Bộ Ngoại giao đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi

0
219
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam phát biểu tại Hội thảo Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông - châu Phi.
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam phát biểu tại Hội thảo Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông – châu Phi.

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông – châu Phi. Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của các đại sứ, đại biện các đại sứ quán các nước Trung Đông – châu Phi tại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi, các hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo giới truyền thông.

Khẳng định rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Ngoại giao là Ngoại giao phục vụ phát triển, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam khẳng định, “Bộ Ngoại giao luôn đồng hành cùng doanh nghiệp mở rộng thị trường, xuất khẩu sang khu vực Trung Đông – châu Phi, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Vị trí xứng đáng trong chiến lược xuất khẩu thuỷ sản

Theo đánh giá từ Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) Đỗ Quốc Hưng, thủy sản là mặt hàng quan trọng trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông và Châu Phi và có kim ngạch tăng trưởng nhanh trong các năm qua. Đây là mặt hàng xuất khẩu có nhiều khởi sắc trong những năm gần đây và giàu tiềm năng trong tương lai. Năm 2017, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang khu vực Trung Đông đạt 254 triệu USD, sang châu Phi đạt 95,2 triệu USD.

Trên thực tế, hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho hay, việc doanh nghiệp Việt Nam bị thị trường châu Âu (EU) phạt “thẻ vàng” khiến họ bị tổn thất, ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản vào các thị trường truyền thống như EU và Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến hàng rào thuế quan và kiểm dịch an toàn thực phẩm, việc mở rộng cánh cửa sang các thị trường tiềm năng như Trung Đông và Châu Phi là hướng đi phù hợp, nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu trước mắt là đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2018 và nâng cao kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong những năm tiếp theo.

Do đó, ông Hưng cho rằng, cần đặt thị trường Trung Đông và Châu Phi vào vị trí xứng đáng trong chiến lược xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, phải bắt tay xây dựng kênh phân phối để phát triển thị trường xuất khẩu bền vững. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình và quan tâm hơn tới bao bì, nhãn mác, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Những rào cản cần vượt qua

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đầy triển vọng trong hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Đông – Châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khó khăn lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Phi chính là khâu thanh toán. Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở L/C (do chi phí cao). Việc thanh toán còn được thực hiện bằng TTR, đặt cọc 10% số còn lại trả nốt khi có chứng từ. Đây là phương thức thanh toán không an toàn nên hầu hết không được các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chấp thuận.

Các ngân hàng thương mại Việt Nam và châu Phi chưa thiết lập quan hệ đại lý nên dẫn đến việc doanh nghiệp khó khăn trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu, chuyển tiền, làm phát sinh chi phí do phải thông qua ngân hàng quốc tế. Đối với một số nước Trung Đông cũng có khó khăn trong khâu thanh toán, ví dụ như Iran, đặc biệt trong bối cảnh Iran đang bị Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt mới.

Doanh nghiệp hai bên thường xuyên thiếu thông tin về thị trường, đối tác của nhau. Hiện tại, Việt Nam chỉ có 9 Đại sứ quán và 5 Thương vụ tại châu Phi nên khả năng giới thiệu, thẩm tra đối tác, xin visa… nhất là ở những nước khác gặp nhiều khó khăn. Do đó, để tránh rủi ro, doanh nghiệp Việt Nam thường chọn xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế. Điều này làm cho giá nông, thủy sản xuất khẩu Việt Nam đội lên, làm giảm tính cạnh tranh và đôi khi thương hiệu Việt Nam không được người tiêu dùng địa phương biết đến.

Đối với vấn đề SPS, hiện nay các nước ngày càng chú trọng đến vấn đề SPS, tiêu biểu như vụ việc Saudi vào tháng 01/2018 đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam do nhiễm dịch bệnh; Kuwait vào tháng 05/2018 thông báo tạm ngừng thông quan một số mặt hàng tôm tươi, làm lạnh, đông lạnh, đã qua xử lý có xuất xứ từ Việt Nam do nhiễm dịch bệnh. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường hơn nữa chất lượng từ khâu nuôi trồng cho đến chế biến để đáp ứng được yêu cầu từ phía nhập khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh của các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan.

