Kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ “tái phát” tình trạng khủng hoảng đã xảy ra 10 năm trước đây, và đáng ngại là “còn lại ít thuốc chữa trị cho bệnh nhân tái phát”.
Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) – được xem là ngân hàng trung ương đối với các ngân hàng trung ương của các nước – đã đưa ra cảnh báo trên trong báo cáo thường niên công bố ngày 23/9.
Theo báo cáo, sự hồi phục của kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 “rất mất cân bằng”, đặc biệt các nền kinh tế đang nổi phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng.
Phát biểu với báo giới trong một hội nghị qua điện thoại, nhà kinh tế hàng đầu của BIS, Claudio Borio nhận định: “Tình hình có vẻ khá mong manh”. Ông cảnh báo “trong tủ thuốc còn lại ít thuốc để chữa lành cho bệnh nhân trong trường hợp bệnh tái phát”.
Ông Borio chỉ ra rằng các ngân hàng trung ương ở các nước trên thế giới trong nhiều năm qua đã không ngừng áp dụng chính sách lãi suất thấp”, coi đó như “liều thuốc mạnh” để đối phó với những tác động của cuộc khủng hoảng.Chính sách này đã giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế, song không tránh khỏi một số tác dụng phụ. Dẫn chứng các trường hợp Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Borio nhận định khủng hoảng bùng phát ở hai nền kinh tế đang nổi này thời gian gần đây là phản ứng “vật vã vì thiếu thuốc” khi ngân hàng trung ương bắt đầu giảm liều.
Theo ông Borio, nhìn chung các thị trường tài chính toàn cầu đang hoạt động tốt, song ông cảnh báo “có thể ví tình hình này như một người có nhiệt độ trung bình cơ thể tốt nhưng đầu rất nóng và chân rất lạnh”. Ông nhấn mạnh rất khó đoán trước tương lai, vì vậy các nhà làm chính sách và những thành phần tham gia thị trường cần phải chuẩn bị tinh thần cho “một thời kỳ dưỡng bệnh lâu dài và nhiều biến động”.
Cảnh báo của BIS trùng khớp với lo ngại của giới chuyên gia kinh tế về chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm, theo đó, sau cuộc khủng hoảng tiền tệ tại khu vực châu Á năm 1997 là cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008./.
(TTXVN)