Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số trong nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và hậu đại dịch

0
230
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021 với chủ đề: “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và Báo Điện tử Tin nhanh Việt Nam (VnExpress) đồng tổ chức.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, sự quan tâm tham dự đông đảo của các đại biểu từ hơn 1.300 điểm cầu trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam và hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với đa dạng thành phần đại biểu cũng là một tín hiệu rất tích cực cho thấy nông nghiệp và quá trình chuyển đổi tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, để hiện thực hóa khát vọng phát triển của đất nước, thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam đến 2030 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam phải chuyển đổi số thành công. Trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên cần thực hiện chuyển đổi số trước tiên như đã được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Lý do cần đưa công nghệ thông minh và nền tảng số vào nông nghiệp?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh và bảo vệ môi trường, sinh thái.

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vững chắc, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, bảo đảm ổn định kinh tế-xã hội trong nước, mà đã vươn lên thành một ngành kinh tế năng động, tham gia sâu vào hội nhập quốc tế và là ngành xuất khẩu chủ lực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, trong thời gian tới, trước những thách thức lớn do biến đổi khí hậu, áp lực gia tăng dân số toàn cầu, yêu cầu ngày càng cao của thị trường về tiêu chuẩn, chất lượng nông sản, thực phẩm, môi trường, sinh thái, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, gắn kết với thị trường quốc tế, có khả năng thích ứng và sức cạnh tranh cao.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 với những tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, càng cho thấy tầm quan trọng của an ninh lương thực và vai trò của nông nghiệp.

Các khó khăn, thách thức do đại dịch cũng đã gia tăng nhận thức của doanh nghiệp, người nông dân về sự cấp thiết của việc đưa công nghệ thông minh và nền tảng số vào nông nghiệp để bảo đảm sự ổn định, thông suốt của chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trước các cú sốc – chuẩn bị nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Tình hình cho thấy vai trò của một Diễn đàn chuyển đổi số cho nông nghiệp Việt Nam 2021, nhằm mục đích thảo luận, thúc đẩy đối thoại giữa các cơ quan chính phủ, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp trong nước và quốc tế về những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng thông minh, số hóa, kết nối với thị trường quốc tế, trong bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển nhanh, khó lường, đặc biệt là dưới tác động của đại dịch toàn cầu.

Với sự tham dự của đông đảo các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế – các chủ thể có vai trò quan trọng đối với ngành nông nghiệp cũng như quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp của Việt Nam. Diễn đàn bước đầu thỏa mãn mục tiêu là một hoạt động kết nối có ý nghĩa thiết thực để các địa phương, doanh nghiệp trong nước và các đối tác nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau, trên cơ sở đó nhận diện những cơ hội hợp tác mới, từ đó có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các địa phương, doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển chung của đất nước.

Tranh thủ nguồn lực bên ngoài, Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Chính phủ đã sớm xác định tầm quan trọng của việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá, là cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội.

“Có thể nói, để hiện thực hóa khát vọng phát triển của đất nước, thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam đến 2030 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam phải chuyển đổi số thành công. Trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên cần thực hiện chuyển đổi số trước tiên như đã được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Cũng trong phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn một lần nữa nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Bộ Ngoại giao.

Phát huy vai trò của mạng lưới gần 100 cơ quan đại diện của Việt Nam trên khắp các châu lục, Bộ Ngoại giao đã luôn chủ động, tích cực thúc đẩy kết nối các địa phương và doanh nghiệp trong nước với các đối tác quốc tế thông qua tổ chức nhiều hoạt động thực chất và hiệu quả.

Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, nhiều cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài sau nhiều năm đồng hành đã trở thành đối tác thân thiết, được các doanh nghiệp tín nhiệm gọi là những “đại sứ của nông dân”.

Trong năm 2021, khắc phục các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đối tác tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu nông sản và hợp tác nông nghiệp.

Gần đây nhất là Tọa đàm về “Tăng cường hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng ngành Halal Việt Nam” (ngày 10/8) và Hội thảo Hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Châu Phi (ngày 9/9).

Bộ trưởng khẳng định, để chuẩn bị cho sự bứt phá của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19, với tinh thần “ngoại giao phục vụ phát triển”, “lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ”, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận, tham gia các xu thế lớn của thế giới, nắm bắt thời cơ phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và chuyển đổi số.

Vì vậy, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, triển khai các hoạt động thiết thực đóng góp vào thực hiện thành công chương trình chuyển đối số quốc gia nói chung, và trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thông minh nói riêng trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn, trong tham luận với chủ đề “Xu hướng và nhu cầu thị trường toàn cầu; định hướng chính sách, địa bàn xúc tiến đối với nông sản địa phương Việt Nam”, bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, hiện nay hầu hết các đánh giá đều cho rằng, Covid-19 sẽ tồn tại lâu dài.

Từ các mô hình ứng phó với Covid-19 vừa qua, có thể thấy 4 mô hình: không có Covid-19; đi từ đóng cửa đến sống chung; giãn cách – phong tỏa – giãn cách – phong tỏa; miễn dịch cộng đồng. Hiện nay, thế giới đang ở giai đoạn đi từ đóng cửa đến sống chung với đại dịch.

“Với chiều hướng đó, chúng tôi cho rằng ngành nông nghiệp sẽ chịu tác động rất lớn, có nhiều thách thức và cơ hội, giúp phát triển bứt phá hơn”, bà Hằng khẳng định.

Bà Nguyễn Minh Hằng cũng đưa ra 4 kiến nghị, bao gồm: Thứ nhất trong tư duy và nhận thức, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức, tư duy áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, đào tạo và đào tạo lại các kỹ năng số; Thứ hai là các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, pháp lý, chính sách kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, định hướng hoạt động trong xây dựng thương mại điện tử toàn cầu, thanh toán không tiền mặt, thanh toán điện tử…; Thứ ba là các biện pháp cần triển khai, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, hình thành mạng lưới, khởi tạo diễn đàn, thúc đẩy cam kết sản xuất, thu hút đầu tư, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường; Cuối cùng là đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Bà Nguyễn Minh Hằng khẳng định, với phương châm Ngoại giao phục vụ phát triển đất nước, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp để đẩy mạnh ngành nông nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Chu Văn

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here