong tổng chi NSNN. Theo đúng chủ trương TƯ và bố trí đủ nguồn để nâng lương cơ sở và thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương bắt đầu từ 1.7.2024.

Về quan điểm của một số đại biểu đề nghị giảm chi thường xuyên, Bộ trưởng cho rằng chi thường xuyên khó có thể giảm do hiện nay đã tiết kiệm tương đối triệt để. Tình trạng chi tiếp khách hay đi công tác nước ngoài…là rất ít. Nguồn chi thường xuyên phục vụ cho chi lương và phụ cấp là chủ yếu. Do đó, nội dung cần giảm là giảm chi cho đầu tư: tiết kiệm trong đầu tư, đầu tư không lãng phí, đầu tư phải có hiệu quả, không dàn trải và không được thất thoát đầu tư….

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here