Tờ Financial Express ngày 21 tháng 3 đưa tin, tại cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề: “BIMSTEC chặng đường 20 năm: Hướng tới Cộng đồng Vịnh Bengal” do Ban Thư ký BIMSTEC tổ chức tại Dhaka ngày 20/3, các đại biểu đều cho rằng Tổ chức Sáng kiến Vịnh Bengal về hợp tác kỹ thuật và kinh tế đa ngành (BIMSTEC) cần có “cú hích mạnh” nhằm đạt mục tiêu thúc đẩy thương mại và kết nối trong khu vực; nếu những tiềm năng của khu vực được phát huy, sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên. Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh Abul Hasan Mahmood Ali cho rằng những thách thức mà các quốc gia thành viên của BIMSTEC như Bangladesh và Myanmar phải đối mặt sau khi ra khỏi Nhóm các nước kém phát triển nhất có thể được bù đắp thông qua việc thúc đẩy thương mại giữa các nước thành viên. Ông cũng cho rằng BIMSTEC chưa đạt được tiến triển rõ rệt nào trong vòng 2 thập kỷ qua và các quốc gia thành viên cần tăng cường nỗ lực để đưa tổ chức này hoạt động hiệu quả và năng động hơn. Ông Ali cũng nhấn mạnh, BIMSTEC với vị trí chiến lược, kết nối các nước Nam Á và Đông Nam Á có sứ mệnh là thúc đẩy phát triển và an ninh nhưng hiện các tiềm năng vẫn chưa được phát huy. Mặc dù mục tiêu của BIMSTEC là thúc đẩy thương mại nội khối tăng lên 21%, nhưng hiện nay con số này mới chỉ ở mức khiêm tốn là 7%. Đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Ấn Độ rất coi trọng BIMSTEC bởi tổ chức này đóng góp cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt là các bang ở Đông Bắc của nước này. Tổng Thư ký BIMSTECH M Shahidul Islam cho rằng, BIMSTEC đang ở thập niên thứ ba; do vậy, đã đến lúc cần đề ra lộ trình mới để nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức này.
BIMSTEC là ngôi nhà chung của 1,7 tỷ người, chiếm 1/5 dân số toàn cầu, được thành lập tháng 6/1997 trên cơ sở Tuyên bố Bangkok. BIMSTEC hiện có 7 nước thành viên, trong đó 5 nước Nam Á gồm Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka và 2 nước Đông Nam Á gồm Myanmar và Thái Lan.
(ĐSQVN tại Bangladesh)