Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Ninh Bình đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế cả nước

0
101
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dự và phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dự và phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp.

Kỳ họp thứ 9 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Ninh Bình khóa 19 (nhiệm kỳ 2016 – 2021) đã chính thức khai mạc vào ngày 10/12/2018. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình đã dự và phát biểu tại phiên khai mạc.

Ninh Bình hoàn thành toàn bộ 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội

Trong phiên khai mạc kỳ họp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã phát biểu ghi nhận và chúc mừng những kết quả tỉnh Ninh Bình đạt được trong năm 2018. Theo Bộ trưởng, những kết quả đó đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của cả nước.

Qua báo cáo của tỉnh cho thấy, kinh tế của tỉnh Ninh Bình năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng. Toàn bộ 16/16 chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh dự kiến sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức.  Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh dự kiến tăng 9,27% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 23%, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 32% so với năm 2017; thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 10.450 tỷ đồng, tăng 31,2% so với dự toán HĐND giao và tăng 37% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, là mức tăng rất cao so với mặt bằng chung của cả nước.

Năm 2019, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hy vọng tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong vùng và cả nước.

Năm 2018 thu ngân sách nhà nước ước vượt 5% dự toán

Cũng tại kỳ họp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã thông tin kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, báo cáo tình hình kinh tế – xã hội và tài chính ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Bộ trưởng cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế – xã hội của cả nước năm 2018 và 3 năm qua vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra; GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.

Thông tin về tình hình tài chính – ngân sách nhà nước, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội ước năm 2018 sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu dự toán Quốc hội giao, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công được điều hành trong phạm vi Quốc hội cho phép, kỷ cương, kỷ luật tài chính – ngân sách được tăng cường; góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội năm 2018.

“Nhờ tình hình kinh tế khởi sắc và việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tại thời điểm tháng 10, chúng tôi đã báo cáo Quốc hội ước thu ngân sách nhà nước năm 2018 vượt 3% dự toán; nhưng nay đánh giá có thể vượt ở mức cao hơn, khoảng 5% so dự toán. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 24,5% GDP, riêng từ thuế, phí đạt 20,7% GDP, góp phần đảm bảo các nhiệm vụ chi ngân sách trong tình hình mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, cơ cấu thu ngân sách nhà nước chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng thu nội địa đạt 82% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (giai đoạn 2011 – 2015 là 68%); tỷ trọng thu từ dầu thô giảm còn khoảng trên 3% tổng thu ngân sách nhà nước (giai đoạn 2011 – 2015 là 12,9%). Tiến độ thu ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đạt khá so với dự toán.

Chi ngân sách nhà nước đã được cơ cấu lại một bước. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 27% tổng chi ngân sách nhà nước. Tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 63%, đồng thời vẫn thực hiện được mục tiêu tăng lương cơ sở 7%/năm. Đây là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta kiểm soát được bội chi ngân sách nhà nước cả về số tuyệt đối và số tương đối. Trong điều hành, dự kiến sẽ dành thêm nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để giảm tỷ lệ bội chi xuống khoảng 3,5% so với mức dự toán 3,7% Quốc hội quyết định. Nợ công tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng tích cực, nâng cao tính an toàn, bền vững tài chính quốc gia; thị trường tài chính ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…

8 giải pháp trọng tâm

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế – xã hội và tài chính – ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp trọng tâm:

Một là, tiếp tục thực hiện quyết liệt Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế;

Hai là, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra;

Ba là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc;

Bốn là, tiếp tục quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối nguồn lực ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thực hiện năm 2019 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2019 – 2021; xây dựng và triển khai dự toán ngân sách nhà nước gắn với chiến lược và định hướng phát triển trong từng thời kỳ, đảm bảo tính bền vững của ngân sách nhà nước, xác định được thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn ngân sách nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực;

Năm là, kiên định thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực;

Sáu là, tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;

Bảy là, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công. Tiếp tục triển khai lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, đồng thời với việc giao quyền tự chủ về tổ chức, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập;

Tám là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.

Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here