Khu vực Trung Đông – Châu Phi chủ yếu nhập khẩu gạo đồ, gạo trắng chất lượng cao và gạo basmati, gạo Việt Nam nhìn chung có chất lượng thấp, chưa có thương hiệu dẫn đến giá xuất khẩu cũng thấp hơn gạo của Thái Lan. Việc chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thương hiệu đã làm giảm đáng kể giá trị và uy tín của gạo Việt Nam.

Mặt khác, phương thức xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa đáp ứng được tập quán tiêu dùng của các nước Trung Đông về đóng gói, phân phối, thị hiếu, tiêu chuẩn Halal và chất lượng gạo theo yêu cầu người dân.

Cần phối hợp tốt hơn giữa Bộ Ngoại giao và Công Thương

Trước những khó khăn và thách thức cho xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Đông – Châu Phi, ông Hưng đã đưa ra một số đề xuất để thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường này như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động xuất nhập khẩu nông, thủy sản của các doanh nghiệp. Như, Thúc đẩy hợp tác song phương thông qua kênh Ủy ban hỗn hợp/ Ủy ban Liên Chính phủ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông – Châu Phi; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham dự hội chợ, triển lãm, đi khảo sát các thị trường, tìm kiếm đối tác ở thị trường Trung Đông – Châu Phi; Đầu tư quảng bá thương hiệu nông, thủy sản của Việt Nam tại các nước trong khu vực…

Thủy sản là mặt hàng quan trọng trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông và Châu Phi và có kim ngạch tăng trưởng nhanh trong các năm qua.

Phát biểu tại hội thảo, bà Đoàn Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế – Bộ Ngoại giao cho biết, vừa qua, Bộ Ngoại giao đã triển khai thực hiện các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo các nước Israel, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Mozambique tới Việt Nam, trong các chuyến thăm đó, nội hàm kinh tế luôn được thúc đẩy, đặc biệt là các dự án kinh tế trọng điểm. Bộ Ngoại giao cũng tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác song phương, đã có 19 thỏa thuận hợp tác được ký kết; hỗ trợ tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp bên lề các chuyến thăm cấp cao, hỗ trợ các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tại nước ngoài; làm đầu mối thiết lập các mô hình đối tác công tư: doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và quốc gia;

Bộ Ngoại giao hiện có 17 cơ quan đại diện tại khu vực này, kiêm nhiệm 72 quốc gia, vùng lãnh thổ, là những “ăng ten” đầu mối giữa doanh nghiệp và nước sở tại. Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, theo bà Phương Lan, trong các đoàn cấp cao, nội dung kinh tế cần cụ thể hơn và phối hợp tốt hơn giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương. Bà Phương Lan cũng cho rằng, thông tin về thị trường cần đầy đủ, cụ thể hơn, phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ vướng mắc rủi ro khi doanh nghiệp hoạt động ở các nước; hỗ trợ xác minh thẩm tra đối tác, giảm thiểu các rủi ro; hỗ trợ cho doanh nghiệp kết nối với chính quyền địa phương ở nước sở tại; tư vấn kết nối các doanh nghiệp với các tổ chức, đầu mối, ngành hàng ở nước sở tại; hoạt động xúc tiến thương mại hoặc tham gia các hội chợ ở nước ngoài…

Các nước Trung Đông – châu Phi bao gồm hơn 70 quốc gia, nhu cầu rất lớn về nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là thủy sản do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu nông sản thực phẩm của các nước châu Phi là 38 tỷ USD và dự kiến tăng lên 110 tỷ USD vào năm 2025. Với thị trường Trung Đông, năm 2017, nhập khẩu lương thực, thực phẩm của Trung Đông đạt 43 tỷ USD, dự kiến tăng lên 70 tỷ USD vào năm 2025.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, Trung Đông – châu Phi là thị trường lớn với hơn 1,6 tỷ dân, nguồn lực tài chính mạnh, nhất là khu vực Trung Đông, nhiều tiềm năng xuất khẩu, sức mua lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam trong truyền thống lịch sử cũng như hiện nay. Tuy vậy, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Trung Đông – châu Phi mới đạt trên 20 tỷ USD, bởi vậy còn rất nhiều tiềm năng cần được khai thác.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here