Sáng ngày 18 tháng 12 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) tổ chức Hội thảo về đánh giá quốc gia đa chiều. Đây là hội thảo lần thứ hai sau sự kiện lần thứ nhất được tổ chức hồi tháng 4 năm 2019, nhằm đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm phát triển OECD Jan Rielander và các thành viên Tổ Biên tập của Tiểu ban xây dựng Chiến lược phát triển Kinh tế – Xã hội, Hội đồng Lý luận Trung ương; đoàn chuyên gia OECD, đại diện các bộ, ngành trung ương…
Phát biểu khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo khẳng định, Việt Nam coi trọng và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của OECD với các bộ, ngành của Việt Nam trong triển khai xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR). Ông cho biết, việc xây dựng MDCR được bắt đầu từ tháng 2 năm 2019, với mục đích đánh giá chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, các rào cản và các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam. Với cách tiếp cận đa chiều, liên ngành và so sánh kinh nghiệm phát triển của một số quốc gia, OECD đã đề xuất một số kiến nghị chính sách về xử lý các rào cản nêu trên nhằm hướng đến nền kinh tế minh bạch, hội nhập, bền vững hơn. Báo cáo đã chỉ ra ba rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam gồm, mô hình phát triển kém hiệu quả, tiêu hao nhiều tài nguyên và nguồn lực; năng lực thể chế và quản trị hạn chế; khả năng huy động và sử dụng hiệu quả tài chính của phát triển.
Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD Jan Rielander cho rằng, để có những đánh giá đa chiều về Việt Nam, chúng ta cần phải xem xét, xác định một số lĩnh vực chính, đề xuất một nền tinh chế cho Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập và phát triển đa tốc độ như hiện nay. Ông cho biết, Báo cáo MRCD đưa ra các khuyến nghị gồm cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, mà thông qua cải cách môi trường này có thể giúp tăng thêm 2,5% GDP, cũng như nâng cao năng lực, kỹ năng trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Báo cáo MDCR là công trình nghiên cứu chung của cả OECD và các cơ quan liên quan của Việt Nam. Trong quá trình xây dựng Báo cáo, nhiều thông tin đánh giá, nhận định đã được Tổ biên tập Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021–2030 tham khảo để phục vụ cho xây dựng chiến lược quan trọng này./.
(Ban Quản trị Trang NGKT)