Bộ Tài chính lấy ý kiến về Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội

0
53

Trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2021, dự kiến tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2022, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,1% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.

Cụ thể, dự toán thu nội địa là 1.176,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,4% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, tăng khoảng 3,8% so với ước thực hiện năm 2021. Dự toán thu dầu thô 28,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước gần 7 triệu tấn, giá dầu dự toán khoảng 60USD/thùng. Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 199 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước. Dự toán thu viện trợ 7,8 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương giữ lại năm 2022 có sự thay đổi rõ rệt. Theo đó, có 18 địa phương có kết dư điều tiết ngân sách về trung ương, tăng 2 tỉnh so với năm 2021 (Hà Nam và Ninh Bình). Nhiều địa phương được tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại như Vĩnh Phúc từ 53% lên 62%; Đà Nẵng từ 68% lên 91%; Cần Thơ 91% lên 98%, TP. Hồ Chí Minh từ 18% lên 21%… Trong khi đó, tỷ lệ điều tiết ngân sách một số tỉnh, thành giữ lại bị giảm xuống gồm Hà Nội giảm từ 35% xuống 32%; Bà Rịa – Vũng Tàu từ 64% xuống 56%; Quảng Ninh từ 65% xuống 56%, Hải Phòng từ 78% xuống 70%, Đồng Nai từ 47% xuống 45%.

Ảnh: Trụ sở Bộ Tài chính

Về chi ngân sách, Bộ Tài chính xác định 4 nguyên tắc, định hướng bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022. Thứ nhất, bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi ngân sách nhà nước; chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn. Thứ hai, bố trí chi thường xuyên theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định, nhưng yêu cầu triệt để tiết kiệm gắn với tinh gọn bộ máy, nâng cao tự chủ đơn vị sự nghiệp công phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù từng lĩnh vực, cắt giảm các khoản chi chưa cấp bách để tập trung tối đa nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Thứ ba, bố trí ưu tiên cho các nhiệm vụ cần thiết, chi an sinh xã hội, cải thiện đời sống cho các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, đối tượng có lương hưu thấp. Bố trí chi các chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với khả năng giải ngân và cân đối ngân sách nhà nước. Thứ tư, bố trí hợp lý dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Theo đó, dự kiến dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021. Dự kiến bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển 526,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 10,2% so dự toán năm 2021. Chi trả nợ lãi 103,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng chi, giảm 5,8% so với dự toán năm 2021. Chi thường xuyên 1.111,19 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,2% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 5,1% so với dự toán năm 2021 – trong đó, tập trung bố trí tăng chi một số chính sách an sinh xã hội quan trọng, phát sinh mới, như hỗ trợ chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 và an sinh xã hội cho người dân; điều chỉnh chuẩn nghèo; lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995; chế độ trợ cấp người có công. Đối với các nhiệm vụ chi thường xuyên khác, triệt để tiết kiệm ngay từ khâu dự toán.

Như vậy, mức bội chi năm 2022 dự kiến là 372.900 tỷ đồng, tương ứng khoảng 4% GDP, bằng mức dự toán năm 2021. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21-22% tổng thu ngân sách. Đến cuối năm 2022, nợ công ở mức 43-44% GDP. “Bộ Tài chính đang tham mưu cho Thủ tướng và Chính phủ một số gói kích thích kinh tế. Năm 2022 – 2023 có thể tăng bội chi, nhưng đến năm 2024, khi kinh tế phát triển, thu ngân sách tăng lên thì sẽ giảm bội chi”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here